Vietnam Idol: Nặng giải trí, nhẹ thi tài?

Không riêng ở VN, format của Idol series trên toàn thế giới đều thế, bởi cuộc thi nhắm đến hai điều: Tìm kiếm tài năng âm nhạc (giọng hát) trong giới trẻ và tạo chương trình truyền hình mang tính giải trí cao. Vậy hai mục đích này đang được Vietnam Idol thể hiện ra sao?

Ở Mỹ, American Idol (ra đời năm 2002) được xem là một chương trình truyền hình thành công và tạo ra nhiều lợi nhuận nhất thời đại. Trong mùa thứ bảy, với trung bình 34 triệu người xem mỗi lần lên sóng, doanh thu từ việc bán quảng cáo trước và xen giữa chương trình đã lên đến gần 1 tỉ USD, chưa kể tiền tài trợ chương trình, tiền bán album và vé xem. Doanh thu ước đoán từ việc bán quảng cáo của chương trình từ mùa thứ nhất đến mùa thứ tám là khoảng 6,4 tỉ USD. Sự thành công vượt bậc của American Idol trong ngành giải trí Mỹ chính là điểm hấp dẫn khiến Unilever “kéo” Idol về VN với mong muốn tạo ra một chương trình thành công tương tự.

Khuyến khích “không đụng hàng”

Phần chương trình có tính giải trí cao nhất chính là phần thi thử giọng. Ở phần này, tiêu chí để thí sinh được lên sóng là ngoài giọng hát hay và ngoại hình, phần trình diễn “càng không đụng hàng càng tốt”.

Năm nay, tiêu chí này có lẽ được chú trọng hơn cả nhằm kích thích số lượng người xem. Cũng vì điều đó mà ở các vòng thi thử giọng xuất hiện những pha gay cấn bất ngờ của các thí sinh như trường hợp một thí sinh được xem là “tự tin nhất” khi là trai giả gái để đi thi. Ngay cả BGK khi bình luận hay phản hồi phần thi của thí sinh cũng cố gắng đưa ra những câu bình phẩm mang tính chất hài hước. Đặc biệt, giọng cười của ca sĩ Siu Black được khai thác tối đa. Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến phần giải trí đã khiến dư luận khá bất bình với cuộc thi nói chung và BGK nói riêng trước những ứng xử có phần dung tục hóa cuộc thi.

Vietnam Idol: Nặng giải trí, nhẹ thi tài? ảnh 1

Tốp 8 thí sinh nam luyện vũ đạo với biên đạo múa Tấn Lộc. Ảnh: BHD

Có thực sự tìm kiếm tài năng âm nhạc?

Yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng thí sinh đầu vào là BGK. Ở American Idol, thành viên BGK chủ yếu là những người có kinh nghiệm lâu năm với ngành sản xuất âm nhạc. Với kinh nghiệm dạn dày, BGK của American Idol đã phát hiện ra những tài năng thực sự đóng góp cho ngành âm nhạc và giải trí của Mỹ như: Kelly Clarkson - Grammy 2006; Jennifer Hudson - Grammy 2009; Carrie Underwood - Grammy 2007, 2008, 2009, 2010 và nhiều ca sĩ thành danh khác như David Cook, Adam Lambert...

Trong khi đó, BGK của Vietnam Idol thay đổi liên tục. Có lẽ ca sĩ Siu Black là người cầm trịch khi chị được giữ lại trong thành phần BGK xuyên suốt qua ba mùa. Dường như điều mà Vietnam Idol thực sự thiếu là một vị giám khảo có kinh nghiệm trong việc đào tạo và phát triển ca sĩ đóng vai trò quyết định chuyên môn thực sự cho cuộc thi. Sự thiếu sót này cũng thể hiện rõ trong phần phản hồi của BGK cho thí sinh khi đa số các câu góp ý chỉ mang tính chung chung như: “Chị thích em” hay “Em nên hát tuồng đi thì hơn”. Riêng khoản góp ý cho thí sinh, tính chuyên nghiệp của Vietnam Idol cũng kém hơn hẳn so với các cuộc thi âm nhạc khác.

Yếu tố thứ hai nằm ở chính chất lượng giọng hát của thí sinh. Điểm chung duy nhất của thí sinh là “ước mơ trở thành thần tượng”. Cũng dễ hiểu bởi tiêu chí của chương trình là giúp các bạn trẻ có cơ hội trở thành “người hùng” từ số không. Nhưng cũng chính điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc thi. Trong khi đó, ở những cuộc thi âm nhạc thuần túy khác, thí sinh được chọn lọc một cách kỹ càng, được đào tạo chính quy hơn.

Nạn băng đĩa lậu tràn lan, phí bản quyền âm nhạc hầu như không có đã khiến ngành công nghiệp sản xuất âm nhạc VN mãi ở vị trí nghiệp dư. Ca sĩ hầu hết đều phải tự bỏ tiền làm album và thường lỗ. Vì vậy với những cuộc thi như vn Idol, vai trò của hãng thu âm/công ty âm nhạc đứng sau hỗ trợ chuyên môn và đóng góp vào việc phát triển kỹ năng của ca sĩ là rất ít bởi quyền lợi của họ chỉ dừng lại ở việc nhà sản xuất/tài trợ chương trình trả phí thu âm cho ca sĩ trở thành thần tượng. Hãng thu âm không đi xa hơn đến việc ký hợp đồng độc quyền với ca sĩ và thu âm rồi phát hành để bán với số lượng lớn trên thị trường.

Ba bên đều có lợi

Số tiền gần 2 triệu USD mà Unilever bỏ ra để “làm Vietnam Idol” được phân bổ cho ba nhãn hàng. Chi ra số tiền lớn như vậy, Unilever sẽ được quyền quảng bá ba thương hiệu Clear, Lipton và P/S trên sóng của đơn vị phát sóng chỉ định (mùa đầu là HTV, sau đó đổi qua VTV). Quyền này cụ thể là quyền phát sóng quảng cáo trước và trong chương trình, quyền làm các hoạt động khuyến mãi đi đôi với chương trình, tổ chức hoạt động tiếp thị tại những nơi diễn ra chương trình… Những quyền này đều được quy ra tiền và thương lượng cụ thể với đơn vị phát sóng khi nhượng lại bản quyền. Đổi lại, đơn vị phát sóng sẽ bán được các quảng cáo khác đi kèm giữa chương trình.

Nếu chỉ đơn thuần là quảng cáo và tài trợ - lĩnh vực quá quen thuộc với một tập đoàn đa quốc gia lớn như Unilever - tại sao họ lại không chọn một chương trình có sẵn để tài trợ và mua sóng phát quảng cáo của chương trình đó? Đơn giản nếu đó là chương trình được công chúng chú ý, chi phí phát sóng cho một quảng cáo thời lượng 30 giây sẽ rất đắt. Việc mua bản quyền và quyền tổ chức giúp Unilever can thiệp sâu hơn vào chương trình. Bằng kinh nghiệm làm marketing của mình, họ sẽ quảng bá chương trình rộng rãi hơn, thành công hơn làm tăng số lượng khán giả xem chương trình. Từ đó, các quảng cáo của Unilever trong chương trình sẽ đến với đông người xem hơn. Đây chính là điểm mấu chốt để Unilever “kéo” Idol về VN. Nếu chương trình càng thành công, Fremantle Media càng có cơ hội để nâng phí bản quyền và đơn vị phát sóng có cơ hội nâng giá bán sóng quảng cáo trong chương trình. Trong cuộc chơi tay ba này, ba bên đều có lợi.

______________________________________________________

- 400.000 USD là số tiền Unilever đã chi ra vào năm 2007 để mua bản quyền và quyền tổ chức cuộc thi Vietnam Idol từ Fremantle Media. Cộng thêm các chi phí để sản xuất ra Idol thì con số này lên đến gần 2 triệu USD.

- Từ số lượng thí sinh tham gia thử giọng khá khiêm tốn ở mùa thứ nhất, đến mùa thứ hai năm 2008, số lượng thí sinh tham dự Vietnam Idol tăng lên 15.000 và mùa thứ ba năm nay, con số này tăng vọt lên thành 40.000 thí sinh. Sự tăng vọt liên tục của lượng thí sinh tham gia thử giọng cũng phần nào phản ánh được mức độ phổ cập của cuộc thi trong giới trẻ. Phương Vy, Thảo Trang, Hoàng Hiệp, Quốc Thiên - những ca sĩ từ cuộc thi - đều được khán giả trẻ biết đến. Thế nhưng chất giọng lẫn phong cách của những ca sĩ này chỉ được giới chuyên môn đánh giá là “thường thường bậc trung”.

NGÔ TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm