viết về phong trào xuống đường của sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn đầu năm 1950

 Như Nguyễn Bính ghi rõ ngay dưới bài thơ: ông viết bài này ngay sau cuộc biểu tình của học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn ngày 19.1.1950. Không rõ tác giả có đưa đăng bài thơ này ở báo nào tại Sài Gòn hay vùng kháng chiến ở Nam bộ đương thời hay không, chỉ biết là ngay sau khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính đã đưa đăng bài thơ Máu chảy trên đường phố này trên báo Trăm Hoa số 7, ra ngày thứ bảy 22.10.1955, tờ báo tư nhân ở Hà Nội mà chủ nhiệm là Trúc Đường Nguyễn Mạnh Phác, anh ruột Nguyễn Bính (phân biệt với tờ Trăm Hoa do Nguyễn Bính sẽ tục bản vào tháng 10.1956).

viết về phong trào xuống đường của sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn đầu năm 1950 ảnh 1

Bài thơ Máu chảy trên đường phố này cho thấy một nét mà chúng ta còn hơi ít được thấy ở tài thơ Nguyễn Bính: khả năng viết các thiên bi hùng ca tranh đấu. Có lẽ, người ta chỉ mới biết thoáng qua chất anh hùng ca khi nghe lời bài hát Tiểu đoàn 307. Xin nhớ rằng Nguyễn Bính có cả một tập Ông lão mài gươm viết hồi kháng chiến chín năm (1946 – 1954) ở Nam bộ. Nhà thơ có cốt cách dân gian nhuần nhị đến độ cổ điển này, khi đi vào cuộc kháng chiến của toàn dân, đã khá dễ dàng bắt giọng hùng ca. Và với đề tài về cuộc đấu tranh đổ máu của học sinh sinh viên đô thị này, nhà thơ còn mô tả và cảm khái bằng âm hưởng bi hùng.

Xin giới thiệu lại cùng bạn đọc bài thơ có lẽ còn hiếm người biết này.

Máu chảy trên đường phố

Làm sau cuộc biểu tình của học sinh tại Sài Gòn – Chợ Lớn ngày 19.1.1950

Những học sinh của Sài Gòn – Chợ Lớn

Bước chân tơ ngày hai buổi tới trường

Lắng tai nghe sóng gió dậy ngàn phương

Ôi! Bực bội! Bốn bức tường nhỏ hẹp!

Ngoài kia vang sắt thép?

Ngoài kia rực ánh vàng son?

Ngoài kia vui? Sao đây sầu vạn kiếp?

Nắng ngoài kia? Đây lạnh buốt tâm hồn?

Là những mầm non

Hoa chờ trái đợi

Hồn trong trắng thơm tho trang vở mới,

Bàn tay mềm như mái tóc tơ xanh

Đàn chim non bay mát rượi kinh thành

Trao hứa hẹn giữa nụ cười kết bạn.

Mùa thu năm bốn lăm

Toàn dân làm cách mạng

Sao vàng mọc, núi sông trào ánh sáng

Khắp đô thành nhảy múa một màu son

Hạnh phúc về quy tụ giữa tim non

Hoa độc lập hẹn thơm mùa giải phóng.

***

Giặc Pháp thừa cơ

Đem binh chiếm đóng

Chợ Lớn – Sài Gòn hỗn loạn bóng xâm lăng

Dân chúng âm thầm

Nuốt hờn ngậm nhục

Trong tay giặc, nghiến răng không khuất phục

Giữa đêm dày hồn vẫn thắm cờ son.

Những học sinh của Sài Gòn Chợ Lớn

Lắng tai nghe sóng gió dậy ngàn phương

Bước chân tơ ngày hai buổi tới trường

Mà cảm thấy như mình đi lạc lối

Ôi! Khao khát hoa rừng thơm nước suối

Ôi! Thèm nghe chim hót sáng bình minh

Cha chúng ta trong những chiến khu xanh

Mài gươm bén đêm đêm truy kích giặc

Các anh ta vượt Trường Sơn ra Việt Bắc

Bác ngoài kia khuya sớm vọng về Nam…

Mà ở đây trong vuốt giặc hung tàn

Nghẹt thở quá! Họng muốn trào máu đỏ.

− “Lũ giặc nước lại ra tay khủng bố

Lại giam cầm các bạn của ta sao?

Không! Không! Không! Không! Chẳng có khi nào!

Hãy trả lại cho ta năm bạn ấy!

Ta có bạn và tim ta máu chảy

Anh em ơi! Làm một cuộc biểu tình!

Máu Việt Nam là giòng máu xuân xanh

Kết hợp lại, hiền hoà, trật tự…”

Nhưng đế quốc là một bầy thú dữ

Bọn bù nhìn là một lũ chó săn

Với chúng ư? Đâu còn có công bằng

Đâu nhân đạo và đâu là luật pháp?

Giương nanh vuốt chúng thản nhiên đàn áp,

Máu học sinh tuôn đổ giữa châu thành

Máu nhuộm tóc xanh

Máu loang áo lụa

Máu nhoè má đỏ

Máu bết môi non

Em mười lăm tuổi mới chớm trăng tròn

Đầu vỡ nát, óc văng đầy trộn cát

Súng sáu, liên thanh, lưỡi lê, mã trắc

Giặc reo cười, đạp, bắn, giết, như mưa

Cánh tay mềm, đôi mắt sáng, ngực non tơ

Bọn Pháp Mỹ xả vào, man rợ!

Em ngã xuống rồi

Chị xông lên đỡ

Tiếng thét tiếng la

Căm hờn giãy giụa.

Rời vú mẹ miệng vẫn thơm mùi sữa

Mới sáng nay còn đầm ấm giữa gia đình

Vì đế quốc các em giờ tắt thở

Đời các em như tia nắng bình minh

Bỗng vụt tắt bởi bàn tay lũ giặc.

Các bạn học sinh

Chịu cơn tàn sát

Máu các bạn đổ nhiều

Chúng hả hê ca hát

Miệng sài lang vẫn khát máu thanh niên.

Các em đôi mắt dịu hiền

Chan hoà lửa hận

Khăng khít kinh hoàng

Tình thương nỗi giận.

Ngực các em đầy đốm máu hồng tươi

Như những tấm huy chương rực rỡ chói ngời

Những huy chương tranh đấu

Lịch sử muôn đời

Những anh hùng đất nước

Chưa tới tuổi hai mươi.

Môi mím chặt mà các em không khóc

Chân không run mà tay chẳng rời tay

Giữa Sài Gòn Chợ Lớn, giữa ban ngày

Đem tuổi thơ sinh các em đi phá ngục…

Giòng máu xuân xanh

Chói màu bất khuất

Đường phố chuyển mình

Thấm sâu lòng đất

Cả non sông rung chuyển khối căm thù.

***

Người ở chiến khu

Lòng đau kính mến

Mắt đăm đắm phía kinh thành tạm chiếm

Lệ muốn trào mà lửa hận bừng sôi

Lửa bốc cao ngang với lửa mặt trời

Lệ không chảy mà lòng dâng biển hận

Bọn đế quốc, lũ bù nhìn, quân khốn nạn

Tới ngày cùng uống cả máu thơ sinh

Một ngày kia ta giải phóng kinh thành

− Tiến lên! Các bạn!

Bọn đế quốc, lũ bù nhìn, quân khốn nạn

Phải tan thành cát bụi dưới chân ta!

Hỡi quân thù, loài lang chó thối tha!

Mi phải chết, phải đền bao tội ác

Bọn quỷ cùng đường

Dã man hèn nhát

Giết học sinh không vũ khí trong tay

Giết học sinh trên đường phố giữa ban ngày

Cả nhân loại sẽ nghìn đời vạn kiếp

Nguyền rủa chúng bay!

Các bạn học sinh ơi!

Những tương lai đất nước

Thù hận dường này

Các bạn làm sao quên được!

Thù hận dường này

Dân tộc làm sao quên được!

Nguồn: Trăm Hoa, Hà Nội, số 7 (thứ bảy 22.10.1955)

Theo Lại Nguyên Ân (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm