Vì sao danh mục ca khúc được phép hát mãi không xong?

Đêm nhạc Nối vòng tay lớn vào tối 21-4 tới đây tại khuôn viên Trường ĐH Y Dược Huế đang có bốn ca khúc nằm chờ chưa biết được hát hay không. Đó là: Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹĐêm thấy ta là thác đổ. Trong đó, riêng ca khúc Nối vòng tay lớn là ca khúc mà chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ôm đàn hát trên sóng phát thanh tại Sài Gòn trưa 30-4-1975 sau khi tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Và bốn ca khúc này cũng đã được biểu diễn lâu nay trong nhiều chương trình tại TP.HCM và các tỉnh, thành.

Vì sao danh mục ca khúc được phép hát mãi không xong? ảnh 1
Biểu diễn Nối vòng tay lớn trong đêm nhạc 15 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại TP.HCM. Ảnh: BTC cung cấp

Việc biểu diễn trong khuôn viên trường ĐH, không bán vé thì không cần thủ tục xin phép biểu diễn đối với sở địa phương, tuy nhiên đơn vị tổ chức phải có thông báo cho sở địa phương về nội dung biểu diễn. Trong hồ sơ thông báo có danh sách 22 ca khúc sẽ biểu diễn trong chương trình. Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên-Huế đối chiếu với Danh mục ca khúc được phép biểu diễn của Cục Nghệ thuật biểu diễn đăng công khai trên trang web của Cục thì chỉ mới có 77 ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có trong danh mục này.

Trao đổi với PLO ngày 11-4, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cho hay đã tiếp nhận thông tin về sự việc trên và bày tỏ: “Hiện các đơn vị liên quan ở Huế đang gửi hồ sơ sang Cục. Họ đang thiếu ý kiến cho phép của chủ sỡ hữu tác phẩm hoặc đại diện chủ sỡ hữu tác phẩm nên chúng tôi đang yêu cầu hoàn thiện hồ sơ”.

Thực tế, đêm nhạc Trịnh trong khuôn viên ĐH Y Dược Huế do chính gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và trường tổ chức. Và hiện theo ủy thác của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đối với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam, có 289 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được kê khai tại thời điểm ủy thác. Mới nhất trong đó là loạt ca khúc da vàng được Công ty Phương Nam Phim xin cấp phép phổ biến. Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều năm qua luôn đứng đầu danh sách nhạc sĩ nhận tiền tác quyền cao nhất tại trung tâm này.

Vì sao danh mục ca khúc được phép hát mãi không xong? ảnh 2
Nối vòng tay lớn từng diễn ở Huế năm 2015 trong chương trình tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: TL

Trong số danh mục ca khúc VCPMC nắm để thu tác quyền có thể có một số ca khúc từng được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép nhưng rồi lại lẳng lặng thu hồi vì lý do nào đó. Đơn cử như ca khúc Ở trọ từng được phép hát rất nhiều trong các chương trình về Trịnh Công Sơn nhưng trong danh mục của cục ca khúc này chỉ vừa được cấp phép vào ngày 4-4-2016 (?!).

Việc cập nhật danh mục bài hát được phép phổ biến chúng tôi từng có nhiều bài viết từ hơn 10 năm trước nói về vấn đề này. Từ đầu năm 2008, cục hứa sẽ có một trang mạng phổ biến danh mục này vào giữa quý II-2008 nhưng mãi đến đầu năm 2011 trang mạng này mới ra đời. Và cho đến nay, lượng ca khúc được cấp phép đã rất nhiều nhưng trên trang mạng hiện chỉ 2.538 bài hát. Ngay tên gọi của danh mục từng gây rất nhiều tranh cãi; khi là danh mục các bài hát trước năm 1975 và trong thời kỳ chung tay xây dựng đất nước được phép phổ biến, khi là danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến, khi là danh sách các bài hát của tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các bài hát sáng tác trước năm 1975”…

Tuy nhiên, sau bao năm, vấn đề vẫn không thay đổi, có trang mạng nhưng Cục vẫn không cập nhật đầy đủ. Cho đến giờ, bao nhiêu ca khúc hải ngoại, trước 1975 được cấp phép chỉ có… Cục mới biết số thực.

Và sự không rõ ràng luôn làm rối loạn mọi sự kiện của các đơn vị tổ chức lẫn các cơ quan quản lý địa phương, như trường hợp với Nối vòng tay lớn và với Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm