"Vị đắng tình yêu" và ký ức thời kỳ phim mỳ ăn liền

Xuất hiện vào khoảng những năm 1980 - 1990, Vị đắng tình yêu từng lập kỷ lục với doanh thu hơn 500 triệu đồng tại các rạp chiếu bóng thời bấy giờ. Điều gì ở bộ phim đã làm nên sức hút và lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả Việt Nam đến vậy?

Đó trước hết là một kịch bản không thể bi đát hơn. Quang (Lê Công Tuấn Anh) - một sinh viên Y khoa nghèo phải lòng Phương (Thuỷ Tiên) - một tiểu thư đài các không may bị chấn thương não do một mảnh bom thời chiến găm trong đầu. Khi Phương nhận ra tình cảm của mình dành cho Quang cũng là lúc cô phải đối diện với căn bệnh quái ác vô phương cứu chữa. Bi kịch tình yêu xảy ra khi những người yêu nhau không thể đến với nhau. Quang rất yêu Phương nhưng sau cùng lại để tuột mất cô vào tay người đàn ông khác.

Vẻ đẹp ngọt ngào của diễn viên Thủy Tiên.

Vẻ đẹp ngọt ngào của diễn viên Thủy Tiên.

Tuy nhiên, những tình yêu bi kịch này sẽ có thể gặp ở bất cứ đâu. Điều giữ chân khán giả ở lại có lẽ chính là diễn xuất hết sức tự nhiên, chân thật của dàn diễn viên trẻ góp mặt trong bộ phim kinh điển về đề tài sinh viên này.

Thủy Tiên cho biết khi tham gia bộ phim này và rất nhiều bộ phim về sau như Chân dung màu đỏ, Cô gái điên, Tôi và em… cô chưa từng qua một khóa đào tạo nào về diễn xuất. Cô bước lên màn ảnh chỉ với một khuôn mặt nhân hậu, nét đẹp mong manh, dịu dàng và tình yêu bản năng đối với điện ảnh. Thế nhưng cô đã chạm được vào trái tim khán giả bởi những ngón tay run run lướt trên phím đàn, hay ánh mắt rưng rưng, bất động bên những nấm mồ xanh cỏ. Cùng Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà, Mộng Vân… Thủy Tiên nằm trong số những minh tinh vang bóng một thời mà nhiều năm sau khán giả yêu điện ảnh Việt Nam vẫn còn nhắc đến.

Nếu như Thủy Tiên đã trở thành hình mẫu cho một tiểu thư “lá ngọc cành vàng” ủy mị và sướt mướt thì Lê Công Tuấn Anh trong vai Quang “Đông-ki-sốt” lại là hình ảnh đáng mến của một chàng sinh viên nghèo hiền lành, tốt bụng. Cử chỉ chậm rãi, giọng nói nhỏ nhẹ và đôi mắt đầy bao dung, nhân từ nằm sau cặp kính cận đã “đốn ngã” trái tim của không biết bao nhiêu thiếu nữ mới lớn lúc bấy giờ.

Lê Công Tuấn Anh là thần tượng một thời của biết bao cô gái.

Lê Công Tuấn Anh là thần tượng một thời của biết bao cô gái.

Sự thể hiện trọn vẹn từ thần thái đến tính cách của Lê Công Tuấn Anh góp phần khắc họa thêm bi kịch của một tình yêu tuyệt vọng, đồng thời mang về cho anh một giải “Nam diễn viên chính xuất sắc” của Hội điện ảnh Việt Nam. Tiếc rằng, Lê Công Tuấn Anh không chỉ bi kịch trong phim mà còn bi kịch cả ngoài đời. Nhiều lời đồn đại cho rằng anh vì phải nếm trải “vị đắng tình yêu” nên đã tự tử khi tuổi đời còn rất trẻ.

Ra đời trong giai đoạn những năm 1990, Vị đắng tình yêu từng bị xếp chung vào nhóm những phim giải trí “mỳ ăn liền” với doanh thu kỷ lục (khoảng 500 triệu đồng) lúc bấy giờ. Tuy nhiên, không chỉ có sức hút với khán giả, bộ phim còn nhận được những đánh giá rất tích cực từ giới chuyên môn với nhiều giải thưởng nghệ thuật như Bông Sen Vàng cho "Đạo diễn xuất sắc" (Lê Xuân Hoàng), "Nam diễn viên xuất sắc" (Lê Công Tuấn Anh), "Phim hay nhất" (Liên hoan phim Việt Nam 1993), Giải B Hội Điện ảnh Việt Nam (1993).

Có lẽ đó là lý do khiến Vị đắng tình yêu đứng riêng trong dòng phim thị trường chạy theo doanh thu giai đoạn này. Trong rất nhiều lối làm phim dễ dãi, lối kể chuyện đơn điệu với những kết thúc có hậu, Vị đắng tình yêukhiến người xem phải thực sự suy nghĩ về những lựa chọn giữa tình yêu và sự hy sinh, giữa niềm tin và tuyệt vọng của tuổi trẻ. Người ta ùn ùn xếp hàng ra rạp không chỉ để mua vui mà còn để được khóc, được cười thật sự với những kỷ niệm về một quãng đời đáng nhớ.

Thủy Tiên thưở còn đóng 'Vị đắng tình yêu' (trái) và nay khi đã là một doanh nhân. Bà cũng chính là mẹ chồng Hà Tăng.

Thủy Tiên thuở còn đóng "Vị đắng tình yêu" (trái) và nay khi đã là một doanh nhân.

Có thể trong thời đại “bội thực” những phim bom tấn, phim 3D, phim truyền hình như hiện nay, khán giả sẽ khó có thể thấy hấp dẫn đối với một phim tình cảm lâm li, bi đát như Vị đắng tình yêu của hơn hai thập kỷ trước. Nhưng trong buổi đầu với phương tiện kỹ thuật thô sơ và kinh phí thấp, những phim “mỳ ăn liền” kiểu đó đã thoả mãn “cơn đói” văn hoá - giải trí của người Việt Nam. Phải chăng vì thế mà Vị đắng tình yêu vẫn còn được khán giả ngày hôm nay nhắc đến như hình ảnh đẹp của một thời quá vãng, bất kể người ta có còn muốn xem lại nó hay không.

Theo Anh Mai (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm