Vị cà phê và những vở ballet Indo

Nhưng hương thơm nồng từ những quán cà phê san sát nhau ở trung tâm níu đôi chân và cả tâm trí của tôi dừng lại.

Thế kỷ 17, người Hà Lan xâm chiếm Indonesia mang cà phê trồng trên đất Java. Đến nay, Indonesia thành cường quốc thứ tư thế giới về xuất khẩu cà phê. Tại Hà Lan, Mỹ hay một số nước châu Âu, từ Java còn có nghĩa là cà phê.

Xứ sở cà phê

Cà phê (kopi) là thức uống không thể thiếu của người dân Indonesia. Mọi người có thể uống thứ nước này từ sáng đến tối nhưng thích thú nhất có lẽ vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối. Gặp gỡ bạn bè, những câu chuyện phiếm, tâm sự những gút mắc trong đời sống,… sẽ càng thêm ý nghĩa bên ly cà phê thơm nồng nàn. Trong một cuộc chuyện trò, người Indonesia có thể uống từ hai đến năm cốc cà phê. Khác với người Việt, người Indonesia không dùng phin lược mà pha trực tiếp cà phê bột vào cốc nước sôi, uống nóng và dùng khá nhiều đường.

Thấy tôi là khách lạ, anh Aditya - chủ quán, giải thích: “Hương vị cà phê tùy thuộc rất nhiều vào vùng đất trồng. Cà phê tại Indonesia có ba hương vị khác nhau. Người sành điệu nhấm nháp qua có thể phân biệt được cà phê trồng ở đâu. Ít chua và thơm là cà phê vùng Sumatra. Một chút vị ngọt ngọt, chua vừa phải là hương vị của Bali. Thơm lừng mùi hoa cà phê, có vị của mật ong và nước màu nâu nhạt là của Java”. Tôi nhấm nháp từ từ và cảm nhận đúng là hương vị cà phê Java có mùi khác lạ.

Anh ta tiếp tục câu chuyện “Đặc biệt, Java có cà phê cứt chồn (Kopi Luwak). Loại chồn nhỏ sống ở Java ăn cỏ, hạt cà phê từ phân chồn thanh khiết hơn loại chồn châu Phi ăn thịt. Quả cà phê vào bao tử chồn được tiêu hóa phần thịt trái, hạt bị bào mòn nhưng phần thịt hạt mất đi không đáng kể. Men tiêu hóa của chồn ngấm vào hạt cà phê tạo nên hương vị rất đặc biệt: Mùi hăng hắc của đất, ngai ngái mùi mốc khó chịu, một chút dìu dịu mùi si rô và một chút hương chocolate. Người Java hiếm có cơ hội thưởng thức vị cà phê này bởi giá rất cao, lên đến 700 USD/kg. Nó dành cho tầng lớp giàu có…”.

Vị cà phê và những vở ballet Indo ảnh 1

Vị cà phê và những vở ballet Indo ảnh 2

Tác giả trước ngôi đền Prambanan.

Những vở ballet kinh điển

Đến Yogyakarta vào đêm rằm, tôi được thưởng thức vở múa kinh điển của người Java Đường đến ánh trăng tại cụm đền Prambanan (ngôi đền Hindu giáo lớn nhất của vùng Đông Nam Á xây từ thế kỷ 9 được UNESCO phong tặng - di sản văn hóa thế giới). Yogyakarta từng là kinh đô của các vương triều hùng mạnh, những điệu múa, dàn nhạc cung đình vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Điệu múa Ramayana (điệu múa hoàng gia) mà người dân địa phương thường gọi là ballet Indo. Ngôn ngữ nghệ thuật điệu múa thể hiện qua hình thể, từ ánh mắt, sắc mặt, sự uyển chuyển của tay và chân diễn viên… thay cho lời thoại. Dàn nhạc cổ truyền (thường gọi là Gamela) bao gồm chiếc trống kendang, những bộ gõ boning, gender, gambang,… sẽ hỗ trợ cho diễn viên khi thể hiện những đoạn cao trào, độc thoại. Đêm diễn huy động đến 500 vũ công trên sân khấu huyền bí, chỉ sử dụng những bó đuốc lập lòe. Hai thứ ánh sáng màu vàng và trắng chỉ được sử dụng khi hạ màn, chuyển cảnh hoặc khi nhân vật độc thoại. Người địa phương vẫn gọi nó là vở ballet. Hầu hết những cảnh diễn được trích trong truyền thuyết Hindu giáo như chú khỉ Hanuman và nàng Sita xinh đẹp, cuộc chiến của các vị thần...

Hôm sau, tôi xuất phát khá sớm đi đến ngôi đền Borobudur. Ngôi đền Phật giáo bằng đá lớn nhất thế giới xây từ thế kỷ 8 cũng được UNESCO công nhận di sản thế giới. Trong ánh bình minh, Borobudur huyền bí và sống động qua từng nét điêu khắc trên đá. Tôi bần thần trước những kiệt tác kiến trúc của người Java cổ. Hằng năm, vào mùa Phật Đản (Waisak hay Vesak, thường rơi vào ngày 20-5 dương lịch), để phục vụ cho khoảng 500.000 Phật tử từ khắp nơi trên thế giới về đây hành hương, một vở Ballet khác được dàn dựng công phu, hoành tráng huy động đến 2.000 vũ công, chỉ biểu diễn ba đêm tại cụm đền Borobudur. Vở diễn có tên là Mahakarya - có nghĩa là Bản trường ca Phật giáo, nói về ba giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Đức Phật: sinh ra, đi tu thành chánh quả và lên cõi Niết Bàn. Tôi đã ở đây từ sáng đến đêm. Khi ánh trăng tròn lên cao, ánh lửa lại bập bùng, những vũ điệu mê hoặc của các vũ công khiến tôi mộng mị trôi dạt vào thế giới huyền bí.

Nụ cười thân thiện

Nằm giữa sự giao thoa văn hóa Hindu và Phật giáo, người dân bản địa dường như thấm nhuần tư tưởng “hành thiện” trong đời sống. Họ giúp đỡ mỗi khi tôi gặp khó khăn, đưa ra giá rất hợp lý khi mua đồ lưu niệm. Chị bán hàng lưu niệm trước cụm đền Prabamnan giữ giùm tôi hành lý cả buổi mà vẫn cười thật tươi dù tôi chỉ mua một chiếc vòng lưu niệm rẻ tiền. Ông chủ khách sạn khuyến mãi cho tôi những bữa ăn sáng thịnh soạn và những ly trà đường vào buổi chiều đặt trước cửa phòng khi lầm tưởng tôi là sinh viên. Tôi đặt phòng đôi nhưng ở có một mình, các bữa ăn sáng hay trà đường đều được dọn hai phần. Khi tôi mua cơm từ quán ăn đường phố hay những gói cơm gói trong lá chuối ăn cùng với cá muối chiên, những người khách cùng mua giúp tôi lựa chọn món ngon và hợp vị… Sự thân thiện của con người Java là ký ức khó quên.

Indonesia miễn visa cho công dân Việt Nam trong thời gian lưu trú là 30 ngày. Khai thác đường bay từ Sài Gòn đến Yogyakarta gồm có: Air Asia, Malaysia Airlines (quá cảnh tại Kuala Lumpur), Singapore Airlines (quá cảnh Singapore và Silk Air - hàng không con của SQ sẽ vận chuyển tiếp). Từ ngày 2-12-2012, Vietnam Airlines đã liên doanh với Garuda khai thác lại đường bay Sài Gòn - Jakarta. Từ Jakatar, Garuda sẽ vận chuyển tiếp đến Yogyakarta. Giá khách sạn tại Yogyakarta từ 10 đến 15 USD/đêm. Giá vé vào tham quan các ngôi đền là 10 USD/đền. Giá xem một show diễn ban đêm là 20 USD. Đồng tiền của Indonesia là Rupiah (1 USD = 9,621 IDR).

Java là đảo lớn thứ 13 trên thế giới và lớn thứ năm trong số 17.508 đảo ở Indonesia. Thủ đô Jakarta của Indonesia cũng nằm trên hòn đảo này. 90% dân số đảo theo Hồi giáo. Java là hòn đảo của sự hỗn hợp văn hóa bởi có ít nhất 11 dân tộc với 11 ngôn ngữ. Ngôn ngữ được nói nhiều nhất là Java, Sundan và Madure. Chính phủ yêu cầu công dân đảo ngoài ngôn ngữ dân tộc phải học tiếng quốc ngữ là Indonesia làm ngôn ngữ giao tiếp và hành chính.

NGUYỄN CHÍ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm