THƯƠNG TÍN:

Vẫn đau đáu cái nghiệp làm phim

Nhưng điều mà tôi chú ý nhất ở anh đó là "ánh mắt rực lửa" ngày xưa đã từng "cháy" trong nhiều bộ phim vào những năm 80, 90 giờ đây đã dịu và trầm lắng hẳn.

Chưa bắt đầu câu hỏi nào cho hợp lý, khi anh vẫn ngồi yên như để "thăm dò" đối phương, chấn tâm rất nhanh tôi buộc vội câu cửa miệng: "Ôi bác vẫn thế, đẹp giai ngời ngời". Song dường như vẫn chưa rà được "sóng âm" của anh, rồi dè dặt nhỏ nhẹ, anh buông lời: "Có lẽ hôm nay anh em mình chỉ ngồi uống cà phê và nghe nhạc thôi nhé".

Vẫn đau đáu cái nghiệp làm phim ảnh 1 
Diễn viên Thương Tín 

Tôi nhìn anh cố lấy lợi thế từ cái nhìn dịu mà thuyết phục rồi từ từ trải lòng: "Dẫu vẫn biết anh chưa có thông tin mới của nghề, nhưng hôm nay em mong sẽ nhận được từ anh về những dấu son, điểm lặng chưa từng chia sẻ trong suốt gần 30 năm nặng trĩu niềm đam mê với nghề.

Anh nhìn tôi cười rất nhẹ, đến nỗi chỉ để lệch chút xíu cái nốt ruồi dưới cằm vốn đặc trưng của anh... hình như đã đồng tình và anh lại là người vào cuộc chia sẻ trước: "Hơn 20 năm trước, khán giả cả nước cùng thông tin báo chí thường nhắc đến các vai diễn tiêu biểu như: Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn; Tướng cướp Bạch Hải Đường trong Săn bắt cướp và đỉnh cao là Tám Thương trong Bài ca không quên (đoạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHPVN lần thứ VI), nhưng thực sự với tôi, vai diễn Quang trong Ám ảnh của nữ đạo diễn Đức Hoàn lại là dấu ấn đậm nhất trong cuộc đời diễn viên của mình".

- Vậy anh có thể chia sẻ rõ hơn được không?

- Ám ảnh là một bộ phim đầy kịch tính. Suốt 4 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Thăng không hề có thông tin về nhà. Ở quê, Hân là người yêu của anh đã cưới Quang (Thương Tín) và họ có một đứa con. Sau đó, Quang nhập ngũ và tình cờ ở cùng đơn vị với Thăng. Trong một trận đánh ác liệt Quang bỏ chạy sang phía địch, nhưng Thăng không bắn.

Thời gian sau, Thăng bị địch bắt và gặp lại Quang (khi ấy đã là một đại tá ngụy). Quang quyết định thả Thăng vì nghĩ anh sẽ chết do bị thương quá nặng. Khi đất nước hòa bình, Thăng trở thành cán bộ quản giáo gặp lại Quang tại trại cải tạo. Thực sự ăn năn, hối lỗi vì đã phản bội Tổ quốc và gia đình, Quang có ý định tự sát, nhưng vì lòng nhân đạo, Thăng đã giúp y trở lại đời thường và đưa hai mẹ con vào sum họp.

Quan điểm của tôi khi nhận vai phản diện (nhất là sĩ quan ngụy), thì bao giờ chân dung của họ đều ít nhiều có tố chất của mỗi con người Việt Nam, song do bị tác động hay vì một lí do nào đó mà trở thành người lính của bên kia giới tuyến. Tôi không thích xây dựng họ luôn trở thành những con quái thú khát máu, ngông cuồng... Chính vì vậy mà tôi thường xin phép đạo diễn được "lách" hình ảnh về họ cho đời và hướng thiện hơn.

Nhân vật Quang là một trong những trường hợp như vậy. Hai phân đoạn diễn xuất khó nhất của phim là trong khoảng khắc ác liệt nhất của cuộc chiến, ngay dưới chân mình, đồng đội hy sinh nằm la liệt, thì giữa sự sống và cái chết trong tiếng loa kêu gọi đầu hàng của địch, Quang phải hoang mang, khủng hoảng đến dao động mà tức thì quyết định cột miếng vải trắng lên đầu súng và cắm đầu chạy về phía địch cho đến khi xuất hiện nòng súng trước mắt của Thăng đang chĩa thẳng về phía mình chỉ chờ bóp cò.

Và chính đôi mắt sợ sệt vừa van lơn của Quang đã khiến Thăng phải hạ súng để cuộc chạy thoát của Quang tiếp diễn. Ở phân đoạn tại trại cải tạo khi Quang bị thương, anh luôn bị ám ảnh bởi những âm thanh theo vòng xoay của máy nghiền đá cùng những tiếng nổ phá đá luôn vọng dội vào đầu, Quang đau đớn, cô đơn, về con đường đi của mình và nảy sinh ý định muốn tự sát...

Đúng là hai tâm trạng của con người rất thực, sự sống-chết trước hoàn cảnh khắc nghiệt nếu như lý trí của họ không thể phân định rõ ràng. Phải có tâm trạng, phải có day dứt, có khi xung đột cá tính thật mạnh mẽ, thì người diễn viên cứ trơn tru, phẳng lì, thoang thoảng thì diễn chả khoái chút nào.

- Có lẽ vì vậy mà anh thể hiện khá trọn vẹn những tính cách số phận, chân dung trái ngược của hàng trăm nhân vật trên màn ảnh. Vậy nhân vật giám đốc Vinh trong phim "Nắng đỏ" - vai diễn đầu tiên ở lĩnh vực điện ảnh đã không để lại ấn tượng cho anh sao?

- Khi đọc kịch bản anh Lâm Tới giao, tôi còn quá ngạc nhiên hỏi ngược lại đạo diễn: "Trời, cái mặt vô hồn, ba gai của em thế này sao anh liều chọn vào một ông giám đốc hiền lành, lại quá đẹp, hoàn hảo về đạo đức", khi đó anh Tới thản nhiên trả lời: "Khi xem mày diễn kịch, qua ánh mắt long sọc dữ dội lóe lên sự thân thiện cũng từ đôi mắt ấy..." Song thật tiếc bộ phim đã không thành công trong khi phát hành, nhưng đó là kỉ niệm - dấu ấn sâu sắc của tôi với người NSND tài ba đậm đà chân chất ấy.

Vẫn đau đáu cái nghiệp làm phim ảnh 2

Trong phim "Ván bàn lật ngửa" (Ảnh: TGĐA) 

- Anh từng tâm sự, Điện ảnh với anh như một thứ ma lực ghê gớm. Thời đó người diễn viên đến với vai diễn là toàn tâm, toàn ý, không chút vướng bận, chi phối, thậm chí không đòi hỏi tiền bạc (có quy định của Nhà nước), có khi cả ngày đêm quần quật với mấy pha đèn chỉ để thực hiện hai, ba cận cảnh ở những góc máy khác nhau...?

- Và có khi còn đòi hỏi cả sự hy sinh nữa đấy... Nếu nghĩ cho thật thấu đáo thì cuộc đời người nghệ sĩ, theo tôi quả đáng thương vô cùng. Trong phim Chiến trường chia nửa vầng trăng (đạo diễn Hồng Sến), chúng tôi đã phải vất vả, bầm dập từ những chuyến đi từ Nam ra Bắc, rồi lại từ Bắc vào Nam và ra ngược miền Trung...

Khi quay cảnh mìn nổ, được quy định cách 3 mét với vị trí diễn xuất của người diễn viên. Vậy mà khi diễn vai tiểu đoàn trưởng Quang xông trận, do máu quá quên cả ranh giới quy định... Thế là mìn nổ, báo hại bao thuốc súng, sỏi đá găm vào chân làm bị thương nặng. Hoặc có khi do sự cố kíp nổ ở ngực (trong phim Ván bài lật ngửa) đã làm phỏng cháy nguyên cánh tay phải...

Ngoài ra cũng còn một kiểu hy sinh thầm lặng khác của người nghệ sĩ mà nếu nói ra khó có ai tin - đó là những cảnh quay thể hiện tình cảm yêu đương. Cũng trong cảnh âu yếm với diễn viên Thúy An - phim Chiến trường chia nửa vầng trăng, tôi hơi ái ngại với anh Sến, không ngờ bị anh la như tát nước vào mặt: "Diễn vậy mà coi được à, máu nghề đâu?".

Vậy là cả ba đều phải hy sinh cái riêng để toàn tâm cho cảnh quay thực và cố gắng đạt tới cái đẹp của góc nhìn nghệ thuật. Chính những sự hy sinh đáng thương ấy của người nghệ sĩ, mà đôi khi trong cuộc sống nảy sinh một số cám dỗ tầm thường khiến họ không thể làm chủ được mình rồi sa ngã là chuyện thường tình. Có điều sau cú ngã ấy họ sẽ gượng dậy như thế nào cùng những hy vọng được sẻ chia, cảm thông của đồng nghiệp cũng như của khán giả.

- Anh luôn sống thật với những cuộc đời trên màn ảnh qua từng nhân vật, đặc biệt là những số phận đầy bi kịch. Thế cái "Vinh" và cái "Nhục" trong khoảnh khắc của đời người diễn viên là gì?

- Đó là những cú điện thoại bất ngờ của một số trinh sát, công an chuyên ngành gọi để chia sẻ cùng tôi: "Cảm ơn anh thật nhiều vì chính nhờ xem phim có các nhân vật biệt động, công an, trinh sát do anh đảm nhận đã khơi gợi lòng dũng cảm, say mê cùng chí hướng giúp vào nghề. Em đã từng là một trong những trinh sát săn bắt cướp có nhiều thành tích ở thành phố Khánh Hòa...

Năm 1990, khi thực hiện Phi vụ 709 (công an Đà Nẵng), trong một cảnh quay giữa cầu sông Hàn, dân chúng kéo đến xem rất đông, đến nỗi kẹt xe hơn 10 tiếng đồng hồ, Đúng lúc đó lại có một xe cấp cứu đưa bệnh nhân qua sông mà không tài nào nhích bánh được. Bất ngờ người nhà bệnh nhân nhào xuống xe cố lách dòng người vừa tìm diễn viên, vừa chửi thề những kẻ gây ra tắc cầu để đánh. Thế là một số diễn viên chính, trong đoàn trong đó có Tín phải trốn nằm im re rất lâu vào xe của đoàn phim...

Với tôi cái Vinh được đong đầy bởi lòng say nghề qua 200 bộ phim, được đưa vào Guinness Việt Nam về diễn viên đóng phim điện ảnh nhiều nhất trong năm (12 phim). Song ngoài đời là người anh cả của 8 người em, 19 tuổi đã lập gia đình, 21 tuổi đã có con, là con người rất nhạy cảm, luôn sống hết mình, nhưng đôi khi lại không giữ được mình... thật đáng tiếc.

- Anh từng đóng chung rất nhiều với các sao nữ qua ba thập niên 80, 90, và 2000. Vậy kinh nghiệm của anh thế nào khi diễn những cảnh yêu đương để đủ tính thực mà không dư tính tục?

Vẫn đau đáu cái nghiệp làm phim ảnh 3

 
Trong phim "Ám ảnh" (Ảnh: TGĐA) 

- Cho phép tôi được nói thật, khi đóng phim có nghĩa là làm nghề, mà làm nghề trong cảnh yêu đương trước bao con mắt của người xung quanh, thì làm sao tạo ngay được cảm xúc thật (đừng nói đến sự lợi dụng), có khi bị quê dữ dội, phải đứng đực ra đấy... để mất công phải quay đi quay lại nhiều lần.

Song cũng xin thú thực, đã có một lần tôi bị cảm xúc thật đánh gục. Đó là lần quay cảnh hôn nhau giữa tôi và diễn viên Quỳnh Anh (phim Đằng sau số phận của đạo diễn Lê Hoàng Hoa). Không hiểu sao khi môi chúng tôi chạm nhau, tôi liền bị cô ấy chinh phục hoàn toàn, thế là hai vành môi của tôi tự nhiên tê dại, mặt cứ đần ra như bị tẩu trác... Sau này, trong lần liên hoan chia tay bạn bè tại nhà Quỳnh Anh trước khi cô ấy qua Mỹ, tôi phát hiện trong phòng ngủ của nàng có khung hình phóng to rất đẹp hình ảnh chúng tôi hôn nhau trong phim.

Nhưng tôi lại khóc một lần cho một nỗi đau thương xót và cảm phục về một người phụ nữ mà tôi không thể quên. Cô là người con gái Huế có gương mặt rất đẹp - là hướng dẫn viên của khu Thành nội. Trong lần đề nghị được tham quan toàn bộ Thành nội để sau này có dịp làm phim và cô đã hứa hướng dẫn tôi vào ngày chủ nhật (ngày quy định được nghỉ không có khách).

Thế là qua bao nhiêu cảnh, nơi rất cụ thể, cho đến một căn gác nhỏ để các cung phi ngồi trang điểm trước khi được vào "phục vụ" vua, thấy bối cảnh lãng mạn quá, tôi liền đùa: "Em có thể cho anh được làm vua một đêm không?". Bất ngờ mắt cô gái sáng lên rồi đượm buồn thật nhanh sau vài giây lặng im, cô nhỏ nhẹ rất thật: "Anh là người nổi tiếng, với em chẳng tiếc chi hết... nhưng chúng ta đành dừng lại căn gác này bởi nếu tiến xa hơn, anh sẽ phải kinh hoàng lắm đấy..."

Sau đó, năn nỉ mãi tôi mới rõ sự thật, trước ngày giải phóng cô là bộ đội đóng quân ở Quảng Bình. Trong một trận đánh ác liệt cô bị thương nặng... Sự xúc động trào dâng bất ngờ, khiến tôi chỉ còn biết khóc rồi nhẹ nhàng ôm chặt cô vào lòng...


- Anh kể như thế có ngại bạn gái bây giờ đang cùng ngồi uống nước chung không?

- Ôi với Yến (tên bạn gái của anh cũng là người gốc Huế rất dễ thương - PV) thì ngược lại. Tôi từng nhiều lần "dắt Yến vào đời" để tiếp xúc với vi trùng (cô ấy làm ngành dược nên nhìn đâu cũng thấy vi trùng) để thực sự chia sẻ với cuộc đời người nghệ sĩ.

Vẫn đau đáu cái nghiệp làm phim ảnh 4 
... và trong Bài ca không quên (Ảnh: TGĐA) 

- Cách đây 2 năm trong vai trò đạo diễn, trước kinh nghiệm được đúc kết rất nhiều trong quá trình đóng phim, anh đã thực hiện một số bộ phim như: Người từ nước Mỹ trở về, Lời thề đất Mũi, Yêu theo kiểu người trần, Vết sẹo, Vực thẳm, Nhớ sông đã để lại nhiều ấn tượng về nội dung cũng như nghệ thuật dàn dựng. Hiện anh còn ấp ủ đề tài nào nữa không?

- Không diễn thì phải làm cái gì đó, chứ nếu không nỗi nhớ nghề cứ day dứt trong tôi. Hôm nay ngồi với nhà báo là hên lắm, chứ lịch cả tuần hầu như tôi đi hát (gần hết mấy quán bar ở thành phố). Tôi hát không vì tiền mà để hâm lại máu người nghệ sĩ...

Còn phim truyện ư? Có chứ, làm sao có thể nguôi được. Một dự án đang trong kế hoạch sản xuất, bộ phim điện ảnh về sự tích nàng Ba (chùa Hương). Kịch bản do chính thượng tọa Thích Minh Hiền ở Chùa Hương viết và một dự án với các bạn diễn viên cũ trước đây, hiện đang sống ở nước ngoài. Song cái chính trong tôi vẫn nung nấu một kịch bản do mình viết và thực hiện về số phận một con người và sự nhân bản cũng chính từ con người.

Theo Gia Đình

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm