Ước mơ tượng sáp nghệ sĩ Việt đã nên hình

Sáng 10-3, đông đảo nghệ sĩ gạo cội, nổi tiếng nhiều lĩnh vực đã hào hứng dự buổi ra mắt bức tượng sáp của chính mình. Tại đây nhiều câu chuyện thú vị về tượng sáp nghệ sĩ Việt đã được ba nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Ngọc Diện, Thái Ngọc Bình, cũng là ban giám đốc Công ty Tượng sáp Việt, đơn vị thực hiện chia sẻ.

Từng bị nhiều nghệ sĩ nổi tiếng từ chối thẳng

. Phóng viên: Xin các anh chị chế tác cho biết tiêu chí nào để một nghệ sĩ Việt Nam được chọn làm tượng? Có ý kiến cho rằng ca sĩ Lý Hải được chọn làm tượng là chưa xứng đáng vì cống hiến chưa nổi bật?

+ Công ty Tượng sáp Việt: Chúng tôi chọn những nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà ở nhiều lĩnh vực mà tài năng, tên tuổi được công chúng và giới chuyên môn công nhận. Còn vì sao ca sĩ Lý Hải được chọn vì anh là nghệ sĩ đầu tiên nhận lời mời làm tượng sau khi chúng tôi bị rất nhiều nghệ sĩ lớn từ chối.

. Các nghệ sĩ từ chối có phải họ sợ xấu, không giống?

+ Khi mới bắt đầu thực hiện, chúng tôi bị các nghệ sĩ tên tuổi từ chối vì họ không biết mình làm vì mục đích gì, tượng ra sao. Phải sau khi làm được một số tượng, báo chí đăng lên, nhiều nghệ sĩ mới tin tưởng cho làm. Tuy nhiên, cũng có một số nghệ sĩ phân vân, từ chối vì lý do tâm linh không làm tượng khi còn sống. Chúng tôi làm mỗi tượng đều phải giống tỉ lệ hình thể, chiều cao, các số đo, kể cả các mụn, sẹo trên mặt, chân tay… Rất nhiều người cho chúng tôi quần áo, trang sức, giày nón của chính họ để mặc cho tượng. Có người tượng làm xong rồi thì không vui, nói: “Sao tượng tôi không giống?”. Chúng tôi buồn còn hơn nghệ sĩ nên quyết làm lại, động viên họ đi tới đi lui nhiều lần để chỉnh sửa đến khi họ hài lòng mới thôi.

. Với những nghệ sĩ đã qua đời, quá trình làm tượng ra sao?

+ Chúng tôi cố gắng thực hiện trên tư liệu sưu tầm. Có nhiều trường hợp phải nhờ sự giúp đỡ của người thân để tạo mẫu. Như tượng GS Trần Văn Khê có sự trợ giúp tạo mẫu của con trai ông là GS Trần Quang Hải. Tượng vua vọng cổ Út Trà Ôn có sự giúp tạo hình của người con trai thứ bảy. Tượng của nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh thì chúng tôi nhờ người em trai vì ông đang ở Mỹ…

Đạo diễn Huỳnh Nga (bìa trái) và vợ bên tượng của ông, kế bên là nghệ sĩ Minh Vương (thứ hai từ phải sang) và tượng của tài danh này. Ảnh: HÒA BÌNH

Nghệ sĩ ngỡ ngàng vì quá giống!

Có mặt tại buổi công bố nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt, nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ: “Tôi đã từ chối ngay từ đầu khi nhận được lời mời làm tượng. Tôi nghĩ họ chỉ lợi dụng mình để kinh doanh kiểu gì đó. Đến khi nhà báo Thanh Hiệp gọi điện thoại, tôi đồng ý đến xem vì thấy việc này có một nhà báo biết và theo dõi. Khi đến xưởng làm tượng của họ ở quận 7, tôi thấy các anh chị chế tác đang ngồi với các nghệ sĩ tên tuổi quen thuộc, có nhiều người là bậc tiền bối nên cúi chào. Lát sau ngẩng lên, tôi giật mình thấy đó chỉ là các bức tượng. Tôi hợp tác, đi lại vài lần và tặng cho họ quần áo, vật dụng của mình sử dụng vì muốn tượng giống thật. Tôi rất hài lòng về bức tượng, ngạc nhiên và cảm phục vô cùng vì những gì họ làm được. Họ không những cố công tìm ra bí quyết làm tượng sáp thành công mà còn sáng tạo được kỹ thuật giữ cho tượng bền trong khí hậu ẩm nóng của Việt Nam”.

Ngắm nhìn bức tượng giống như in của chính mình, nghệ sĩ Minh Vương cảm động: “Mới đầu, khi được mời làm tượng, tôi đã từ chối vì không biết họ sẽ làm như thế nào. Sau đó, nhiều anh chị em nghệ sĩ cùng tham gia, tôi thấy tin tưởng nên đồng ý. Tôi thấy tượng rất giống, giống đến 90%. Tôi bày tỏ sự kính trọng tới những người làm tượng đã làm nên những bức tượng để lại cho mai sau”.

Còn ca sĩ-nghệ sĩ Hồng Vân cũng bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi được chọn để làm tượng, nhất là khi tượng thể hiện tôi trong vai bà Từ Cung, phim Ngọn nến hoàng cung. Tượng giống người thật tới 90%, chở được cái hồn và dáng dấp người nghệ sĩ. Tôi mong Nhà nước sẽ quan tâm, phát triển hơn những công trình như thế này”.

12 năm đi tìm công nghệ làm tượng sáp

Từ lúc xuất hiện ở thế kỷ 17-18 đến nay, làm tượng sáp là công nghệ độc quyền của công ty bảo tàng tượng sáp Madam Tussauds (Anh). Các nước khác muốn có tượng sáp phải mua của họ với giá rất đắt, gần cả tỉ đồng một tượng. Ở Việt Nam cũng có Khu du lịch Bà Nà đã mua một số tượng sáp của Madam Tussauds là những nhân vật nổi tiếng thế giới của Madam Tussauds để trưng bày nhưng là tượng của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, không có tượng nghệ sĩ Việt.

Vậy nên suốt 12 năm qua chúng tôi đã bỏ ra tiền tỉ để đi tham quan bảo tàng tượng sáp nhiều nơi trên thế giới, mày mò học hỏi khắp nơi, thử nghiệm không biết bao nhiêu lần để tìm ra công nghệ làm tượng sáp để có những bức tượng sáp của người Việt và làm cho người Việt với giá cả chỉ khoảng 200 triệu đồng một tượng.

Quan tâm đến công nghệ tượng sáp không chỉ là đam mê nghề nghiệp mà còn là khát vọng muốn Việt Nam có được những tượng sáp của những nhân vật nổi tiếng người Việt, có bảo tàng tượng sáp Việt về nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa…

Đại diện Công ty Tượng sáp Việt

_____________________________

100 bức tượng sáp nghệ sĩ sẽ được trưng bày tại tầng 1, tầng 2 Nhà hát Hòa Bình bao gồm tượng của soạn giả Viễn Châu, nghệ sĩ hát bội Đinh Bằng Phi, nhạc sĩ Văn Cao, GS Trần Văn Khê, kỳ nữ Kim Cương, sầu nữ Út Bạch Lan, cải lương chi bảo Bạch Tuyết, nghệ sĩ Minh Vương, nghệ sĩ Thành Lộc, danh hài Hoài Linh… Khung cảnh trưng bày tượng được bố trí đa dạng như cảnh đồng quê, sân khấu... rất sinh động. 

Nhà trưng bày sẽ khánh thành ngày 10-4, mở cửa đón khách tham quan từ ngày 11-4, giá vé 100.000 đồng/người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm