Ứng xử nơi chợ búa và chốn công quyền

Đáp lại cái lắc đầu cám ơn của tôi là những cái nguýt mắt, bĩ̉u môi, kể cả “đốt vía”... Và khi ghé vào ngồi trên chiếc ghế nhỏ thấp tè gần như chồm hổm xơi phở thì bị chặt đẹp năm mươi ngàn một tô trong khi ông khách ngồi bên cạnh chỉ trả bốn chục ngàn. Hỏi: “Sao kỳ dzậy?”. Trả lời: “Tô này khác!”. Khi quay đi kiếm nước uống (vì ở đây chỉ bán ăn không kèm nước uống như ở miền Nam) còn được nghe phán một câu: “Mặt mày sáng sủa mà bần tiện”.

Băng qua bên kia đường, đứng uống một ly sữa đậu nành, phải trả bảy ngàn trong khi trước đó thấy rõ ràng cô gái vừa uống như mình chỉ trả năm ngàn! Hỏi:“Sao kỳ dzậy?”. Trả lời nhát gừng: “Khác”. Chiều thu vàng Hà Nội quá đẹp, lang thang tìm một quán bia hơi vỉa hè, uống ba cốc bia Hà Nội, bốn lăm ngàn, những người chung quanh chỉ trả mười hai ngàn một cốc! Không cần hỏi “Sao dzậy?” nữa vì biết rằng có lẽ những chủ quán nhận ra khách phương xa, đến quán một lần rồi thôi,“một đi không trở lại”, nên họ ung dung chặt chém không thương tiếc!

Nếu ở chốn thương trường có câu cửa miệng mị khách “khách hàng là thượng đế” thì ở nơi công quyền cũng có cụm mỹ từ “nhân dân làm chủ” và những viên chức, cán bộ nhà nước là công bộc, tức “đầy tớ”chung của dân. Nhưng khi có việc cần, “chủ nhân” muốn đến chốn công quyền gặp “đầy tớ” cũng không đơn giản, bị hành đi tới đi lui năm bảy bận, có khi phải thủ sẵn phong bao. Mặc dù đã có biết bao đợt cải cách hành chánh, một dấu một cửa, công khai thủ tục… nhưng căn bệnh trầm kha quan liêu lại liên tục biến tướng, kiểu “một cửa nhưng nhiều khóa”, mỗi bộ phận giữ một chìa để hành dân với mục đích vòi vĩnh phong bao”.

Tuy vậy, không nên vơ đũa cả nắm, vẫn có nhiều cán bộ tận tâm vì công việc. Người viết cũng đã có dịp tiếp cận nhiều trường hợp đáng biểu dương. Có thể kể đến một số phường thuộc quận 1, TP.HCM, qua những đợt chỉnh đốn đã thay đổi hẳn cách xử lý công việc, trong đó có việc tiếp công dân. Hoặc tại UBND quận 2, tuy vừa chuyển về trụ sở mới rất bề bộn nhưng khi người nhà tôi đến liên hệ làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại phòng tiếp nhận hồ sơ, đã được hướng dẫn chu đáo tận tình. Không những ở thành phố, tại nhiều vùng quê cũng dễ gặp nhiều cán bộ nhiệt tình, tận tâm với dân. Tôi có thể kể một trường hợp mà tôi vừa chứng kiến cách nay vài tuần ở một xã vùng xa ở tỉnh Lâm Đồng. Buổi sáng tại UBND xã Đại Lào, Bảo Lộc, một người dân mang đơn khiếu nại về một vụ tranh chấp lấn chiếm lối đi vào vườn rẫy, bít lối thông hành địa dịch, ông phó chủ tịch phụ trách đã trực tiếp tiếp dân và mời trưởng ban tư pháp sang cùng làm việc với người khiếu nại. Sau khi nghe người khiếu nại trình bày và đọc kỹ đơn, ông phó chủ tịch hứa sẽ giải quyết rốt ráo, kể cả sẽ cho cán bộ địa chính đóng cọc sơn đỏ phân định lộ giới để tránh tranh chấp về sau. Chưa biết lời hứa đã thực hiện đến đâu nhưng với cách ứng xử với dân của ông cán bộ - công bộc đúng nghĩa - như thế, thiết nghĩ đáng được biểu dương và nhân rộng để người dân có cái nhìn khác về những quan chức từ lâu nay mang tiếng quan liêu hách dịch, vòi vĩnh…

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm