Tục trồng và hạ cây nêu ngày Tết

Tục trồng nêu

Trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức chép rằng: "Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "lên nêu"... có ý nghĩa tảo trừ những xấu xa trong năm cũ".

Theo nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người, viết: "Tục trồng cây nêu trước sân, kết ba cái lại buộc bó vàng, có khi còn thêm cổ mũ nhỏ, vài cái khánh bằng đất nung. 

Dựng nêu ngày Tết (tranh mộc bản in trong sách Kỹ thuật của người An Nam(Technique du peuple Annammite) do Henri Oger chủ trương thực hiện năm 1908 - Ảnh Tư liệu

Cây nêu là báo hiệu cho biết đất có chủ và do đó ma quỷ không được quấy phá. Ở thành phố và nông thôn nơi chật hẹp không tiện trồng cây nêu thì người ta dùng cành đa, lá dứa (cây dứa dại, lá có nhiều gai) cài ở cổng. Vôi thì rắc vôi bột vẽ bàn cờ, cung, nỏ có tên bắn ra đằng trước và hai bên v.v… cũng là nhằm mục đích trấn trừ ma quỷ như vậy".

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Cây nêu là một thân cây được người dân Việt Nam nói chung, bao gồm cả một số dân tộc thiểu số và người Kinh, đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn cây đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc.

Cây nêu được dựng với mục đích ban đầu, theo truyền thuyết, nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Tuy nhiên, theo thời gian, theo địa phương, theo dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn".

Tục trồng và hạ cây nêu ngày Tết ảnh 2

Cây nêu dựng tại chùa Long Sơn, Nha Trang - Ảnh Tư liệu

Lễ Thướng tiêu (dựng nêu) ở điện Long An (Hoàng cung Huế) - Ảnh Tư liệu

Hình ảnh câu nêu đã đi vào văn học:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh 

Hay câu: Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè… 

Cũng có câu ca dao: Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)/ Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà/ Quỷ vào thì Quỷ lại ra/ Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm.

Tục trồng và hạ cây nêu ngày Tết ảnh 4

Một cây nêu ở nông thôn, miền Trung Việt Nam 

- Ảnh Tư liệu

Nhà thơ "Chân quê" Nguyễn Bính cũng đã viết bốn câu gợi lại không khí Tết với tục trồng cây nêu ở miền Bắc bộ:

Chuẩn bị cây nêu (ảnh tư liệu đầu thế kỷ XX) 

"Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều

Sân gạch tường vôi người quét lại

Vẽ cung, trừ quỷ, trồng cây nêu".

Tục trồng và hạ cây nêu ngày Tết ảnh 6
 Lễ Thướng tiêu (dựng nêu) ở điện Long An (Hoàng cung Huế) - Ảnh Tư liệu

Theo tác giả Hải Trung thì: "Miền Bắc nước ta ngày trước dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp, vì sáng 23 có lệ tiễn đưa ông Táo về trời, tức từ ngày này vắng mặt Táo quân trong nhà, nhân đó ma quỷ có cơ hội quấy phá. Dựng nêu để ngăn chặn ma quỷ và cây nêu dựng ngay trước nhà cho đến ngày mồng 7 tháng Giêng".

 Cây nêu - Ảnh Tư liệu

Lễ hạ nêu

Những ngày Tết, khi đã dựng nêu lên là người ta không màng gì đến công việc nữa mà chỉ yên tâm ăn Tết. Đến hết mùng 7 triệt hạ - hạ nêu, con người lại trở về với cuộc sống hàng ngày.

Hạ nêu- Ảnh Tư liệu 

Mùng 7 Tết là ngày mà theo truyền thuyết dân gian, người ta hạ nêu vì đã hoàn thành việc xua đuổi, bày trừ các thế lực xấu ra khỏi lãnh thổ của mình. Sau ngày mùng 7, mọi người phải ra sức, trở lại lao động bình thường, tạm chấm dứt những ngày xuân vui vẻ. Ngày nay, tục dựng nêu không còn, nhưng mâm cơm cúng trong ngày hạ nêu vẫn còn được duy trì ở nhiều gia đình.

Tiến sĩ Trần Văn Nam, Chủ tịch Phân hội Văn nghệ Dân gian TP Cần Thơ cho biết: “Tất cả những phong tục cũng nên được nhắc nhở để các em, các cháu biết. Riêng tục hạ nêu, mặc dù không còn hạ nêu nữa, nhưng mâm cơm tế đất trời còn, chứng minh con người là chúa tể muôn loài. Mấy ngày kia là thần thánh, từ mùng 1 đến mùng 7. Còn ngày mùng 7, ngày thứ 7 là dành cho con người, làm chủ thiên nhiên”.
Theo Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, sự tích cây nêu được tóm tắt như sau: Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước,còn Người chỉ làm thuê, và nộp phần lớn lúa thu hoạch cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay, và cuối cùng Quỷ tự cho mình hưởng quyền "ăn ngọn cho gốc". Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn Quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức 'ăn ngọn cho gốc'.
Sang mùa khác, Quỷ lại chuyển qua phương thức "ăn gốc cho ngọn". Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố "ăn cả gốc lẫn ngọn". Phật trao cho Người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn Người thì thu hoạch cơ man là trái ngô. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa.
Phật bàn với Người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.
Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột... và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.
Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.

N.Tý (Tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm