Tu bổ hay phá nát bờ kè thành hào Huế?

Hộ thành hào được triều đình nhà Nguyễn xây dựng từ năm 1832 nhằm bao bọc quanh kinh thành Huế bằng đá núi, còn gọi là đá gan gà với kỹ thuật xếp đá không sử dụng vữa kết dính. Sau thời gian, công trình bị xuống cấp nên được UBND tỉnh phê duyệt dự án trùng tu và tôn tạo. Theo đó, tổng chiều dài tu bổ bờ kè này kéo dài hơn 10 km. Tuy nhiên, trong thời gian tu bổ chỉ hơn 1 km bờ kè, dư luận bức xúc cho rằng đơn vị thi công đã cày nát hệ thống bờ kè cũ.

Tu bổ y hệt xây mới

Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch gửi công văn đồng ý tu bổ bờ kè hộ thành hào cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Công văn yêu cầu trung tâm này phải lựa chọn một số đoạn kè còn tốt, được xây dựng bằng kỹ thuật truyền thống, đảm bảo về kích thước và đủ khả năng chịu lực để gia cố chân móng tu bổ theo hiện trạng.

Hồ sơ dự án nêu rõ yêu cầu: Gia cường hợp lý để phù hợp với điều kiện hiện tại, đặc điểm văn hóa, giữ gìn tái hiện không gian văn hóa lịch sử. Về phương án bảo tồn, ưu tiên giá trị nổi bật, bảo tồn được yếu tố gốc tối đa.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu và dư luận bức xúc cho rằng tại khu vực hộ thành hào vừa được tu bổ và tôn tạo này gần như đã được xây mới hoàn toàn, những nền móng cũ của di sản văn hóa thế giới đã bị xe múc đào bới, tháo dỡ trong nhiều tháng qua. Đơn vị thi công cũng đã sử dụng loại đá mới để xây dựng thay vì đá cũ.

PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế, nói lẽ ra khi tháo dỡ bờ kè cần phải có nhân viên chuyên môn khảo cổ học của phòng nghiên cứu như quy định của Luật Di sản văn hóa.

Ảnh chụp ngày 12-4 lúc bờ kè hộ thành hào được tu bổ bằng cách… xây mới. Ảnh: NGUYỄN DO

Tự ý “qua mặt” hội đồng khoa học

Họa sĩ Trần Thanh Bình nói: “Tôi nhớ tại cuộc họp lấy ý kiến, bên tư vấn thiết kế nói chỉ hạ giải những đoạn kè sụt lún nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tính bền vững của tường thành. Hội đồng khoa học luôn giữ quan điểm phải bảo tồn tính nguyên vẹn cả về kiến trúc, kết cấu kỹ thuật và màu thời gian của di tích, chỉ phục hồi đối với những chỗ bị sụp đổ nhưng phải hạn chế tối đa làm mới”.

“Trong phần thuyết minh tại hội đồng tham vấn thì họ nói có nhiều phần bị mất hết dấu vết của tường thành, bờ kè buộc phải làm lại. Nhưng quan điểm của các thành viên hội đồng thì làm lại cũng phải hạn chế tối đa sự làm mới bằng cách tìm lại những loại gạch cũ và cố gắng áp dụng phương pháp xếp khan để đảm bảo quy trình, kỹ thuật của di tích” - ông Bình nói.

“Việc áp dụng những công nghệ hoặc cơ giới ở một số công trình di tích là phải hạn chế tối đa, dù biết một số việc phải cần đến những phương tiện này. Tuy nhiên, trong khi bờ kè còn nguyên thì không nên dùng cơ giới mà phá, không được làm như thế với di tích. Việc tác động trực tiếp vào bờ kè đang có để phá ra và xây lại là điều không ai chấp nhận được” - ông Bình nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cũng thừa nhận còn một số thiếu sót trong việc thi công công trình này. Cụ thể trung tâm sẽ tăng cường nhân lực cho việc giám sát; chọn triệt để các tảng đá cũ để sử dụng lại, những địa điểm nào còn có thể bảo tồn được sẽ có những đánh giá, đánh dấu cụ thể; yêu cầu đơn vị thi công sử dụng đúng công cụ khi thi công công trình.

Ông Tuấn còn cho biết hiện việc tu bổ đã tạm dừng để thẩm định lại toàn bộ công trình này và sẽ có báo cáo về vụ việc.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết tỉnh vừa có chỉ đạo cho giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế rà soát các thủ tục, quá trình đánh giá, quy trình thi công để báo cáo lên UBND tỉnh.

Cày ủi đi hết thì còn đâu di tích!

Bảo tồn di tích không chỉ với dấu tích trên mặt đất mà còn cả dấu vết, hiện vật dưới mặt đất. Dưới đó không chỉ có dấu vết thời vua Nguyễn mà có thể còn cả thời Tây Sơn, thời chúa Nguyễn. Đơn vị thi công dùng xe cày ủi, xúc đổ đi hết thì còn di tích đâu nữa.

PGS-TS ĐỖ BANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm