Truyền hình thực tế - Từ sàn diễn đến cuộc đời - Kỳ cuối: Sớm nở tối tàn

Truyền hình thực tế - Từ sàn diễn đến cuộc đời - Kỳ cuối: Sớm nở tối tàn ảnh 1

Album Come through for you của quán quân The Voice mùa đầu tiên Javier Colon xếp thứ 134 trên bảng xếp hạng Billboard - Ảnh: The tune

Khi nghe Javier thể hiện bài hát bất hủ Time after time của Cyndi Lauper trong vòng giấu mặt, cả bốn HLV đã đồng thời quay ghế lại và giành giật “chí tử” để có được anh. Adam Levine thậm chí đã dành những lời khen có cánh cho Javier Colon: “Bạn thật sự là một món hời. Thắng cuộc hay không, bạn cũng là một trong những giọng ca tuyệt vời nhất mà tôi từng được nghe”.

Không có thí sinh tỏa sáng

Những tưởng sau cuộc thi đình đám The Voice, Javier sẽ một bước lên “sao”. Nhưng rất tiếc, câu chuyện cổ tích mà The Voice vẽ ra đã không xảy đến với anh. Tháng 6-2011, Javier Colon đăng quang The Voice, nhận được 100.000 USD cùng một hợp đồng thu âm với Hãng Universal Republic Records. Tháng 11 cùng năm anh ra mắt album - Come through for you (tạm dịch Vượt qua tất cả vì em). Album dành vị trí 134 trên bảng xếp hạng Billboard và trong tuần đầu bán ra chưa tới 10.000 bản. Một khởi đầu quá nhục nhã đối với quán quân The Voice khi so sánh với album đầu tay của các quán quân American Idol mùa giải đầu và mùa thứ 10 (năm 2011).

Một trong những nguyên nhân của sự thất bại được cho là quảng bá kém. Nhiều khán giả tuyên bố trên các diễn đàn âm nhạc là họ thậm chí còn không biết Javier ra album. Khán giả Livia Chasez tâm sự trên diễn đàn âm nhạc Yahoo: “Tôi hoàn toàn không biết Come through for you đã được ra mắt. Thậm chí tôi còn không biết tên album đó là gì. Thật xấu hổ cho NBC” (NBC là công ty tổ chức The Voice).

Tròn một năm sau khi đăng quang, tháng 6-2012, Javier Colon quyết định từ giã Hãng thu âm Universal Republic Records trong một thái độ vô cùng bất mãn. Anh tâm sự trên Buddy TV: “Tôi đã tham gia với những hi vọng lớn lao và tôi tin ai cũng vậy. Khi bạn dốc hết trái tim và tâm hồn vào một album mới mà bạn nghĩ rằng thật sự rất tuyệt và hãng thu âm của bạn đáng ra phải ủng hộ, tiếp thị, quảng bá cho album đó trong thực tế lại không làm bất cứ điều gì cả thì thật khó để không thất vọng. Sự thật là chúng tôi tốt nhất nên đường ai nấy đi. Tôi tin rằng điều gì cần phải xảy ra thì sẽ xảy ra và mọi chuyện là như thế đó”.

Sau khi Javier chính thức từ giã Hãng thu âm Universal Republic Record, báo giới Hoa Kỳ lại tung tin về mối bất hòa giữa anh và HLV Adam Lavine. Dù sau đó cả hai đã lên tiếng phủ nhận nhưng khán giả vẫn đặt dấu hỏi về việc The Voice đã “đem con bỏ chợ”. Nếu Javier Colon muốn nổi tiếng thì rõ ràng anh ta sẽ phải tự tìm cách đứng lên bằng chính đôi chân của mình, chứ không thể nhờ cậy vào HLV hay tiếng tăm của chương trình.

Truyền hình thực tế - Từ sàn diễn đến cuộc đời - Kỳ cuối: Sớm nở tối tàn ảnh 2

Scotty McCreery đăng quang American Idol - Ảnh: AP 

“Lời nguyền”

American Idol vẫn được coi là lò sản xuất “sao” khi ngay từ mùa đầu tiên đã phát hiện Kelly Clarkson, người sau đó giành được hai giải Grammy, bốn album phát hành luôn nằm trong top 3 bảng xếp hạng Billboard. Sau sự khởi đầu thành công vang dội của mùa thứ nhất, American Idol quả thật đã giới thiệu với công chúng yêu nhạc một số ngôi sao tài năng như: Carrie Underwood, Jordin Sparks hay Adam Lambert...

Tuy nhiên “cỗ máy sản xuất ngôi sao” bắt đầu có dấu hiệu khựng lại. Xét trong năm mùa gần đây nhất, chỉ duy nhất Scotty McCreery (quán quân mùa thứ 10-2011) có thể coi là thành công khi cả đĩa đơn và album đều lần lượt đứng vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và Billboard 200. Phillip Phillips vừa đăng quang năm nay nhưng vẫn chưa có sản phẩm âm nhạc nào kịp trình làng với khán giả.

Lee DeWyze, vị quán quân điển trai của American Idol mùa thứ 9-2010, thậm chí đã bị Hãng đĩa RCA bỏ rơi ngay sau một năm cộng tác. Album đầu tiên của Lee DeWyze sau khi đăng quang đã khiến anh trở thành vị quán quân có album ra mắt xếp hạng thấp nhất trong lịch sử của American Idol khi chỉ vói tới thứ hạng 19. Rõ ràng hãng đĩa đã “chạy làng” rất nhanh khi vị quán quân của họ gặp khó khăn - điều thường xuyên xảy ra ở tất cả các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc ở Mỹ.

Kris Allen, người “tiền nhiệm” của Lee DeWyze, cũng không khá khẩm hơn là bao. Album đầu tiên của anh với tư cách quán quân American Idol chỉ đứng ở vị trí khiêm tốn thứ 11 với số lượng bán ra tuần đầu tiên là 80.000 bản. Album thứ hai vừa ra mắt vào tháng 5 năm nay thì dừng chân ở vị trí thứ 26 với doanh số tuần đầu tiên vỏn vẹn 15.622 bản (số liệu theo SoudScan). Vào tháng 9 năm nay, Kris Allen, tiếp nối David Cook (quán quân Idol mùa 7) và Lee DeWyze (quán quân mùa 9) đã đánh mất bản hợp đồng thu âm với Hãng RCA. MTV đã đưa ra thuật ngữ “Lời nguyền nam quán quân American Idol” để chỉ sự thất bại liên tiếp của các nam ca sĩ này.

Phó tổng phụ trách bảng xếp hạng Billboard Keith Caulfield lý giải hiện tượng trên: “Khi bạn có quá nhiều quán quân là nam cùng thuộc một loại - Cook, Allen, Lee DeWyze..., họ đều giống như được cắt ra từ một mảnh vải và âm vực cũng không khác nhau lắm thì thật khó để tất cả họ có thể cùng lúc tồn tại trong thế giới pop”.

Nhưng trớ trêu thay, tất cả quán quân trong năm mùa American Idol gần đây đều là nam. Điều tương tự đang xảy ra với The Voice, hai vị quán quân của hai mùa cũng đều là nam. Ngay cả Scotty McCreery, nam quán quân duy nhất có vẻ thành công gần đây, cũng đang đối mặt với sự giảm doanh thu từ các chương trình phát thanh nhạc đồng quê.

Javier Colon liệu năm sau có thể tỏa sáng? Jermaine Paul liệu có bán được nhiều đĩa? Phillip Phillips liệu có trở thành “sao”? Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực bản thân họ. Và họ sẽ phải vật lộn một cách cực kỳ vất vả để trụ lại làng giải trí. Vì quán quân một cuộc thi âm nhạc chẳng có nghĩa lý gì khi một năm có đến bốn, năm cuộc thi tương tự, đồng nghĩa với một năm có từng ấy quán quân.

Nhạc trưởng - NSƯT Hoàng Điệp:

Cần hài hòa giữa yếu tố giải trí và thẩm mỹ

Thông thường, ở các cuộc thi hay các chương trình truyền hình thực tế (THTT) với nhiều quy mô khác nhau trong và ngoài nước, thành phần ban giám khảo (BGK) là yếu tố rất quan trọng, cho thấy tiêu chí và chất lượng của chương trình. Ở các nước, ngoài tiêu chí giải trí - quảng cáo - thương mại, những chương trình THTT còn là nơi phát hiện nhân tài đúng nghĩa. Trường hợp Carrie Underwood, Kelly Clarkson của “American Idol”, Susan Boyle sau “Britain’s Got Talent” hay cậu bé Uudam Wudamu sau “China’s Got Talent” là những thí dụ điển hình.

Ở VN cũng vậy, nhưng dường như yếu tố giải trí được coi trọng hơn nên một số phương tiện truyền thông thường quan tâm đến những hiện tượng “giật gân - xìcăngđan lá cải” nhiều hơn những bình luận chính thống. Từ những yếu tố nặng phần giải trí ấy, người ta sẽ dễ dãi với những giá trị nghệ thuật đích thực. Nhiều giọng ca trẻ được phát hiện tại các chương trình THTT không qua trường lớp đào tạo, được lăngxê thổi phồng, mọi giá trị thật - giả lẫn lộn... dẫn đến nhiều ngộ nhận về tài năng. Báo chí nước ngoài đã ví những người chiến thắng tại các show THTT như “những bông hoa sớm nở tối tàn”. Ở VN cũng vậy, thực tế đã cho thấy rất nhiều gương mặt tại các chương trình THTT do không đủ thực tài nên phải nhờ đến công nghệ lăngxê với những xìcăngđan mới nổi tiếng được.

Theo HOÀNG ĐIỆP - ANH TRÂM (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm