Truy tặng Bằng khen cho người quay phim Bác Hồ ở Pháp năm 1946

Cách nay ít lâu, tại số báo Tết Công an nhân dân Xuân Bính Tuất đã đăng bài: "Người quay phim Bác Hồ ở Pháp năm 1946" của nhà báo Hồng Hà.

Sau đó, cũng tại số báo Tết năm Kỷ Sửu (2009), theo đề nghị của Ban Biên tập Báo CAND, nhà báo Hồng Hà, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, người được Ban Bí thư Trung ương Đảng cử đi một số nước trên thế giới để sưu tầm tài liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài.

Trên cơ sở những tài liệu đã tìm được, nhà báo Hồng Hà đã viết một số tác phẩm về thời kỳ Bác Hồ sống và làm việc ở Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc; trong đó có tác phẩm "Theo dấu chân Bác" đã đoạt giải thưởng báo chí toàn quốc năm 1997 của Hội Nhà báo Việt Nam.

Điều cần nói là trong 2 bài báo đăng trên 2 số báo Tết Công an nhân dân, nhà báo Hồng Hà đã đề cập đến một con người đã có nhiều đóng góp to lớn trong chuyến đi tìm bộ phim về Ngày lễ độc lập: 2/9/1945. Ông là họa sĩ, nhà quay phim Mai Trung Thứ, một Việt kiều yêu nước, ngụ tại số nhà 16, thị xã Vanves, ngoại ô thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp).

Sinh năm 1906 tại thôn Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông Mai Trung Thứ vào Huế dạy học rồi sang tu nghiệp và định cư tại Pháp. Sống ở Pháp, ông vừa làm họa sĩ, vừa làm nghề quay phim và sáng lập Hãng phim Tân Việt.

Mặc dù sống xa Tổ quốc, song tấm lòng ông luôn hướng về Tổ quốc. Do vậy năm 1946, Hồ Chủ tịch thăm Pháp, mặc dù điều kiện kỹ thuật lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, song ông đã quay được toàn bộ các hoạt động của Bác Hồ từ khi Người đặt chân xuống sân bay Biarritz ở Tây Nam nước Pháp cho đến khi Người rời đất Pháp tại bến cảng Toulon trên bờ Địa Trung Hải, ngày 18/9/1946.

Bộ phim đã ghi lại nhiều hình ảnh của Bác Hồ trong các hoạt động chính thức cũng như các sinh hoạt thường ngày và trong các buổi tiếp xúc với Việt kiều. Ông cũng ghi lại được tiếng nói của Bác Hồ trên đĩa nhựa. Trong bộ phim này, ông cũng ghi được một số hoạt động của đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Foutaineblean do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Đây là những tài liệu lịch sử vô cùng quý giá mà ông đã thực hiện và trao lại cho Nhà nước ta.

Theo nhà báo Hồng Hà thì trong thời gian công tác tại Pháp, các thành viên trong đoàn còn tìm thấy ở Paris, một bộ phim quay Ngày độc lập 2/9/1945 ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội, cuối cuộn phim có ký tên Mai Thứ, do một người mang sang Pháp năm 1945 nhờ ông Mai Trung Thứ và Hãng phim Tân Việt dựng lại và phát ở Paris. Ông Mai Trung Thứ còn cung cấp cho đoàn nhiều tư liệu quý về Bác Hồ.

Do những công lao, đóng góp của họa sĩ, nhà điện ảnh Mai Trung Thứ, vừa qua, bằng Quyết định số 1924/QĐ-TTG xét đề nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định truy tặng bằng khen cho ông Mai Trung Thứ, một Việt kiều có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà.

Theo L.V (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm