Trưng bày hình ảnh, di vật nhà báo Nhật Ta-ka-nô Isao

Di vật, hình ảnh của nhà báo Nhật Takano Isao sẽ được trưng bày ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM vào sáng ngày 5-3; ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 8-3.

Tính đến thời điểm này đã tròn 40 năm nhà báo Nhật Takano Isao hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam. Bạn bè của ông vẫn đến Lạng Sơn để thắp nén nhang tưởng niệm dù mộ phần của ông đã di dời qua Nhật từ nhiều năm trước.

Bé Emi 5 tuổi, con gái Takano trong đám tang cha. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt tay bé. Ảnh: Từ Facebook của PGS.TS Đoàn Lê Giang.

Takano Isao là nhà báo Nhật. Ông sinh năm 1943 ở Kobe (Nhật Bản). Ông đã hi sinh anh dũng khi đang tác nghiệp trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979 vì trúng đạn từ quân Trung Quốc.

Là một người am hiểu và có nhiều năm nghiên cứu về ông Takano Isao, PGS.TS Đoàn Lê Giang, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: Những bài viết của nhà báo Ta-ka-nô đã phơi bày hành động phi nghĩa của Trung Quốc với thế giới. Ông ấy là một người vô cùng dũng cảm. Ông ra đi để lại đứa con gái bé bỏng mới 5 tuổi và người vợ trẻ.

   Trưng bày hình ảnh, di vật nhà báo Nhật Ta-ka-nô Isao ảnh 2

Trang phục, máy ảnh của Takano. FB PGS .TS Đoàn Lê Giang

 “Mỗi lần nhìn ảnh bé Emi mồ côi cha lúc 5 tuổi sao tim mình thắt lại. Sao nhà báo Takano lại lựa chọn công việc nghiệt ngã thế này? Khi đi vào Lạng Sơn giữa những làn pháo kích 15 phút dập 1 lần, giữa tình hình lính Trung Quốc còn ở thế cài răng lược với bộ đội Việt Nam, anh có nghĩ đến con gái 5 tuổi đang chờ anh không? Phải chăng tình yêu tiếng Việt, tình yêu Việt Nam đã thúc đẩy anh hành động như thế này? Anh đã dùng những tấm ảnh, những trang phóng sự khét mùi thuốc súng và dùng chính sự sống của anh để đánh động lương tâm nhân loại về cuộc chiến tranh dã man của quân Trung Quốc tiến hành ở Việt Nam”, ông Giang tâm sự.

Cũng theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, nhân 40 năm về ngày hi sinh của ông trên biên giới phía Bắc 1979, từ 5 đến 8-3 tới đây, di vật và hình ảnh của ông Takano sẽ được trưng bày tại hai trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM. Người nói chuyện sẽ là Nakamura Goro, Giáo sư, nhiếp ảnh gia (người chụp nhiều ảnh về cặp song sinh Việt – Đức), bạn của Takano. Đồng thời, nghệ sĩ sáo trúc Goto, bạn của Takano sẽ diễn tấu sáo trúc để tưởng nhớ bạn.

Trong số những tư liệu này có tập nhật ký của nhà báo Takano đã được xuất bản tại Nhật vào năm 1979. Tập nhật ký này sẽ được trích dịch, giới thiệu tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Giang cho biết thêm, ngưỡng mộ trước tinh thần quả cảm của nhà báo Takano, nhà thơ Anh Ngọc đã sáng tác một bài thơ với tựa đề “Gửi cháu Ê-mi Ta-ca-nô” đăng trên báo Nhân dân ngày 25-3-1979 khiến ai đọc cũng ngậm ngùi.

Ta-ka-nô Isao là nhà báo nước ngoài nhưng ông có 12 năm sống và gắn bó với Việt Nam. Năm 1962 sau khi tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Nhật Bản, Takano vào làm việc tại một trường Đại học Công nghiệp Nhật Bản. Đến năm 1967, ông được cử sang Việt Nam học tại khoa Tiếng Việt (Đại học Tổng hợp Hà Nội) đến năm 1971. Sau đó, ông đã tham gia đưa tin về chiến tranh biên giới phía Bắc với tư cách là đặc phái viên tờ báo Akahata Nhật Bản.

Vào buổi chiều ngày 7-3-1979, khi mà Trung Quốc đã tuyên bố rút khỏi biên giới Việt Nam vào 2 ngày trước, trong lúc đang tác nghiệp tại thị xã Lạng Sơn, Takano Isao đã bị trúng một viên đạn từ phía quân Trung Quốc và hi sinh anh dũng. Nhà báo Takano ra đi khi mới 36 tuổi. Ông để lại người vợ trẻ và đứa con gái mới 5 tuổi ở Nhật Bản.

Ngay chính nơi nhà báo Takano Isao ngã xuống, người dân Lạng Sơn đã dựng một tấm bia tưởng niệm. Sau này, tấm biên tưởng niệm của ông đã được di chuyển về Nghĩa trang Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Còn di cốt của ông cũng đã được vợ đưa về Nhật Bản chôn cất.

 

Bài thơ “Gửi cháu Ê –mi Ta-ca-nô"

Ê-mi Ta-ca-nô

Ai nỡ trách khi cháu còn quá bé

Chửa hiểu được nỗi gì trong mắt mẹ

Sấm sét và mây đen

Khi nội già nua cúi gập tấm lưng còng

Tay cầm chiếc gối bông

Giọt nước mắt chảy suốt hai đầu lục địa

Cháu ngơ ngác: có chuyện gì thế nhỉ?

Và cúi tìm hỏi bạn búp – bê

Cái mũi đỏ ngô nghê

Khiến cháu bật cười

Ê- mi Ta- ca- nô

Trong buổi sáng hôm nay

Giọt nước mắt của bà và nụ cười của cháu

Đã cứa vào lòng chú

Hai vết thương sâu

Ê-mi Ta-ca-nô

Cháu chưa hiểu được đâu

Buổi sáng ấy trời Lạng Sơn đầy gió

Gió thổi lên từ những ngôi nhà đỏ

Gạch ngói nằm trên chiếu, trên chăn

Gió thổi qua đầu con búp-bê gãy chân

Mình đắp đầy lá rụng

Và gió thổi về trong tiếng sung

130 ly

Bố Ta-ca-nô bước đi

Dưới những hàng tràm chảy máu

Thị xã và lòng bố rung lên trong trận bão

Bố đã đi từ Hi-rô-si-ma đến Lạng Sơn

Với chiếc mũ tai bèo trắng đã sờn

Trên mái đầu trai trẻ

Chỉ vài phút nữa thôi, có thể

Bố sẽ không đi đến được tuổi già

Điều ấy có sao đâu

Nhưng khúc sông kỳ cùng này thì bố Ta-ca-nô phải đến

Chiếc cầu gãy này thì bố Ta-ca-nô phải đến

Cuốn phim nằm trong máy ảnh đã lên phim

Gương mặt tình yêu đã lọt giữa khuôn hình

Cao cả và thiêng liêng cái phút giây bấm máy

Khi bố Ta-ca-nô đặt tay vào nút bấm

Thì bọn chúng đặt tay vào cò súng

Hai tiếng nổ vang lên

Dữ dội và dịu êm

Hai tiếng nổ…

Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên

Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại

Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy

Lẫn vào trong nhịp đập trái tim….

(Trích bài thơ của Anh Ngọc đăng trên báo Nhân dân ngày 25-3-1979)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm