Trục lợi trong lễ hội là tham nhũng tâm linh

Người dân đến đó để xin được ban nhiều lộc… Khi ăn nên làm ra, họ nghĩ thần thánh, tổ tiên cho họ, điều đó làm giảm đi niềm tin thế tục.

Gọi những hiện tượng trục lợi tại các lễ hội là “tham nhũng tinh thần về tâm linh”, PGS-TS Lê Quý Đức (ảnh), nguyên là Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), bày tỏ xu hướng lợi dụng thần thánh để kiếm được lợi lộc là xu hướng tiêu cực hiện nay.

Đủ kiểu “tham nhũng tâm linh”

. Phóng viên:tại sao ông lại gọi việc lợi dụng lễ hội để trục lợi cũng là một kiểu tham nhũng?

+ PGS-TS Lê Quý Đức: Trước hết, phải hiểu những người mà tôi gọi là tham nhũng tinh thần, tâm linh phải là những người có vị thế về kinh tế hoặc chính trị mà thường đó là cán bộ, người có chức có quyền. Họ đến với các lễ hội, đến với các đình chùa miếu mạo để cầu danh, cầu lợi, cầu cho bản thân, thậm chí mong mỏi thần linh tẩy xóa cho những điều xấu mình đã gây ra. Khi họ dùng vật chất của mình để cầu mong “sự đổi chác” của thần linh như thế chính là tham nhũng tinh thần, tâm linh.

. Trục lợi từ lễ hội đâu chỉ có thể là quan chức, thưa ông?

+ Có thể kể ra một số đối tượng như những người đóng góp công đức cho các đền đình chùa, những nơi tâm linh nhưng chưa hẳn đã vì thiện tâm. họ chỉ muốn thông qua sự đóng góp đấy để thần thánh ban cho họ, che chở cho họ những tội lỗi ở đời sống thế tục hoặc họ muốn được nhiều lộc hơn so với những người khác. Có nhà sư coi việc đi tu như một nghề chứ không phải đi theo Phật, vì vậy họ muốn làm lợi cho họ. họ xây dựng chùa chiền khang trang không phải để thể hiện tâm linh, lòng thành kính mà để tỏ rõ vị thế của mình hơn, cũng có những người đem tiền về quê làm lợi cho họ hàng nhà mình. Rồi những người quản lý tổ chức cũng có tình trạng lợi dụng đình chùa miếu mạo ở địa phương để làm cho nơi đó có vẻ như thiêng hơn để khách thập phương về đông hơn nhằm làm cho quỹ công ích của địa phương mình nhiều lên…

Ấn đền Trần phát không nhưng muốn được phát phải gửi tiền công đức. Ảnh: V.THỊNH

. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi người ta đi lễ hội nhiều, đến với đền chùa nhiều thì đời sống tâm linh cũng phát triển?

+ Điều đó cũng đúng nhưng bên cạnh đó thậm chí nó cũng phản ánh điều nữa là sự suy giảm về niềm tin thế tục làm cho niềm tin tâm linh tăng lên.

. Ông có thể nói rõ hơn về sự liên quan này?

+ Người ta thiếu tin tưởng vào đời sống thế tục, tin tưởng vào giá trị, lý tưởng chính trị xã hội mà người ta chỉ tin vào tâm linh. Khi ăn nên làm ra, họ không nghĩ là do cơ chế của Nhà nước mà nghĩ thần thánh, tổ tiên cho họ, điều đó làm giảm đi niềm tin thế tục. Ở đây cũng cho thấy họ thiếu bản lĩnh trong đời sống kinh tế-xã hội. Đáng lẽ anh phải tự thân phấn đấu tích lũy chứ cứ nghĩ thần thánh có cho lộc không nên anh lại ỉ lại, thiếu đi bản lĩnh trong cuộc sống, thiếu niềm tin vào giá trị thế tục.

Quan chức, cán bộ cũng có những người thiếu bản lĩnh như thế, có người chỉ biết vun vén cho bản thân mà không có trách nhiệm với dân, với nước. Ở lễ hội đền Trần này, cán bộ của ta đến cũng nhiều chứ, dân có bao nhiêu đâu.

Đông cầu quan, vắng hội thề

. Ông suy nghĩ gì về thực tế kể trên?

+ Tại sao người ta đến đền Trần nhận chức, nhận ấn cầu bổng lộc mà không đến đền Đồng Cổ ở Phường Bưởi (Ba Đình, Hà Nội) để thề về nghĩa vụ của mình trước dân, trước nước? Đền thờ đó hằng năm cứ vào ngày 4-4, triều đình nhà Lý cũng như triều đình nhà Trần đều bắt hoàng thân quốc thích, các quan lại đến đó thề. Với nhà Lý là thề làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì bị thần linh quật chết. Còn đến nhà Trần thì đưa ra lời thề là làm con bất hiếu, làm tôi không trong sạch thì bị thần linh quật chết. Đó là lễ hội cho quan, lễ hội của Nhà nước làm cho quan. Tại sao quan chỉ đến đền Trần nhận ấn, chức tước, bổng lộc mà lại không đến đền Đồng Cổ để thề trong sạch, hoàn thành trách nhiệm của mình? Rõ ràng anh chỉ cần bổng lộc, chức quyền, thậm chí danh dự nữa. Bên cạnh đó quan chức đến lễ hội còn tạo ra sự bất bình đẳng trong tâm linh.

. Sự bất bình đẳng đó cụ thể là thế nào, thưa ông?

+ Thực ra quan chức cũng như dân thường, họ đến với lễ hội dù với mục đích nào chúng ta chưa bàn tới, tuy nhiên nếu anh cũng đi lễ như một người dân thường nào đó, hòa vào dòng người không trống dong cờ mở thì không sao. Có lễ hội khi quan chức đến thì người ta phải dẹp dân chúng ra cho quan chức vào lễ bái, như vậy nó tạo ra sự thiếu bình đẳng trước giá trị tâm linh.

Trục lợi từ lễ hội biến tướng đa dạng

Trục lợi trong lễ hội là một thực tế đang tồn tại mà thông thường những gì mà yếu tố trục lợi được đặt lên cao thì đẻ ra lắm thứ, bóp méo lễ hội truyền thống. Trong lễ hội bao giờ cũng có nghi lễ nhưng có nhiều lễ hội bây giờ không đúng với nghi lễ truyền thống vì người ta thêm thắt những cái mà qua đó có thể kiếm lời được.

Buồn nhất là việc buôn thần bán thánh. Những nơi thờ tự thường là thờ những nhân thần, minh thần hoặc là thờ Phật, đều là những đấng linh thiêng. Tuy nhiên, người ta lại đem đến đó những suy nghĩ cầu lợi cho bản thân, đôi khi có cả những hành động xúc phạm thần linh.

Thậm chí có lễ hội còn vin vào cái danh xã hội hóa nhưng thực chất là do ai đó tranh thủ để trục lợi dẫn đến những méo mó, phản cảm không cần thiết.

Nhận thức chung của cộng đồng chỉ biết lễ hội chung chung còn căn nguyên thì không biết, ý nghĩa sâu xa cũng không biết, khá đông người đi lễ hội kèm theo mục tiêu, mục đích gì đó ngây thơ và đáng thương nhưng cũng đáng trách. Người ta cứ nghĩ đi lễ thật nhiều, đốt nhang thật nhiều thì chắc thánh thần sẽ phù hộ. Cái đó rất sai lầm. Thật ra ai cũng muốn cầu mong những điều tốt đẹp nhưng không chịu làm điều gì tốt đẹp, thậm chí còn làm điều tồi tệ rồi xin thánh thần xí xóa những điều đó. Theo tôi đó là những cầu mong vô vọng, không có cơ sở nào hết. Không thể dùng mấy đồng tiền lẻ để xóa đi cái ác của mình, càng không thể dùng mấy đồng tiền lẻ đó mà không hành thiện. Thánh thần làm sao dung nạp những người làm không chịu làm tốt, chỉ đi xin, đi cầu.

Đôi khi cũng là tâm lý đám đông nữa. Thấy người ta đốt nhiều nhang mình cũng phải đốt nhiều nhang lên một tí, thấy người kia bỏ tiền lẻ mà giắt các chỗ, thậm chí là nhét vào miệng của tượng nữa thì mình cũng phải làm theo. Rõ ràng hành vi như thế là không tôn trọng thánh thần mà lại cầu thánh thần phù hộ. Người đi lễ đã thế, cơ sở thờ tự cũng có những yếu tố trục lợi, đem tiền ra chia nhau.

Nói tóm lại, việc trục lợi từ lễ hội quá phong phú. có anh trục lợi để lấy tiền, có anh trục lợi để lấy tiếng, có người trục lợi vì sĩ diện hão nào đó để làm ra những điều bất bình thường. Yếu tố văn hóa tâm linh trong một số lễ hội không có nhiều mà nó đã biến dạng, méo mó như vậy đấy.

Ông NGUYỄN VIẾT CHỨC, Viện trưởng
Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long

Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nề nếp… Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội có biểu hiện phô trương với nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém; có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Việc mời khách và một số cán bộ lãnh đạo, quản lý tham dự lễ hội chưa thực hiện tốt các quy định đã ban hành.

Trích Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5-2 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm