Tranh dự triển lãm toàn quốc bị xước: ‘Chúng tôi rất đau xót’

Chiều 1-12, ban tổ chức triển lãm mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức họp báo về Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020.

Tại đây, chủ đề nóng nhất được các cơ quan báo chí đề cập đó là việc tranh của họa sĩ tham gia triển lãm bị xước.

Cụ thể, Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, một trong những tác giả có tranh bị xước khi dự thi Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2020 đã quyết định rút tác phẩm về.

Tại cuộc họp báo, ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam  2020 thừa nhận, khi rà soát các công việc của triển lãm đã phát hiện ra một số tác phẩm bị xước, ông khẳng định đây là góc độ không mong muốn.

Ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam . Ảnh VT

“Bản thân chúng tôi đã chủ động gọi điện cho các tác giả xin lỗi và nhận trách nhiệm. Chúng tôi rất cầu thị và trách nhiệm. Chúng tôi cũng có thương thảo với một số tác giả để làm sao sau cuộc triển lãm này sẽ ngồi lại với nhau, làm sao cách tổ chức khác đi”- ông Mã Thế Anh nói.

Người đứng đầu cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng nhiều lần khẳng định, nếu vẫn tổ chức triển lãm theo cách đang làm hiện nay thì dù ông hay ai làm cũng không thể tránh khỏi việc bị xước tranh.

“Quy trình của chúng ta hội đồng bê ra bê vào, xếp vào kho rồi lại lên treo, di chuyển nhiều công đoạn”- ông Mã Thế Anh miêu tả.

Ông Mã Thế Anh cũng bày tỏ, rất đau xót trước việc tranh bị xước. “Tác phẩm của anh em đều trân trọng như nhau, đây là sự việc đáng tiếc, chúng tôi thấy được trách nhiệm và sẽ cố gắng, sau triển lãm sẽ cùng với tác giả giải quyết việc này. Trước hết xin lỗi, chia sẻ với các tác giả”- ông Mã Thế Anh nói.

Ông cũng cho rằng, sau sự việc đáng tiếc, hết sức đau lòng ngoài việc nhận trách nhiệm cũng cần phải thay đổi cách tổ chức.

Tiếp lời ông Mã Thế Anh, nhà Nghiên cứu lý luận và Phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cũng cho rằng, tất cả các cuộc triển lãm đều có hỏng hóc, thậm chí còn mất, bản thân ông cũng từng mất tác phẩm khi trưng bày.

Ông Phan Cẩm Thượng đồng ý với ý kiến của ông Mã Thế Anh, công tác tổ chức vẫn cứ thể này vẫn cứ tiếp tục hỏng như thế thậm chí là mất tác phẩm.

Một góc Triển lãm mỹ thuật Việt Nam. Ảnh VT

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nêu ra các lý do dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, theo ông vì chúng ta hoạt động vẫn nghiệp dư rất nhiều mặt, trong đó có công tác vận chuyển. “Chúng ta chưa hề có một công ty vận chuyển chuyên nghiệp cho nghệ thuật. Có công ty vận chuyển hàng hóa người ta xếp nghệ thuật vào hàng hóa chứ người ta chưa quan tâm nội dung trong thùng là gì”- ông Phan Cẩm Thượng nói.

Tiếp đến, công tác trưng bày triển lãm chúng ta cũng không có công ty trưng bày chuyên nghiệp, gần đây có triển lãm cứ thuê anh em vào làm, thuê những người cũng không chuyên nghiệp lắm, chỉ là người bốc vác. Không có công ty trưng bày chuyên nghiệp, về mặt nghệ sĩ không ai tham gia bảo hiểm tác phẩm.

Sau hơn 6 tháng kể từ khi phát động, Ban tổ chức đã nhận được tổng số 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả từ 58/63 tỉnh, thành phố gửi về tham dự. Trong đó, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày.

Kết quả, Hội đồng đã chọn ra 29 tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng gồm 6 giải Nhì, 11 giải Ba và 12 giải khuyến khích.

Theo Ban tổ chức, nội dung tác phẩm phản ánh sinh động cuộc sống lao động, sinh hoạt, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các vấn đề của cuộc sống đương đại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm