Trái châu trăm tuổi ở Lăng Ông được tìm thấy sau 10 ngày mất

Trưa nay (12-9), trái châu sẽ được trả lại nguyên trạng trên nóc bia đình.

Chiều 11-9, Công an quân Bình Thạnh (TP.HCM) đã trao trả cho Ban quản lý Di tích nghệ thuật quốc gia lăng Lê Văn Duyệt (tên gọi quen thuộc là lăng Ông) trái châu cổ trong bộ lưỡng long tranh châu trên nóc bia đình.

Bộ lưỡng long tranh châu trên nóc bia đình lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Q.T

Bộ trái châu cao khoảng 1m, được làm bằng gốm sứ xanh đã hiện hữu tại Lăng Ông khoảng năm 1922, khi xây dựng bia đình.

Phía di tích Lăng Ông phát hiện mất trái châu vào chiều 2-9. Sau khi trích xuất camera an ninh thì phát hiện thời điểm trái châu bị trộm là 0 giờ ngày 29-8.

 Trái châu đã bị gỡ trộm, ảnh chụp ngày 8-9-2020. Ảnh: Q.T

Trao đổi với PLO ngày 10-9, một lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh xác nhận sự việc và cho biết đã tìm thấy trái châu vào tối 9-9 trên địa bàn TP.HCM.

Bộ lưỡng long tranh châu khi còn nguyên trạng, ảnh chụp ngày 2-6-2020. Ảnh: Q.T

Lăng Ông có hệ thống phù điêu, tượng với kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ… độc đáo. Chính vì thế rất nhiều lần các món đồ trên nóc Lăng Ông bị trộm và đây là lần đầu tiên được tìm thấy sau khi bị trộm.

Thời điểm trộm thường rơi vào những ngày cuối các đợt trùng tu lớn tại Lăng Ông. Trái châu mất khi công trình phục dựng cổng và tôn tạo hàng rào Di tích lịch sử quốc gia lăng Lê Văn Duyệt do Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM chuẩn bị hoàn thành.

Hệ thống tượng bát tiên trên nóc tiền điện đã mất bảy vị tiên, chỉ còn một vị tiên. Ảnh: Q.T

Trước đó, trong đợt trùng tu hệ thống chiếu sáng sân vườn Lăng Ông vào năm 2018, di tích này đã bị mất bảy phù điêu là bảy vị tiên trong bộ tám vị tiên (bát tiên) trên đỉnh tiền điện. Bảy vị tiên được trộm gỡ liên tục trong hai ngày. Cũng trong đợt này, phù điêu phượng hoàng ngậm thư cũng bị gỡ mất một con, hiện di tích chỉ còn một.

Đợt trùng tu năm 2012, liên tục hai tượng con nghê ở cổng Lăng Ông mặt đường Phan Đăng Lưu bị gỡ trộm. Đợt trùng tu năm 2010, một dĩa kiểu cổ trang trí ở song nhà hương cũng mất. Và vào năm 1995-1996, cặp tượng Ông Nhật Bà Nguyệt ở nhà hương cũng bị mất.

Bia đình ở Lăng Ông nhìn từ phía mộ Đức Tả quân khi đã mất trái châu. Ảnh: Q.T

PLO cũng có trao đổi với bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban quản lý di tích Lăng Ông về việc mất trái châu cũng như các đợt mất đồ trước đây tuy nhiên bà Oanh cáo bận và không trả lời về những việc này.

Việc trái châu trở về lại được Lăng Ông là một điều đáng mừng cho Lễ giỗ lần thứ 188 Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt sẽ diễn ra vào ngày 29-7, 1 và 2-8 âm lịch (tức ngày 16, 17 và 18-9) sắp tới. Đây cũng là dịp gắn tên đường Lê Văn Duyệt thay cho đường Đinh Tiên Hoàng hiện hữu.

Trưa 12-9, nhân viên Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM đã gắn trái châu về đúng vị trí. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm