Tín hiệu vui cho sân khấu kịch

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết: “Các tác giả sẽ ký gửi kịch bản đến và chúng tôi sẽ đăng tải tóm tắt nội dung kịch bản, chừng 1 đến 2 trích đoạn của kịch bản trên trang web (giấu tên tác giả). Các đơn vị nghệ thuật vào xem nếu thấy vừa ý thì sẽ liên hệ với chúng tôi để được cung cấp kịch bản đầy đủ”. Tham gia hoạt động trao đổi, đơn vị nghệ thuật chỉ mất chi phí khi đã ưng thuận và muốn ký hợp đồng với tác giả để dàn dựng tác phẩm. Hiện đã có gần 50 tác giả, hầu hết ở phía Bắc, tham gia “chào hàng” trên trang web này.

Thiết kế của “chợ” có 3 mục, gồm mục “Giới thiệu tác giả” có ảnh, trích ngang lý lịch, thành tích; mục “Tác phẩm” được phân ra chi tiết các đề tài: Lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại, thể nghiệm, trong đó chia nhỏ mảng kịch ngắn, kịch dài...; mục “Chợ ý tưởng” dành cho tất cả mọi người có thể chia sẻ ý tưởng kịch bản để tìm người “mua”, “bán” phù hợp.

Tín hiệu vui cho sân khấu kịch ảnh 1
Đại Nghĩa trong vở kịch Vua thánh triều Lê. Ảnh: NVCC

Chuyện “thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay” là một thực tế của sân khấu nước ta tồn tại dai dẳng mấy năm trở lại đây đã khiến không ít người làm nghề băn khoăn, trăn trở. Hằng năm, ngành sân khấu vẫn tổ chức những giải thưởng kịch bản sân khấu tốn không ít công sức, tiền của nhưng các nhà hát, các đơn vị làm sân khấu vẫn “đói” kịch bản. Diễn viên Đại Nghĩa nhìn nhận: “Nhiều sân khấu ra đời nên kịch bản hay cũng tản mác, các sân khấu chỉ có được một đến hai vở kịch hay một năm. Còn lại đa số kịch bản cẩu thả, thiếu đầu tư, chạy theo thị hiếu của công chúng”.

Thực tế, không hẳn là không có những người viết kịch bản hay mà mấu chốt những kịch bản hay, có chất lượng chưa tìm được “bến đỗ” phù hợp với yêu cầu của từng đơn vị, từng loại hình nghệ thuật sân khấu. Hơn nữa, theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, hiện nay, người viết kịch bản rất nhiều, người viết hay cũng không phải hiếm nhưng họ cứ loay hoay trong việc làm thế nào để đưa kịch bản tới các đơn vị nghệ thuật đang cần. Chính điều đó làm các đơn vị nghệ thuật dù “khát” kịch bản cũng khó lòng tiếp cận được những kịch bản mình muốn.

Chính vì thế, “chợ” kịch bản ra đời tuy mới mẻ nhưng được kỳ vọng là chiếc cầu nối các đơn vị nghệ thuật với tác giả giúp họ có cơ hội gặp gỡ, tìm được tiếng nói chung để “cộng hưởng”, tạo ra những tác phẩm sân khấu chất lượng tốt trong thời gian tới.

Theo Minh Nga (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm