‘Tiên Nga’, biển Đông và lòng tự trọng dân tộc

Đôi chỗ nín thở, nghẹn ngào, rùng mình hay chợt vỡ bùng niềm vui. Tiên Nga diễn ra kỳ ảo mà gần gũi. Nhạc hay và công phu. Đạo diễn tinh tế và chặt chẽ. Diễn viên dốc sức và hết lòng. Cả dàn đồng ca và các bạn vai quần chúng cũng bung sức...
Có những đoạn khán giả cười mà tôi liếc thấy mắt họ rưng rưng rồi họ bật vỗ tay không kềm chế, như chợt bày tỏ tình yêu với các diễn viên và vai diễn.

‘Tiên Nga’, biển Đông và lòng tự trọng dân tộc ảnh 1
Toàn cảnh vở diễn 'Tiên Nga'. Ảnh: TƯ LIỆU

Tôi đã theo dõi từ nhiều ngày trước quá trình sinh thành Tiên Nga qua FB của Thành Lộc. Tôi cũng có nghe là Thành Lộc đã chuẩn bị cho Lục Vân Tiên từ 4 năm trước. Nhưng khi được xem các bạn hóa thân vào Tiên Nga, tôi thở phào mà nghĩ ừ, vậy chứ, cũng công bằng.
Quả thực dù không muốn thừa lời khen Phò mã tốt áo, cũng phải nói đơn giản, đẹp và hay.
Đẹp vì tất cả công phu tan hòa vào nhau thành một tuyệt tác. Và hay vì múa, hát, diễn đấy mà nội lực, nội tâm xô hết vào chiều sâu mỗi lời ca, mỗi hơi thở, mỗi động tác.

Thành Lộc - Đức Trí, hai "ông thần" khó tính, cầu toàn khiến khán giả rất hài lòng. Ảnh: TƯ LIỆU

Tác phẩm của Thành Lộc thì bao giờ cũng công phu về nghệ thuật nhưng nặng sâu nhất luôn luôn là khát vọng của anh, của người nghệ sĩ. Mỗi vở, mỗi vai diễn, mỗi đêm diễn như được anh thực hiện lần cuối cùng trong đời. Vậy mà rồi... những công trình sáng tạo, khám phá mới đang tiếp tục ra đời lao vút về phía trước, về phía vô cực (cám ơn trời!).

Và Thành Lộc rủ rê được Đức Trí lo âm nhạc cho vở ca kịch. Nhìn Đức Trí ngồi khuất một góc, đũa điều khiển vung khi nhẹ, khi mạnh với say mê miệt mài, tôi thật cảm động.
Hai “ông thần” khó tính cầu toàn cực kỳ này mà ráp vào làm chung tác phẩm thì người khó tính đến mấy cũng phải an lòng.

Thành Lộc  trong vở 'Tiên Nga'. Ảnh: TƯ LIỆU

Hồi nhỏ, tôi thường nghe bà ngoại nói thơ Lục vân Tiên (tên nhân vật sau đã thành một lối nói thơ đặc biệt Nam bộ) rằng: “Trước đèn xem chuyện Tây minh, ngẫm cười hai chữ nhân tình éo le” và “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai...” và cười khì khì thấy truyện thiệt thà Nam bộ làm sao. Nhưng tối nay xem vở ca kịch Tiên Nga, tuy vẫn nhớ ra nét chân chất đó mà lại bồi hồi thấy thật rõ cụ Đồ Chiểu, một ông giáo MÙ nhưng là người SÁNG nhất, dẫn dắt bao thế hệ người Việt biết sống nghĩa nhân và yêu nước.

Tiên Nga, một khía cạnh khác, là một câu chuyện thời sự nóng bỏng, sâu sắc.
Biển Đông, môt vùng lãnh thổ rất “định mệnh” của đất nước mình. Tiên Nga kể rằng chính ở biển Đông đó, Kiều Nguyệt Nga, cô gái Việt lấy “tiết hạnh làm câu trau mình” đã chọn chìm sâu vào lòng biển vì không chịu khuất phục sự chiếm đoạt của giặc.
Cũng biển Đông ấy, giặc Phiên ném xác một cô gái Việt khác - “tỉ tất” của Kiều Nguyệt Nga - dám chọn cái chết để hành thích vua Phiên và bị giặc băm vằm liệng xuống biển Đông.

Lê Khánh vai Kim Liên trước vua Phiên. Ảnh: TƯ LIỆU

Lòng yêu nước đâu chỉ dành cho kẻ sĩ học cao, có chức có quyền, có tiền có thế; lòng yêu nước chảy chan hòa dào dạt trong máu tất cả mỗi người dân Việt. Vậy nên Tiên Nga vang vang nỗi lòng cụ Đồ Chiểu: “Đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không/ Xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có/ Tấc đất ngọn rau tài bồi cho nước nhà ta/Bát cơm manh áo ở đời mắc mớ chi ông cha nó?”.

Và Kiều Nguyệt Nga khóc Kim Liên: “Em thác đi dạy ta bài học. Bài học khát vọng diệt giặc xâm lăng; Em khác chi cọng sen bé nhỏ, nhưng ý chí lại cao ngất trời?”.
Biển Đông. Biển Đông. Khi các bạn kể chuyện biển Đông trên sân khấu, tối về, tôi đọc thấy ngay những thông tin mới này. Vậy đó, biển Đông đâu phải ở đâu xa... Rất gần. Vẫn khuấy động đấy. Rằng... Theo báo cáo của tổ chức Minh Bạch Hàng Hải châu Á AMTI (Asia Maritime Transparency Initiative, trụ sở ở Washington) công bố trên báo chí thế giới ngày 14-12-2017 thì: “Trong năm 2017, Trung Quốc đã xây thêm một cơ sở hạ tầng rộng 28 ha, gồm phi trường và quân cảng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để yểm trợ cho các tiền đồn quan trọng. Và hiện nay Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng nhà chứa máy bay, kho hàng dưới mặt đất và hầm trú ẩn chống tên lửa, bố trí đài ra-đa... ở vùng biển tranh chấp”.
Mấy bạn trẻ cùng xem Tiên Nga ra về, nghe tôi hỏi cảm tưởng thì hồn nhiên, em thích vì vui và ý nghĩa; cháu thấy trang phục đẹp; ồ, thực sự là nhạc hay, và diễn thì rụng rời... Còn ít bạn quan tâm tới điều trao gửi sâu sắc của những tác giả?
Tình yêu từ Tiên Nga, tình yêu bản thân, gia đình, đất nước dạy ta thành người Việt sống xứng đáng và luôn đặt lên cao hơn hết: LÒNG TỰ TRỌNG DÂN TỘC!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm