Thu trên 133 tỉ đồng tác quyền âm nhạc

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2020 diễn ra ngày 14-1, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) Đinh Trung Cẩn cho biết trong năm 2019 VCPMC đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp tác với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền và nhà xuất bản với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc ký thỏa thuận ủy quyền song phương này đảm bảo quyền tác giả được thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của Liên minh quốc tế các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc (CISAC).

Thành viên tham gia ngày càng tăng

Đánh giá về hoạt động của VCPMC, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết một tín hiệu đáng mừng là số thành viên tham gia VCPMC ngày càng tăng cả ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Hùng, sang năm 2020, trên cơ sở phương hướng mà VCPMC đã đề ra, Cục Bản quyền tác giả mong muốn trung tâm phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế nhằm tạo cơ sở cho việc bảo vệ hiệu quả quyền lợi hợp pháp của các hội viên; tạo niềm tin để ngày càng nhiều tác giả, chủ sở hữu tác phẩm tin tưởng ủy thác.

Báo cáo của VCPMC tại hội nghị cũng cho hay trung tâm đang gặp phải rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cấp phép ở cả lĩnh vực nhạc sống và nhạc nền.

Ông Đinh Trung Cẩn: Năm qua, VCPMC đã chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả liên quan hơn 68 tỉ đồng. Ảnh: V.THỊNH

Cụ thể trong lĩnh vực, loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền (sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua bản ghi âm, ghi hình, các phương tiện truyền tải… tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, siêu thị, cửa hàng…), nhiều đơn vị sử dụng đến nay vẫn né tránh, chưa tự nguyện, tự giác thực hiện.

Đối với lĩnh vực “midi karaoke” (giao diện số hóa nhạc cụ karaoke), một số doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm (do công nghệ thay đổi) nên xảy ra tình trạng hợp đồng bị chậm thanh toán, nợ đọng hoặc phải thanh lý sản phẩm trước thời hạn. Nhiều vụ việc đã phải đưa ra giải quyết tranh chấp tại tòa và thông qua các phiên hòa giải để giải quyết tranh chấp hợp đồng về chậm thanh toán.

Ký kết hợp đồng với Facebook

Một trong những lĩnh vực được VCPMC đề cập là vấn đề bản quyền trên môi trường trực tuyến, cụ thể là YouTube. Trong đó, về sử dụng âm nhạc trên mạng xã hội Facebook, VCPMC đã đàm phán thành công và ký kết hợp đồng với Facebook về việc sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay trung tâm đang tiến hành đối soát dữ liệu tác phẩm âm nhạc được sử dụng trên Facebook, dự kiến sẽ tiến hành phân phối đến tác giả thành viên vào kỳ chi trả quý II-2020.

Ngoài ra, VCPMC cũng dẫn ra quy định bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn theo Nghị định số 142/2018/NĐ-CP đã ảnh hưởng đến công việc cấp phép sử dụng quyền tác giả/tác phẩm âm nhạc ở lĩnh vực biểu diễn.

“Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn đã tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, hoặc lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền nhuận bút, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua, điển hình ở các show diễn quy mô lớn và có doanh thu/giá vé cao” - đại diện VCPMC cho biết.

Năm 2020, VCPMC sẽ áp dụng triệt để các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, VCPMC khởi kiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các trường hợp cố ý làm trái quy định về nghĩa vụ “xin phép và trả tiền” khi sử dụng quyền tác giả. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm