Thổi hồn vía vào mỗi con đường, góc phố

Lâu lắm, tuần vừa rồi tôi mới lại bắt xe ôm đi làm. Lộ trình từ nơi đón xe tới cơ quan là Quốc lộ 1A, vòng chân cầu Tân Thới Hiệp tới đường Lê Đức Thọ, quẹo phải sang Lê Văn Thọ, đi tiếp Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Bạch Đằng, Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn…

Nơi giao nhau giữa hai đường Quang Trung - Thống Nhất.

Mười năm, người mới nhưng tư duy cũ

Người lái xe khoảng 60 tuổi có lẽ là dân Nam Bộ chính gốc, ông cua những đường cua rõ hào sảng, phóng như gió những khúc vắng người và thình lình đạp thắng cái “khực” mỗi lúc xuất hiện tín hiệu đèn đỏ tại mỗi giao lộ. Ông cũng hay nói chuyện và trong số những câu chuyện ấy, tôi hỏi về tên những đường phố…

“Bác ơi, có đường nào trong thành phố mà bác chưa đi tới không?” – Trả lời rất tự tin “Đường, hẻm nào cũng đi hết rồi!”  - “Vậy tên các đường phố bác nhớ hết không?” – Trả lời “Không đường nào là không thuộc, anh cứ nói khu vực rồi tôi đọc cho nghe” – “Vậy bác có biết những nhân vật hoặc địa danh mà những đường ấy được gắn tên có lịch sử sao không?”…

Hướng chạy tới công viên Hoàng Văn Thụ, ra sân bay Tân Sơn Nhất.

Đường thoáng, cũng không có đèn đỏ nhưng tôi lãnh một cú đạp thắng thót tim cùng lời gắt thiếu kiềm chế “Hỏi kỳ zậy!”.

Tới khi bình tĩnh, người đàn ông Nam Bộ đều tay ga, ngửa mặt lên trời cười “chữa ngượng”, nói “Không biết! đi đường thì chỉ nhớ đường thôi, băn khoăn chi mấy chuyện gốc gác…”

Ý kiến của bác giống đến từng dấu ngắt nghỉ so với câu trả lời của mấy bạn sinh viên hồi năm 2006, khi tôi có ý định thực hiện một đề tài trong môn Phương pháp nghiên cứu Xã hội học.

Nhiều người chỉ coi tên đường như một sự chỉ dẫn vị trí.

Hãy để những con đường tự kể chuyện

Tôi có ý nghĩ rằng tại điểm đầu của mỗi đường phố, thay vì những tấm bảng đơn thuần mang tính xác định vị trí, nếu cơ quan chức năng điền thêm một số thông tin cơ bản nữa thì hay biết mấy.

Ví như tên danh nhân (như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Linh, Văn Cao…) nên có đôi dòng giới thiệu thân thế sự nghiệp, thành tích, những đóng góp cho xã hội của họ. Tên địa danh (Trường Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa…) cần những thông tin về đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử gắn với những địa danh đó. Tên sự kiện (30-4, Thống Nhất, Bạch Đằng, Chi Lăng…) cũng nên có những giải thích tương tự.

Với mỗi con đường, góc phố đặt những bảng hoặc trụ bê tông ghi dấu ấn của những tên đường tên phố đó dù tốn ít nhiều kinh phí nhưng những lợi ích mang lại rất lớn.

Mỗi tên đường, tên phố đều có những câu chuyện ý nghĩa.

Thứ nhất, về nhận thức, đây là một cách cung cấp kiến thức giáo dục nơi công cộng hiệu quả. Người tham gia giao thông qua những đường phố ấy không ít thì nhiều sẽ chú ý, việc lặp lại mỗi ngày như thế sẽ ghi vào trí nhớ mà không cần phải học lại qua trường lớp hoặc mày mò tra cứu thư viện.

Thứ hai, những người ở khu vực đó cũng có niềm tự hào vì tên danh nhân, sự kiện nơi mình đang sống. Điều này có lẽ sẽ góp phần khiến họ nâng niu, chung tay giữ gìn văn hóa và giới thiệu với khách về nơi mình ở.

Thứ ba, nó giúp bộ mặt đô thị có bản sắc riêng, độc đáo và nên thơ. Du khách hoặc bất cứ người dân nào dù đi xe hay tản bộ đều sẽ thú vị với cách làm của chính quyền. Họ sẽ thấy những đường phố mang tên danh nhân, sự kiện, địa điểm đó được vinh danh một cách nghiêm túc, đầy trân trọng.

Với ít nhất ba lý do trên, nên chăng chúng ta cần một cuộc đổi mới về tư duy đặt tên đường? Làm như vậy, tin rằng là một cách thổi hồn vía vào mỗi con đường góc phố.

Hãy để cả những cây cầu tự kể chuyện về mình.

Và với điều ấy, chúng ta không lãng phí một tài nguyên lớn về kiến thức lịch sử, tri thức văn hóa nghệ thuật cũng như cách thức tạo ra cho địa phương mình những nét riêng lôi cuốn.

Biến những tấm bảng có phần vô cảm, chỉ đơn thuần mang tính xác định vị trí thành những câu chuyện sinh động là một cách ứng xử khoa học, văn minh với đô thị… Mong lắm thay…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm