Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Huế

 

Theo thông báo từ Làng Mai, Thiền sư Nhất Hạnh đã viên tịch tại Chùa Từ Hiếu- nơi Người đã xuất gia cách đây tám mươi năm. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế, là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới.

Thiền sư là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire, do ông viết. 

Thiền sư Nhất Hạnh. Ảnh: Trang Làng Mai 

Cuối năm 2014, thiền sư trải qua một cơn xuất huyết não và phải nhập viện ở Pháp trong hơn 4 tháng. 

Sau khi phục hồi, thiền sư từ Pháp đến tịnh dưỡng tại Trung tâm tu học Làng Mai ở Thái Lan. Năm 2017, thiền sư trở lại Việt Nam và thăm chùa Từ Hiếu. Ngày 28-10-2018, thiền sư từ Thái Lan trở về ngôi chùa này tịnh dưỡng và chia sẻ ý nguyện muốn sống tại đây cho đến ngày viên tịch.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu. Ông dặn các đệ tử của mình: "Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".

Đến tháng 12-2019, thiền sư Thích Nhất Hạnh rời chùa Từ Hiếu đến Làng Mai (Thái Lan) tịnh dưỡng. Và ngày 4-1-2020, thiền sư trở về chùa Từ Hiếu (TP Huế) trong sự chào đón của các tăng ni, Phật tử và người dân.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Huế sau một tháng ở Thái Lan - ảnh 2

Sau khi tịnh dưỡng tại Thái Lan, thiền sư Thích Nhất Hạnh về Huế. Ảnh: NGUYỄN DO

Phật tử về chùa Từ Hiếu mừng thọ tuổi 93 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Nguyễn Do 

Nhân dịp ngày tiếp nối (sinh nhật) lần thứ 95 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (11-10-2021), trang Làng Mai có thông báo, cho biết sức khỏe của Thiền sư có suy yếu theo thời gian nhưng vẫn bình an.

“Trong những tháng gần đây, Sư Ông nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng vẫn rất tỉnh giác, bình an. Những ngày đẹp trời, các vị thị giả đưa Sư Ông ra ngồi chơi ngoài hiên thất Lắng Nghe để Sư Ông sưởi nắng và ngắm cảnh thiên nhiên xung quanh chùa Tổ”, thông báo cho biết.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được các thị giả đưa dạo quanh chùa Từ Hiếu trong những ngày nắng đẹp - Ảnh: Làng Mai

Tiểu sử của thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11-10-1926 tại tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông theo học ở chùa Từ Hiếu và trở thành một tu sĩ Phật giáo vào năm 16 tuổi.
Theo thông tin từ Làng Mai, thiền sư Thích Nhất Hạnh, theo học Phật học đường Báo Quốc (Huế) vào năm 1947. Năm 1949, rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh, một trong nhiều bút hiệu của Thiền sư. Đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Huế ảnh 5
Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Paris, Pháp năm 1975. Ảnh tư liệu

Năm 1954: Tổng Hội Phật Giáo giao trách nhiệm cải cách giáo dục, làm Giám học Phật Học Đường Nam Việt. Năm 1955, làm chủ bút Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam.
Năm 1961 - 1963, tham học, nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Hoa Kỳ. Sáng tác đoản văn "Bông Hồng Cài Áo".
Năm 1964, được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối. Làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Viện Hóa Đạo.
Năm 1965, thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Năm 1966, thành lập Dòng tu Tiếp Hiện.
Ngày 1-5-1966, làm trụ trì chùa Từ Hiếu. Ngày 11-5-1966, rời Việt Nam kêu gọi Hòa bình, bắt đầu 39 năm sinh sống ở nước ngoài. Năm 1967, được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình.
Năm 1968 – 1973, vận động hòa bình cho Hội nghị Hòa bình Paris (1968-1973). Trong thời gian này, được mời dạy môn "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" tại trường đại học Sorbonne, Pháp Quốc và soạn Việt Nam Phật giáo Sử luận 3 tập với bút hiệu Nguyễn Lang.
Tháng 5 năm 1970, tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Menton về vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Cùng các cộng sự gặp ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và được ông cam kết yểm trợ.
Năm 1971, thành lập Phương Vân Am, Paris. Năm 1982, thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp. Năm 1998, thành lập Tu viện Thanh Sơn, Hoa Kỳ; năm 2000, thành lập Tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ.
Từ năm 2008, thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu, Đức; Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan, Hoa Kỳ; Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris; Làng Mai Thái Lan; Viện Phật học Ứng dụng Châu Á, Hong Kong; Tu viện Nhập Lưu, Úc; Ni xá Diệu Trạm, Ni xá Trạm Tịch, Việt Nam, tiếp tục mở rộng công trình hoằng pháp và xây dựng Tăng thân trên khắp thế giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Huế ảnh 6

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thời điểm trở về chùa Từ Hiếu, tháng 10-2018. Ảnh: ND
Tháng 10 năm 2018, trở về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu cho đến ngày qua đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm