Thẻ hành nghề: Kẻ ngóng người chê

Bộ VH-TT&DL vừa công bố dự thảo thông tư quy định chi tiết việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Theo lộ trình, dự thảo sẽ lấy ý kiến đến hết ngày 6-3 và sẽ hoàn thành cấp thẻ cho ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu… vào ngày 31-3-2017.

Theo dự thảo thông tư này thì người được cấp thẻ mới được quyền tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và được nhận thù lao bằng tiền hoặc các quyền lợi vật chất khác.

Bên cạnh đó, người có thẻ được tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ, khả năng chuyên môn do cơ quan quản lý tổ chức; được hưởng các quyền lợi về vật chất và tinh thần theo luật định.

Như vậy, có thể hiểu người không có thẻ hành nghề sẽ không được tham gia biểu diễn, trình diễn.

Người mẫu ngóng

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, từng trả lời Pháp Luật TP.HCMvà các báo về lý do Cục vẫn muốn đưa ra thẻ hành nghề bởi “đây là việc làm cần thiết để chấn chỉnh đời sống hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang có những diễn biến phức tạp”.

Có cần thiết hay không một tấm thẻ hành nghề cho lĩnh vực biểu diễn? Trong khi hiện tại không có thẻ hành nghề nếu nghệ sĩ vi phạm vẫn có những chế tài phù hợp như phạt hành chính, cấm biểu diễn…

Với lĩnh vực người mẫu, nhiều người mẫu và đơn vị tổ chức lại đồng thuận với việc cần thiết cấp một thẻ hành nghề. Bởi “ở các nước nghề người mẫu thường thông qua các đơn vị agency (đơn vị cung cấp dịch vụ) và các người mẫu được đảm bảo mức sống với hợp đồng làm việc đàng hoàng. Còn ở Việt Nam nghề người mẫu vẫn tự phát, các agency cũng không có kết nối nên nhiều khi xảy ra tình trạng người mẫu tự nhận sô và phá giá sô diễn hay nhiều tiêu cực khác… Khi xảy ra kiện tụng thì các người mẫu cũng không biết bấu víu vào đâu để giải quyết cho mình. Thế nên để giải tỏa được các hiện trạng đó không cách nào khác là cấp thẻ hành nghề” - siêu mẫu Lan Khuê nói.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thanh Thảo, siêu mẫu Lan Khuê và ca sĩ Nguyễn Hải Yến (từ trái sang) đều có những tâm trạng khác nhau trước dự thảo thẻ hành nghề. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Tổng Giám đốc Elite Việt Nam, công ty chuyên nắm bản quyền các cuộc thi hoa hậu quốc tế, cung cấp người mẫu… cho rằng: “Ở Việt Nam chuyện thẻ hành nghề vào thời điểm này là cần thiết. Hiện tại người mẫu hỗn loạn không ai quản lý, xưng danh tùm lum… Một trong những bước đầu tiên cần giải quyết là cấp thẻ hành nghề. Bởi ít nhất chúng ta có một cửa kiểm tra là hồ sơ, có xét duyệt… Để từ đó trong quá trình làm việc còn có cân nhắc làm sao để không bị thu hồi thẻ.

Ca sĩ lắc đầu

Khác với người mẫu, giới ca sĩ không mặn mà lắm về chuyện này. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng: “Nếu có thẻ mà quản lý được thì tôi xin chúc mừng! Tôi vẫn còn tấm thẻ hồi xưa để ở nhà, sau khi cấp rồi hủy bỏ. Tôi không hiểu thẻ hành nghề để làm gì? Với hệ thống luật hiện tại tôi cho rằng đã đủ để quản lý nghệ sĩ. Nhìn xa hơn, nếu nghệ sĩ đó làm gì không phù hợp, chính khán giả là người tẩy chay họ đầu tiên. Một nghệ sĩ có scandal bị các báo nêu đích danh, hình ảnh, khán giả quay lưng… thì chưa cần phải rút thẻ hành nghề, nghệ sĩ đó cũng đã hết đường”.

Theo ca sĩ Thanh Thảo, bộ máy hiện nay của Cục và Sở đủ sức quản lý ca sĩ mà không cần tấm thẻ nào. Nếu phải cần đến thẻ thì thông tư cần quy định rõ hơn về các tiêu chí để được cấp thẻ.

Là ca sĩ tự do thành danh sau chương trình Vietnam Idol - Thần tượng âm nhạc Việt Nam, ca sĩ Nguyễn Hải Yến băn khoăn: “Hiện mỗi ngày xuất hiện hàng chục ca sĩ, mỗi cuộc thi lại hình thành một lứa nghệ sĩ khác nhau; mỗi khi họ tham gia một cuộc thi phát sóng trên cả triệu khán giả thì liệu có cần thẻ hành nghề nữa hay không bởi tên tuổi họ khẳng định từ khán giả và cuộc thi cũng là một bộ lọc ban đầu. Thực tế hiện nay, bất cứ hợp đồng biểu diễn nào cũng đã có đóng thuế, nghệ sĩ cũng có mã số thuế cá nhân… Tôi thấy không có tấm thẻ nào rõ ràng bằng hình ảnh của nghệ sĩ với khán giả”.

Trở lại sau 10 năm

Vấn đề cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ… đã từng được ấp ủ vào năm 1998-1999 để năm 2003 đưa vào thực hiện nhưng năm 2004 thì có quyết định bỏ việc cấp thẻ vì không hiệu quả. Đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL thực hiện lại việc cấp thẻ này.

Đại diện các sở văn hóa địa phương trong đó nổi bật là ý kiến của ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, từng cho rằng quản lý biểu diễn không nằm ở cái thẻ mà vấn đề nằm ở chỗ cơ quan quản lý xử phạt những sai phạm của nghệ sĩ khi xảy ra. Ông Nam nhiều lần khẳng định việc quản lý nhà nước với lĩnh vực hoạt động biểu diễn chỉ dựa trên nội dung từng chương trình biểu diễn để duyệt nội dung và cấp phép chứ không thông qua thẻ hành nghề để quản lý nhân thân và bản thân hoạt động của từng nghệ sĩ. Nếu không có thẻ thì đơn vị tổ chức, cá nhân nghệ sĩ sai phạm vẫn bị cơ quan quản lý thể xử phạt thật nặng, ra quyết định cấm diễn.

Dưới 13 tuổi vẫn được cấp thẻ

Một đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết người dưới 13 tuổi nếu đủ các điều kiện khác vẫn sẽ được cấp thẻ hành nghề vì về độ tuổi cấp thẻ, được căn cứ vào Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH quy định những công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc gồm: Diễn viên múa; hát; xiếc; điện ảnh; sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm