Thăng hoa sức trẻ trong phim tài liệu

Đây là bộ phim tài liệu dài nhất của đạo diễn Trí Tân từ trước đến nay và cũng là bộ phim đánh dấu sự miệt mài, kiên trì theo đuổi con đường làm phim tài liệu của đạo diễn này.

Trần Lý Trí Tân là cái tên khá xa lạ với khán giả thông thường bởi con đường anh chọn rất đỗi âm thầm với những bộ phim ngắn, phim tài liệu. 31 tuổi, nếu so với mặt bằng điện ảnh trong nước hiện tại, Trần Lý Trí Tân vẫn là một gương mặt của thế hệ đạo diễn trẻ.

Sáu năm và hàng chục bộ phim

Năm 25 tuổi (2007), Tân bắt đầu tập tành làm phim khi đang là sinh viên năm đầu tiên chuyên ngành đạo diễn của Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Lúc đó, anh đã tốt nghiệp hai ĐH về chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp và kiến trúc.

Sau sáu năm, “gia tài” làm phim của Tân đã khấm khá hơn với hơn chục phim ngắn, tài liệu ngắn: Mặt nạ, Bướm đêm, Sám hối, Con người, Cắt, Đứa bé nhìn thấy lửa, Điều kỳ diệu, Đánh cắp của kẻ cắp, Ẩn ngữ từ phôi pha, Miền xúc cảm… Trong đó bộ phim Sám hối (2007) do Tân biên kịch và đạo diễn đã nhận được bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim ngắn toàn quốc. Hai bộ phim CắtĐứa bé nhìn thấy lửa được trình chiếu ở Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế (VIFF) tại Mỹ năm 2009. Riêng phim Cắt (kinh phí thực hiện chỉ vẻn vẹn… 250.000 đồng) tiếp tục được mời tham gia Liên hoan phim châu Á ở San Diego (SDAFF). Phim Đứa bé nhìn thấy lửa còn được chọn trình chiếu tại hội thảo Asian Focus trong khuôn khổ Liên hoan phim sinh viên toàn thế giới diễn ra ở Pháp. Đây là một trong những phim tài liệu tạo dấu ấn của đạo diễn Trần Lý Trí Tân. “Đứa bé nhìn thấy lửa là chất xúc tác rất lớn để tôi tiếp tục vững tin hơn trong con đường làm phim tài liệu, bởi bản tính tôi vốn nhút nhát…” - Tân nói.

Thăng hoa sức trẻ trong phim tài liệu ảnh 1

Ca sĩ Thanh Phong trong bộ phim tài liệu Chúng ta cùng thăng hoa. Ảnh: NAM TÂN FILM

Cuối năm 2008, niềm vui lại đến với đạo diễn trẻ này ở cuộc thi sáng tác phim trẻ của Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức, khi kịch bản Điều kỳ diệu của anh lọt vào tốp 5 kịch bản xuất sắc nhất và là một trong ba kịch bản được tài trợ để làm phim.

Năm 27 tuổi, Tân tốt nghiệp ngành đạo diễn điện ảnh với bộ phim ngắn Điều kỳ diệu. Bộ phim này cùng phim Đánh cắp của kẻ cắp tiếp tục được VIFF chọn trình chiếu tại mùa liên hoan phim năm 2011. Niềm vui chồng chất với Tân trong năm 2011, khi cả hai bộ phim Điều kỳ diệuĐánh cắp của kẻ cắp được hãng Vagaev Filmproduktion GmbH của Đức mua bản quyền phát hành ở châu Âu. Hãng này cũng hỗ trợ kinh phí (khoảng 50%) cho dự án phim dài đầu tay của Tân với kịch bản Đò ôm. Tân cũng là gương mặt nhận được học bổng của Saigon Media tham dự Liên hoan phim Pusan (10-2011) do đạo diễn Phillip Noyce trao tặng.

Nhặt nhạnh ý tưởng từ cuộc sống

Theo lẽ thường, những đạo diễn trẻ sẽ chọn làm một số phim ngắn để “ghi danh”, từ bước đệm đó họ sẽ tiếp tục những dự án dài hơn là phim truyện điện ảnh. Nhưng Tân vẫn tiếp tục theo con đường phim tài liệu và nếu có phim truyện thì cũng là phim truyện theo phong cách tài liệu.

Từ ngày đầu làm phim cho đến giờ, những bộ phim của Tân đều nói đến những vấn đề đang hiện hữu trong xã hội. Dù phim buồn hay vui thì những câu chuyện, nhân vật trong phim luôn bền bỉ với những ước mơ, hoài bão riêng.

Ý tưởng để làm phim đến với Tân đôi khi rất bâng quơ. Đó có thể chỉ là tiếng rao “Bắp ế đây!” ngày ngày Tân vẫn gặp khi ngồi cà phê trong con hẻm nhỏ Sài Gòn. Từ tiếng rao, cuộc trò chuyện vẩn vơ mà hình thành kịch bản phim ngắn Bắp ế và giờ đã nảy nở thành kịch bản phim điện ảnh Tôi muốn về nhà. Hay từ những mảnh đời sống xung quanh dòng kênh Nhiêu Lộc, Tân đã làm nên kịch bản phim truyện Phế liệu với thông điệp: “Mỗi người trong cuộc sống đều có thể là một phế liệu, nếu không biết tự tái chế thì không tồn tại được”. Rồi kịch bản Đò ôm đến từ một phóng sự về những cô gái làm nghề lái đò chở khách từ bến tàu ra thuyền câu cá giải trí.

Cần cù, chịu khó. Tân từng miệt mài làm những bộ phim quảng cáo, phim tài liệu đặt hàng từ các đài truyền hình để vừa kiếm cơm vừa theo đuổi giấc mơ làm phim riêng cho mình.

Kể từ phim đầu tay đến nay, mỗi bộ phim của Tân lại tạo nên một cảnh đẹp trên dòng sông điện ảnh bền bỉ mà Tân theo đuổi. Hiện đạo diễn này đang một lúc “ôm” ba kịch bản và đều đang thực hiện: Đò ôm, Tôi muốn về nhàPhế liệu. “Cả ba bộ phim tôi làm theo kiểu phim truyện với phong cách kể tài liệu nên dòng chạy cảm xúc trôi chảy rất thực, rất tự nhiên...” - Tân nói về những đứa con sắp chào đời của mình.

Phim Chúng ta cùng thăng hoa và món quà cho Hoàng Himiko

Cuối năm 2010, khi nghệ sĩ Fuasi Abdul-Khaliq (Đức) đến Việt Nam thông qua Viện Goethe để chia sẻ tình yêu nhạc jazz với các nghệ sĩ Việt, Fuasi đã gặp Hoàng Himiko. Tân đã được theo từ đầu đến cuối dự án này để ghi hình và từ dự án mà có bộ phim Chúng ta cùng thăng hoa. Dự án kết thúc từ cuối năm 2010 nhưng đến hết tháng 8-2013 bộ phim tài liệu Chúng ta cùng thăng hoa mới hoàn thành.

Buổi ra mắt phim vào tối 27-9 ở ĐH Hoa Sen (TP.HCM), không ít khán giả đã rơi nước mắt khi thấy nghệ sĩ thị giác Hoàng Himiko ca rất hay bản Dạ cổ hoài lang trong phim và chứng kiến nghệ sĩ này sau tai nạn không phát âm được nay tập nói trở lại. Trong phim, Tân đã thay phần phỏng vấn Hoàng Himiko bằng một đoạn chữ: “Trong thời gian thực hiện bộ phim này, chị Himiko Nguyễn Kim Hoàng đã gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tuy may mắn vượt qua được nhưng có lẽ thế giới của chị không còn như trước kia nữa. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn tin rằng, dù ở thế giới nào đi nữa chị cũng sẽ thăng hoa cùng chúng tôi”.

___________________________________________

Thăng hoa sức trẻ trong phim tài liệu ảnh 2

Đạo diễn Trần Lý Trí Tân. Ảnh: NAM TÂN FILM

Chúng ta cùng thăng hoa dự định chiếu ở Viện Goethe (TP.HCM) trong tháng 10 này. Hiện đạo diễn Trần Lý Trí Tân cũng đang xin tài trợ để bộ phim có thể chiếu tại các trường ĐH TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Phim sẽ gửi tham dự một số liên hoan phim quốc tế có hạng mục phim tài liệu: Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế tại Mỹ, LHP Venice, LHP Cannes, LHP Pusan, LHP quốc tế Hà Nội…

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm