Tết này nghe gì, xem gì?

Tết, nếu không đi chơi xa, ở TP.HCM bạn có thể thong dong đến các điểm vui chơi, giải trí để thưởng lãm mà không sợ bị kẹt xe, ồn ào, khói bụi.

Đường hoa Nguyễn Huệ

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 mở cửa đón khách từ ngày 13-2 (28 tháng Chạp) đến ngày 19-2 (mùng 4 Tết).

Đường hoa năm nay có chủ đề Khát vọng vươn cao. Trên tổng chiều dài 720 m, đường hoa có nhiều linh vật, tiểu cảnh, đại cảnh được trang trí đẹp mắt, sinh động. Du khách đến đây mặc sức ngắm cảnh và… “seo phì”.

Linh vật Tết Mậu Tuất được lấy cảm hứng từ những chú chó Phú Quốc với tính cách nhanh nhẹn, thông minh, gan dạ trong tư thế chuyển động, đầu ngẩng cao, dáng chạy dũng mãnh.

Đặc biệt, năm nay đường hoa còn thêm sân chơi riêng cho trẻ em với đại cảnh Xuân trẻ thơ, có đoàn tàu gỗ chạy trên vùng đồi núi trùng điệp.

Xem bắn pháo hoa

Tết nguyên đán năm nay TP.HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại sáu điểm, trong đó có một điểm tầm cao và năm điểm tầm thấp.

Điểm bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn (phía quận 2). Năm điểm tầm thấp tại Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi), Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), Khu di tích lịch sử Láng Le-Bàu Cò (huyện Bình Chánh) và Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn).

Thời gian bắn pháo hoa từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 16-2. Ai ở chung cư mà lười đến tận nơi xem thì có thể lên sân thượng ngắm pháo hoa bừng sáng khắp bầu trời.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang trong quá trình hoàn thiện các công đoạn cuối cùng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân TP.HCM xem bắn pháo hoa tầm cao tại góc đường Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hội hoa xuân

Như mọi năm, Hội hoa xuân TP.HCM Tết Mậu Tuất vẫn được tổ chức tại Công viên Tao Đàn (quận 1). Thời gian diễn ra Hội hoa xuân là 12 ngày, bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng.

Hội hoa xuân được chia làm ba khu vực: Khu trưng bày triển lãm, khu phục vụ lễ hội và khu giới thiệu sản phẩm, quà lưu niệm. Khu trưng bày triển lãm năm nay có khoảng 3.000 hiện vật. Ngoài hoa, cây cảnh, đá cảnh, cá…, năm nay Hội hoa xuân còn có thêm khu trưng bày chim cảnh rất độc đáo.

Chợ hoa Tết

Năm nay, các chợ hoa Tết cấp TP được tổ chức từ ngày 8 đến 15-2 tại ba điểm chính là: Công viên 23-9, Công viên Gia Định, Công viên Lê Văn Tám.

Tại Công viên 23-9 có khoảng 663 lô tập trung mua bán các loại cây, hoa kiểng cao cấp. Công viên Gia Định có 666 lô; Công viên Lê Văn Tám có 253 lô.

Ngoài ra, còn có 125 điểm chợ hoa xuân được rải đều khắp các quận, huyện để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.

Lễ hội đường sách

Lễ hội đường sách TP.HCM dịp Tết Mậu Tuất được tổ chức tại các tuyến đường Ngô Đức Kế, Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi (quận 1) cùng thời gian diễn ra đường hoa Nguyễn Huệ. Với chủ đề Ươm mầm tri thức - Khát vọng vươn xa, lễ hội đường sách sẽ trưng bày, giới thiệu sách, tổ chức giao lưu tác giả, tác phẩm.

Ngoài ra, tại đây cũng sẽ trưng bày, giới thiệu những cuốn sách tư liệu về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển Sài Gòn-Gia Định-
TP.HCM 320 năm.

Công viên cá koi

Công viên cá koi Rin Rin Park ở huyện Hóc Môn là một trong những địa điểm chơi Tết đang rất nổi tiếng ở TP.HCM.

Công viên cá koi có diện tích hơn 20.000 m2, mang đặc trưng của sân vườn Nhật Bản. Trong công viên có hơn 4.000 tấn đá với màu sắc, hình dạng phong phú, sống động được chạm khắc tinh xảo, độc đáo. Quanh đó là những cây bonsai cổ thụ được tạo hình tinh tế, nhất là các cây vạn niên tùng quý hiếm có tuổi thọ hơn 700 năm được nhập từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất tại đây chính là hồ cá rộng chứa hơn 220 con cá koi được nhập từ Nhật Bản. Đây là loài cá được xem là linh vật của Nhật, thể hiện tinh thần dũng cảm, vượt qua mọi thử thách để vươn lên trong cuộc sống.

Bốn phim Việt và năm phim ngoại

Mùa Tết năm nay, các rạp ở TP.HCM sẽ chiếu bốn bộ phim Việt, gồm: 798Mười, Siêu sao siêu ngốVề quê ăn Tết và Đích tôn độc đắc. Cả bốn bộ phim đều chọn hài làm chủ đạo. Trong đó, Đích tôn độc đắc vẫn chơi “chiêu” cũ là tên tuổi của nghệ sĩ hài Hoài Linh cho mỗi mùa phim Tết.

Cạnh đó, các rạp cũng khởi chiếu năm phim ngoại gồm Tây du ký 3: Nữ nhi quốc, Truy lùng quái yêu 2, Peter RabbitEarly Man và Leo Da Vinci: Mission Mona Lisa (ba phim sau là phim hoạt hình).

Cải lương sáng đèn, diễn nguyên vở

Từ mùng 1 đến mùng 9 Tết, ba đoàn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thay phiên nhau biểu diễn tại rạp Hưng Đạo. Ngoài chương trình tổng hợp là các tiết mục ca cổ, ca cảnh, các trích đoạn nổi tiếng, ba đoàn cải lương thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ diễn những vở cải lương nguyên tuồng, gồm: Rễ quý, Đả chiến phá sông ngân, Phước Lộc Thọ, Tình yêu và tướng cướp, Ngày đó họ đều còn trẻ.

Riêng trong ngày 30 Tết, Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ biểu diễn tại Bến Dược, Củ Chi.

Sân khấu cải lương Lê Hoàng tại Nhà thiếu nhi Bình Thạnh (144 Đinh Tiên Hoàng, phường 1, quận Bình Thạnh) mùng 6 Tết diễn vở Tứ tử đăng khoa. Mùng 8 Tết, sân khấu này diễn chương trình Long phụng mừng xuân.

Kịch nói dồn dập vở mới

Các sân khấu kịch nói TP.HCM đều cho ra vở mới với nhiều màu sắc đa dạng. Từ mùng 1 đến mùng 9, các sân khấu đều tăng thêm mỗi ngày từ hai đến bốn suất diễn.

Kịch Hoàng Thái Thanh có hai vở mới: Sài Gòn có một ngã tư, Giấc mộng vàng son. Nhà hát Kịch TP.HCM có vở Hẻm nhỏ Sài Gòn. Kịch IDECAF diễn: Thám tử si tình, Bởi vì ta yêu nhau. Kịch Phú Nhuận có: Con trai của chồng tôi, Căn phòng câm lặng, Xác sống, Ngọc lan trong gió, Tám Thần Tài, Người lạ ơi. Kịch TKC có các vở: Game ơi là show, Hồn nữ mơ hoang, Thầy giáo ma, Chuyến đi tử thần. Kịch Thế Giới Trẻ - Sài Gòn Phẳng diễn: Bao giờ mẹ lấy chồng, Tình kỹ nữ, Thiên hà hội tụ, Sứ giả thiên đường...

Gala xiếc quốc tế tại TP.HCM

Từ mùng 1 đến 11 Tết, “Gala xiếc quốc tế 2018” và chương trình xiếc thú sẽ biểu diễn tại rạp xiếc ở Công viên Gia Định (mỗi ngày hai suất, vào lúc 17 giờ và 20 giờ).

“Gala xiếc quốc tế 2018” quy tụ hơn 50 nghệ sĩ xiếc tài năng đến từ các nước Nga, Mỹ, Ukraine, Mông Cổ và các tiết mục chọn lọc đoạt giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan xiếc quốc tế của các nghệ sĩ Việt Nam - Đoàn xiếc TP. Cạnh đó, chương trình còn có xiếc thú do Đoàn xiếc thú Hồng Lộc biểu diễn với các loại thú: chó, gấu, khỉ, cá sấu, dê, mèo.

Những điểm vui Tết ở Hà Nội

Ngắm pháo hoa: Tết nguyên đán năm nay Hà Nội có 31 điểm bắn pháo hoa, trong đó có chín điểm bắn tầm cao (hồ Hoàn Kiếm, hồ Ngọc Khánh, bán đảo hồ Hoàng Cầu, Công viên Thống Nhất, vườn hoa Lạc Long Quân, hồ Văn Quán, Công viên Thành Tích - Mỹ Đình, hồ Harmony - Long Biên và Thành cổ Sơn Tây) và 22 điểm bắn tầm thấp.

Thời lượng bắn pháo hoa là 15 phút, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 đêm giao thừa.

Chợ Tết phố cổ: Phiên chợ Tết ở phố cổ với đồ trang trí, hoa đào, hoa mai trải dọc suốt các con phố từ Hàng Chai, Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Cót… Không gian chật hẹp nhưng chợ hoa ở phố cổ vẫn có những nét riêng đặc sắc như người bán chủ yếu cầm trên tay những cành đào phai, đào bích. Ngoài ra, phố cổ còn có khu Hàng Mã nhộn nhịp không khí xuân, ngập trong các sắc màu rực rỡ với đèn trang trí Tết, bao lì xì, lồng đèn...

Bảo tàng Dân tộc học: Nhiều hoạt động vui chơi, sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian gắn liền với các phong tục đón Tết, mừng năm mới của các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại đây như ném còn, ném pao, ném quay, đi goòng sẽ diễn ra.

Về đất Phật: Từ mùng 6 Tết, bạn có thể đi trẩy hội ở chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Chùa Hương không chỉ linh thiêng mà còn có cảnh đẹp mê hồn. Lưu ý nhỏ: Do lượng khách hành hương về chùa Hương rất đông nên giá dịch vụ cũng tăng cao; khách cần bảo quản đồ của mình cẩn thận để đề phòng móc túi.

Nơi bắn pháo hoa có nhạc nước

Một điểm đến mới nhất ở quận 7, Nhà Bè, TP.HCM là lễ hội Phượng hoàng mùa xuân tại khu đô thị mới Kenton Node Hotel Complex (116A Nguyễn Hữu Thọ, Nam Sài Gòn). Đây cũng là điểm bắn pháo hoa dịp giao thừa duy nhất có màn trình diễn cùng nhạc nước. Suốt từ 26 tháng Chạp đến 10 tháng Giêng, lễ hội Phượng hoàng mùa xuân còn có chuỗi sự kiện Tết thần tiên với các trò chơi dân gian, thiếu nhi, biểu diễn nghệ thuật đường phố…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm