"Tây du ký" và nghị lực của đạo diễn Dương Khiết

Dương Khiết sinh năm 1929 ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Bà kết hôn với nhà quay phim của Tây du ký là Vương Sùng Thu. Năm 2012, nhân dịp xuất bản cuốn sách Đường đi ở phương nào?, đạo diễn Dương Khiết cùng chồng trả lời phỏng vấn trên Hsw, kể một số câu chuyện thời quay phim Tây du ký. Khi trả lời, Vương Sùng Thu gọi vợ là “Đạo diễn Dương” còn Dương Khiết (lúc đó 83 tuổi), gọi chồng là “Ông Vương”.

Cơ hội vàng làm phim Tây du ký

Dương Khiết đam mê tác phẩm văn học cổ điển từ nhỏ. Bà đọc Tây du ký lần đầu năm lên tám. Lúc đó, cô bé Dương Khiết đã đọc xong Hồng lâu mộng và thuộc nhiều đoạn về Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm. Bố của Dương Khiết yêu cầu con gái đọc sách về cách mạng, không cho đọc tiểu thuyết. Bàn đọc của bố và của Dương Khiết đối diện nhau. Lúc bố cặm cụi viết lách, Dương Khiết lén đọc tiểu thuyết mình thích. Cứ như vậy, cô bé đọc hết tứ đại danh tác với bao lần rớt nước mắt vì Lâm Đại Ngọc. Trước câu hỏi: “Nếu được chọn, bà sẽ quay Hồng lâu mộng hay Tây du ký, nữ đạo diễn khẳng định: “Tôi nhất định làm Hồng lâu mộng. Nhưng mà hồi đó được làm phim truyền hình là đã mãn nguyện rồi”.

"Tây du ký" và nghị lực của đạo diễn Dương Khiết ảnh 1

Nữ đạo diễn thế hệ đầu tiên Trung Quốc - Dương Khiết.

Hồi nhỏ, Dương Khiết không đến trường, bà được bố dạy học. Bà cũng không được theo học một trường lớp chính quy nào về làm phim. Qua quá trình mày mò tự học, bà học hết tài liệu của Học viện Điện ảnh.

Đầu thập niên 1980, phim truyền hình còn là thứ xa xỉ, lạ lẫm đối với người Trung Quốc. Lúc bấy giờ, Dương Khiết là đạo diễn bộ môn nghệ thuật Hý khúc. Một hôm, bà nói với chủ nhiệm Ban Văn nghệ dài truyền hình Trung ương về ý muốn làm phim truyền hình, vị này nói: “Cô muốn dựng phim truyền hình? Thôi, cứ để các đạo diễn có chuyên môn làm đi”.

Tuy nhiên đến tháng 11/1981, lãnh đạo cấp cao đài truyền hình bất ngờ nói với đạo diễn: “Dương Khiết, nếu để cô quay Tây du ký, cô dám nhận không?”.

Dương Khiết rất bất ngờ trước lời đề nghị đột ngột nhưng hiểu rõ ý nghĩa công việc, bà nhận trách nhiệm này. Lúc đó, Nhật Bản đã làm phim Tây du ký, lãnh đạo đài nói chỉ cần làm hay hơn Nhật Bản là tốt rồi. Dương Khiết rắn rỏi đáp: “Lãnh đạo, yêu cầu của anh thấp quá”.

Quá trình làm phim và bản lĩnh của nữ đạo diễn

Sức khỏe của Dương Khiết không tốt. Từ năm 24 tuổi, bà đã phải làm phẫu thuật vì mắc bệnh về phổi. Tuy nhiên khi làm việc, Dương Khiết quên mình. Những điều đã nói bà quyết định làm cho được.

"Tây du ký" và nghị lực của đạo diễn Dương Khiết ảnh 2

Đoàn làm phim Tây du ký.

Vương Sùng Thu nhận xét vợ ông là một đạo diễn nghiêm khắc: "Sáu năm quay phim, người trong đoàn nhiều vô kể. Nếu bà ấy không nghiêm khắc, làm sao quản lý nổi cả đoàn”. “Để đóng Tây du ký, đoàn đi khắp mọi miền non nước của tổ quốc. Du lịch lúc đó đâu có như bây giờ, có nơi còn không có nhà nghỉ. Lúc đến núi Thanh Thành, chúng tôi ở một nơi xứng đáng gọi là khu ổ chuột. Chuột ở đấy nhiều lắm, mỗi ngày mọi người đều phải nghe tiếng chuột rục rịch…". Nhà quay phim giải thích, mục đích tới nhiều nơi lấy cảnh quay là để những địa danh nổi tiếng Trung Quốc hòa quyện cùng Tây du ký. Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, có người nói với lãnh đạo Đài truyền hình: “Đoàn phim Tây du ký lợi dụng cơ hội đi ngao du hưởng thụ khắp nơi”.

Ông Vương Sùng Thu kể thêm, hồi đó có đồng nghiệp nghĩ theo đoàn làm phim được du ngoạn nhiều liền chủ động xin làm chân chiếu sáng. Nhưng theo được vài ngày, người này không chịu nổi phải đi về.

"Tây du ký" và nghị lực của đạo diễn Dương Khiết ảnh 3

Vợ chồng đạo diễn Dương Khiết.

Trong đoàn làm phim, người tranh luận nhiều nhất với Dương Khiết là Vương Sùng Thu. Có lúc hai người tranh cãi đến đỏ mặt tía tai. “Tranh cãi kịch liệt đến mấy, cuối cùng tôi cũng phải phục tùng đạo diễn”. Nói đến đây, ông Sùng Thu cười thật to còn bà Dương Khiết nói: “Có lúc tôi rất ghê gớm. Đã quyết định rồi thì không gì thay đổi được. Những lúc tranh cãi đều là ông ấy đuối lý. Lão Vương có lúc cũng đóng góp nhiều ý kiến hay và tôi tiếp thu. Còn nếu ý kiến của ông ấy mâu thuẫn với tổng thể phim mà tôi vạch ra, tôi sẽ không đồng ý. Cuối cùng thì ông ấy cũng phải nghe tôi”.

"Ở trường quay, nhà quay phim phải nghe đạo diễn, thế còn ở nhà ai nghe ai?", Vương Sùng Thu đáp: “Ở nhà vẫn phải nghe bà ấy, chẳng có cách nào khác”, ông lại cười lớn.

Sáu năm làm phim, đoàn Tây du ký không có một ngày nghỉ. Để vỗ về, an ủi mọi người, Dương Khiết quản lý cả đoàn theo cách người nhà cư xử với nhau. Bà tổ chức sinh nhật cho nhân viên, cùng mọi người đón lễ tết… Những lúc nghỉ ngơi, bà cố sắp xếp để mọi người được thảnh thơi, nhẹ nhõm. Hành lý của cả đoàn chất trên 7 - 8 chiếc ôtô, mỗi lần đến địa điểm mới, Dương Khiết cùng tất cả nhân viên tự chất đồ, bê đồ, không phân biệt cao thấp… “Hồi đó tinh thần phấn chấn, vui vẻ, ai nấy theo đuổi nghề nghiệp một cách vô tư, kiên trì, say mê. Không giống diễn viên bây giờ, ra đến cửa là có vệ sĩ, trợ lý. Nếu bây giờ bảo một diễn viên ở trong đoàn làm phim sáu năm, có lẽ không ai dám nghĩ đến”, ông Vương Sùng Thu nói.

"Tây du ký" và nghị lực của đạo diễn Dương Khiết ảnh 4

Dương Khiết (giữa) và Vương Sùng Thu (bìa trái) bàn cảnh quay với Lục Tiểu Linh Đồng - một trong những bức ảnh hiếm hoi về thời làm Tây du ký mà Dương Khiết giữ lại được.

Vấn đề quản lý tiền bạc đặc biệt quan trọng. Tất cả chi tiêu đều được yêu cầu trình bày rõ ràng. Đạo diễn Dương Khiết nhiều lần mâu thuẫn với chủ nhiệm sản xuất. Cách suy nghĩ vấn đề của các chủ nhiệm không giống của đạo diễn.

Dương Khiết yêu cầu cao cả về nội dung và nghệ thuật, bà không muốn vì tiết kiệm tiền mà ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Trong khi đó chủ nhiệm sản xuất chủ chương tiết kiệm triệt để. Trong một cảnh cháy chùa, đạo diễn muốn đốt cháy cả mô hình chùa lớn còn chủ nhiệm sản xuất muốn đốt... giấy. Cãi nhau lên xuống, lãnh đạo đài quyết định để Dương Khiết kiêm luôn công việc chịu trách nhiệm sản xuất.

Lúc đóng Tây du ký, điều làm Dương Khiết cảm thấy khó khăn nhất là khâu kỹ xảo. Thời đó, phương thức chế tác phim còn thô sơ, lạc hậu.

Những trăn trở khôn nguôi

Nữ đạo diễn không giữ nhiều ảnh thời làm phim để làm kỷ niệm cho mình. “Lúc đó chúng tôi có một nhân viên chuyên chụp ảnh. Sau đó anh ta rời khỏi đoàn, mang theo ảnh của chúng tôi. Tôi chẳng giữ được mấy tấm”, bà nói với giọng tiếc nuối.

Hiện nay vẫn có nhiều đoàn làm phim dựng lại Tây du ký. Dương Khiết cho biết bà không quá quan tâm đến điều này. “Tôi xem bản Tây du ký của Trương Kỷ Trung. Hồi đóng phim này, Lục Tiểu Linh Đồng và Trương Kỷ Trung cãi nhau rất kịch liệt vì nhiều vấn đề xoay quanh nội dung phim. Tác giả nguyên tác qua đời, tôi cũng không có quyền khuyên bảo người khác, can thiệp công việc của người khác. 100 đạo diễn làm Tây du ký thì có 100 bản khác nhau. Cách nhìn nhận duy nhất của tôi là, danh tác cổ điển là tinh hoa văn hóa, chúng ta cần thận trọng khi xử lý tác phẩm. Đừng sửa bừa bãi, đừng thêm nội dung một cách thiếu căn cứ”.

Những năm gần đây, Dương Khiết hạn chế trả lời phỏng vấn báo chí. “Điều đáng nói nhất về đoàn Tây du ký là, ở thời đó, những người làm phim không sợ khó, chẳng sợ khổ, ai ai cũng có tinh thần xả thân vì phim. Còn những thứ khác đã nói nhiều quá rồi, không cần nhắc lại nữa”.

"Tây du ký" và nghị lực của đạo diễn Dương Khiết ảnh 5

Bìa cuốn hồi ký Đường đi ở phương nào? của đạo diễn Dương Khiết.

Hơn 25 năm qua, Tây du ký chưa bao giờ khiến người xem nhàm chán. Có diễn viên gắn liền tên tuổi với tác phẩm này, trong đó tiêu biểu nhất là Lục Tiểu Linh Đồng. “Linh Đồng từng nói muốn vượt qua ảnh hưởng của nhân vật Tôn Ngộ Không nhưng không có cách nào khác. Linh Đồng không thể thoát nổi. Tôn Ngộ Không đã ngấm vào máu thịt ông ấy”, Dương Khiết bình luận.

Hiện nay nữ đạo diễn chuyên tâm viết sách. Cuốn sách xuất bản năm 2012 có tên Đường đi ở phương nào? (cùng tên bài hát chủ đề phim Tây du ký). Cuốn tự truyện tiếp theo (chưa xuất bản) có tên ban đầu là “80 năm sóng gió”. Dương Khiết vốn chỉ định in 50 cuốn tặng những người thân thiết nhất. Sau đó có đại diện nhà xuất bản tìm đến, mong được ấn hành sách rộng rãi.

Theo Vnexpress

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm