Tấc lòng của một luật sư suốt đời phụng sự công lý

21 năm trước ở Phan Thiết (Bình Thuận) có một ông nông dân sau phiên xử, nghĩ mình bị oan đã lặng lẽ ra tượng đài Chiến Thắng chỗ ngã ba Trần Hưng Đạo-Nguyễn Tất Thành. Ông ngồi nghỉ ngơi một lát rồi mở cái túi mang theo, lấy ra một chai thuốc trừ sâu uống cạn.

Luật sư Trần Công Ly Tao (trái) trong một chương trình giao lưu trực tuyến do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức.

Đám tang sơ sài, mộ chôn bên bìa rẫy thanh long. Hồi đó báo Pháp Luật TP.HCM còn nghèo lắm. Nhưng hay tin, ông Nam Đồng, Tổng Biên tập báo khi đó, alô ngược xuôi cho bạn bè, góp tiền rồi ra xây cho ông ấy nấm mộ.

Một năm sau, ở Đầm Dơi (Minh Hải) có vụ giết người, hiếp dâm. Nghi can là cháu họ của một quan chức trong cơ quan pháp luật. Bức xúc vì tòa bỏ lọt tội phạm, người nhà quật mồ bé gái nạn nhân lên kêu oan. Báo Pháp Luật TP.HCM cử một nhóm phóng viên bám theo vụ này suốt hai năm, cho đến khi hung thủ bị bắt quy án.

Tự tử hay quật mồ là sự phản kháng tận cùng của người cùng khổ, thấp cổ bé họng trong thế bất lực. Họ làm vậy để mong nỗi oan của mình đánh động được lương tri xã hội và những người nắm cán cân công lý. Tuy nhiên, nếu có ai đó bên cạnh họ, cho họ một điểm tựa, những phản kháng ở mức ấy sẽ không cần thiết phải xảy ra.

Tấc lòng của một luật sư suốt đời phụng sự công lý ảnh 2
Cuốn sách Tấc lòng của luật sư Trần Công Ly Tao.

Sau hai vụ trên, chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí của báo Pháp Luật TP.HCMra đời. Với 70 luật sư cộng tác, tư vấn hoàn toàn miễn phí cho mọi đối tượng và chọn lựa những vụ án để trợ giúp, nhiều oan khiên đã được cởi.

Phó chủ nhiệm chương trình là một ông luật sư già: Luật sư Trần Công Ly Tao. Ông là một luật sư của Tòa thượng thẩm Huế từ trước giải phóng nhưng ngày đầu thành lập Đoàn Luật sư TP.HCM (năm 1995), ông là người nhận cãi nhiều nhất các vụ án chỉ định với thù lao tượng trưng để trợ giúp người nghèo. Mấy chục năm làm nghề, ông vẫn giữ tâm nguyện của một người "phụ tá công lý" như khi theo học Luật khoa ngày còn trẻ.

Năm 1998, ở Sóc Trăng có ba nông dân người Khmer bị xử tội giết người, hiếp dâm đó là Kim Lắc, Trần Lắc Lil và Thạch Ngọc Tấn. Thấp cổ bé họng không biết kêu ai, họ tưởng đã tàn đời trong lao hoặc xanh cỏ. Chính luật sư Trần Công Ly Tao đã lặn lội cùng đồng nghiệp bên cạnh họ để tìm công lý. Chín năm sau, cả ba đều được tuyên không phạm tội. Nhìn gia đình các bị cáo ngày nào nay đã trung niên, có vợ con và cuộc sống ổn định, ông vui như chính mình được hồi sinh.

Sau bao nhiêu trăn trở, ông thể hiện trong hơn 80 bài viết đã được đăng tải trên các báo, tạp chí in trong tập ghi chép Tấc lòng. Tấc lòng được chia thành ba phần chính: Luật sư và nghề nghiệp; Những vụ án dư luận quan tâm Chuyện đời thường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm