Tác giả 'Nợ nước mắt' - nhà văn Trang Thế Hy đã ra đi

Lễ viếng bắt đầu lúc 9 giờ hôm nay và lễ động quan lúc 12 giờ 30 ngày 10-12. Linh cữu nhà văn được đưa đi an táng tại đất nhà.

 Nhà văn Trang Thế Hy

Nhà văn Tranh Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29-10-1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Ông tham gia Cách mạng từ trẻ, từng tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng tám 1945 tại Bến Tre. Hoạt động cách mạng, song ông vẫn viết văn viết văn, viết báo tại Sài Gòn trước 1975 với các bút danh: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm.

Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hiện là chủ tịch danh dự Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre).

Nhà văn Trang Thế Hy, nhà thơ-soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà và nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Họ đã ra đi nhưng tác phẩm thì... ở lại trong lòng bạn đọc. Ảnh: Trần Hoàng Nhân

Văn nghệ sĩ về Bền Tre luôn tìm đến nhà chú Tư Sâm để hàn huyên, nghe ông già kể chuyện đời, chuyện nghề. Họ thích tính cánh đặc trưng Nam Bộ khi ông tuyên bố thẳng thừng “đi chỗ khác chơi” với tinh thần y hệt tuyên ngôn của một nhân vật trong truyện ngắn của ông đã được nhiều nhà văn tên tuổi nhắc tới một cách kính trọng: “Khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo, nhớ chưa?”

Ông đã vận dụng đúng tinh thần của câu nói này vào cuộc sống của mình. Năm 1992, khi vừa nghỉ hưu tại Hội Nhà văn TP.HCM, ông tuyên bố “đi chỗ khác chơi” rồi về ở ẩn ở quê nhà Bến Tre cho tới nay, tuyệt không bon chen chốn văn trường. Nhưng dù ông có “đi chỗ khác chơi” thì trong lòng độc giả lẫn làng văn Việt Nam ông vẫn luôn ở lại với tài hoa văn chương và nhân cách.

Năm 2014, mừng thượng thọ nhân nhà văn Trang Thế Hy tròn 90 tuổi, NXB Trẻ in liền một lúc bốn cuốn sách: ba tập truyện ngắn Mưa ấm, Tiếng khóc và tiếng hát, Nợ nước mắt cùng tập thơ song ngữ Đắng và ngọt. 13 bài thơ của Trang Thế Hy được hai dịch giả Nguyễn Bá Chung và Martha Collins dịch sang tiếng Anh, còn 11 bài thơ của Rabindranath Tagore được Trang Thế Hy chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Nhà văn Trang Thế Hy. (Ảnh do NXB Trẻ cung cấp)

Nhà văn Trang Thế Hy. (Ảnh do NXB Trẻ cung cấp)

Tại buổi tọa đàm về nhà văn Trang Thế Hy, nhà phê bình văn học - GS Huỳnh Như Phương đã nhấn mạnh: “Trang Thế Hy là một hiện tượng rất hiếm hoi trong văn học Việt Nam. Khó có nhà văn nào viết rất ít tác phẩm, đã từ lâu không có tác phẩm mới mà khi tổ chức tọa đàm vẫn thu hút được đông đảo giới văn chương lẫn độc giả nhiều thế hệ đến tham dự như thế. Tôi thấy thế giới có nhà văn Marquez (tác giả Trăm năm cô đơn - NV) được đông đảo người đọc từ giới sinh viên, tổng thống Mỹ đến Fidel Castros… đều yêu mến. Còn ở Việt Nam, nhà văn Trang Thế Hy là một trường hợp tương tự, độc giả nhiều thế hệ trước và sau năm 1975, trong nước hay ở hải ngoại dù có khác nhau chính kiến, quan điểm xã hội thế nào cũng đều thích Trang Thế Hy”.

 

Tác phẩm:

Trang Thế Hy: Đại thụ tỏa bóng làng văn

Nhà văn Trang Thế Hy quan niệm về văn học: "Tôi nghe đó (từ câu chuyện của chị bán thuốc lá) là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”.

Ông để lại khoảng 65 truyện ngắn, hai tiểu thuyết, một tập thơ và một số tác phẩm đăng trên các báo trước 1975  chưa tìm lại được. Dù vậy, gần như tác phẩm nào của ông cũng được nhớ nhiều như: Nắng đẹp miền quê ngoại, Mưa ấm, Người yêu và mùa thu, Vết thương thứ mười ba, Tiếng khóc và tiếng hát, Nợ nước mắt, Đắng và ngọt… 

Ông còn dịch thơ Tagore và nhiều tác phẩm văn học nước ngoài.

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (1960-1965) cho truyện ngắn Anh Thơm Râu Rồng.

- Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát.

- Tặng thưởng loại A của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001 cho tập truyện Nợ nước mắt...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm