Sức hút “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” – “tấm vé” của mỗi người

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là câu thơ của Robert Rojdesvensky được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dùng làm nhan đề cho tập sách.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Thái Lan PBS nhân dịp ra mắt sách ở Bangkok". (Ảnh: H.C.D.) 

Ai trong chúng ta cũng đếu có một tuổi thơ, dầu là ở thành thị hay nông thôn, dầu là ở nước ngoài hay trong nước. Tuổi thơ có cái ngỗ nghịch, dại khờ, nhưng cũng hết sức ngây ngô và lém lỉnh, kể cả lãng mạn và mộng mơ… lắm trò. Chính khi lớn, nhìn thấy các hành động của các em nhỏ, nghĩ lại, ai cũng tủm tỉm cười.

Nguyễn Nhật Ánh cũng vậy. Anh đã dẫn dắt người đọc bằng giọng văn dí dỏm, hóm hỉnh và rất dễ đọc cùng trở về tuổi thơ của bốn nhân vật: thằng cu Mùi (nhân vật xưng tôi kể lại cái tuổi lên tám của mình, sau là nhà văn-NV), Hải cò (sau là giám đốc), con Tủn (sau là hiệu trưởng) và con Tí sún.

Hãy theo hành trình tuổi thơ của bốn bạn nhỏ. Từ ‘trò chơi vợ chồng’, rồi đổi vai vợ chồng thành bố, mẹ, đi truy tìm kho báu, nuôi những chú chó hoang... Cho đến trò chơi ‘đặt tên cho thế giới’ hết sức ‘quái đản’ mà rất đúng bản chất trẻ thơ muốn đảo lộn trật tự thế giới xung quanh:

“Hải cò là cảnh sát trưởng, con Tủn là tiếp viên hàng không, con Tí sún là nàng Bạch Tuyết, còn tôi là thầy hiệu trưởng. Những cái tên này do chúng tôi tự chọn, theo nguyện vọng thầm kín của mỗi đứa” (tr.58), cả gan mở cả phiên tòa luận tội bố mẹ, để rồi mỗi đứa bị một trận đòn vì sự ‘đóng vai’ ấy. Ngỗ nghịch hơn vì trí óc non nớt, mới tám tuổi đã nhắn tin: “Chiều nay chúng ta lên giường một chút chăng? Buồn ơi là sầu!”.

Nguyễn Nhật Ánh dùng thủ pháp đồng hiện, hồi ức, liên tưởng nên đan xen nhiều chi tiết từ hiện tại quay về quá khứ. Đứng trên cương vị người lớn, anh nhận ra, rằng: “Thật là sáng tạo, những đứa trẻ đó. Chúng làm  vậy chẳng qua chỉ cho đời bớt nhạt. Lý do mới lành mạnh làm sao!

Nhưng người lớn lại coi là ngổ ngáo, ngược đời và không giống ai những điều mà bọn trẻ chỉ đơn giản coi là thú vị” (tr.106)

Hay: “Trẻ con không quan tâm đến chức năng. Đơn giản vì trẻ con có kho báu vô giá: óc tưởng tượng” (tr.108).

Nguyễn Nhật Ánh từng “gỡ rối tơ lòng” cho nhiều người với bút danh Anh Bồ Câu. Do vậy trong cuốn truyện này, anh lồng vào những nhận xét hết sức tình cảm và tinh tế:

“Ở đời, lắm kẻ thông minh, cũng lắm người thật thà. Nhưng người nhiều thông minh thường ít thật thà. Và người nhiều thật thà lại ít thông minh. Thông minh bao giờ cũng khéo ăn khéo nói khéo ứng xử, mà điều khéo quá thì thường kém chân thật, khổ thế! (tr.134)

Đọc sách người lớn tự ngẫm lại cách hành xử hay ứng xử với trẻ con, mà đôi khi vì lấy sự “làm lớn làm láo’ trong mắt trẻ em thì thật khốn khổ. Ví như: “sống trên đời ai mà chẳng có khuyết điểm: Trong khi trẻ con cố che giấu khuyết điểm của mình trong mắt người lớn thì người lớn cũng tìm mọi cách giấu giếm khuyết điểm của mình trước mắt trẻ con” (tr.155).

Bằng kinh nghiệm dành cho ông bố, bà mẹ:

“Sau này khi đã là một ông bố, tôi luôn thận trọng khi quở trách con cái để tránh xảy ra những vụ án oan nhưng thú thật xóa nhòa được lằn ranh giữa trẻ con và người lớn cũng khó ngang với việc xóa bỏ ranh giới giàu nghèo trong xã hội.
 
Về tâm lý, người lớn luôn cho mình đứng về phía chân lý, nếu xảy ra một sai lầm nào đó thì phần lỗi đương nhiên thuộc về trẻ con” (tr.157).

Cũng như: “người lớn đánh lừa người lớn dễ hơn là đánh lừa trẻ con. Bởi người lớn tiếp nhận thế giới bằng óc phân tích, còn trẻ con cảm nhận thế giới bằng trực giác” (tr.167).

Bản ra mắt đầu tiên năm 2008

Trả lời trên báo Người Lao Động, anh cho biết: "Dĩ nhiên là trẻ em cũng nhìn thấy mình trong cuốn sách này. Nhưng đối tượng cảm thụ mà tôi muốn nhắm tới là người lớn.

Viết sách cho trẻ em đọc, như Kính vạn hoa chẳng hạn, tôi phải sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh phù hợp với nhận thức và tâm lý của trẻ em.

Tác phẩm này thì khác, tôi cho phép mình mở rộng biên độ đề tài và hình ảnh đến tối đa vì tôi viết về trẻ em nhưng là cho những ai từng là trẻ em đọc. Nói khác đi, cuốn sách này viết về trẻ em chứ không phải viết cho trẻ em. Qua tác phẩm, tôi muốn người lớn thông cảm với trẻ em hơn".

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, NXB Trẻ ấn hành 2008 là cuốn sách đứng đầu top 10 cuốn sách bán chạy nhất tại Hội sách lần V-2008. Được biết, sau khi sách phát hành, nhà văn đã lấy "tấm vé" sang Mỹ thăm con gái.

Chính vì có sức hút hấp dẫn, cho nên “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được dịch sang tiếng Hàn, tiếng Thái và mới đây là tiếng Anh. Đặc biệt, Nga đã đưa truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào giảng dạy ở trường đại học, đó là cuốn "Cô gái đến từ hôm qua". 

NGUYỄN TÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm