Sến và bựa

Rồi thị trường âm nhạc liên tiếp phát hành hàng loạt album có chủ đề là “Nhạc sến cực hay 1 + 2 + 3…”. Trong các album này, ngoài một số bài hát khá dễ dãi, xoàng xĩnh của vài tên tuổi mới toanh lạ hoắc, có chen vào một số ca khúc trữ tình nổi tiếng từ trước năm 1975 của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Lam Phương, Trúc Phương, Thanh Sơn, Trần Thiện Thanh... Đó là cách làm ăn khá khôn ngoan, lập lờ đánh lận con đen. “Nhạc sến” vốn là cách gọi rẻ rúng của một số người trước đây được coi là trí thức hay các văn nghệ sĩ tự cho mình là “hàn lâm” khi ám chỉ một dòng nhạc rên rỉ sướt mướt, có cốt truyện, chủ yếu viết theo điệu boléro, habanera hay âm hưởng dân ca Nam Bộ, cùng những ngôn từ mộc mạc, bình dân, dễ hiểu, gần gũi với người thưởng ngoạn thuộc giới bình dân. Giống như thời trước năm 1945, có một loại truyện mang tính giải trí, in mỏng trên giấy xấu, giá bán chỉ 3 xu, được gọi là “truyện ba xu”. Từ đó những loại sách truyện nhảm nhí, rẻ tiền theo nghĩa bóng cũng bị gọi là “truyện ba xu”, mặc dù giá bán đến mấy chục đồng!

Trong tự điển tiếng Việt, “sến” là tên một trong bốn loại cây gỗ quý rất cứng, dùng trong xây dựng, trái hẳn với nghĩa rẻ rúng trong cụm từ “nhạc sến” dành cho dòng nhạc ủy mị. Truy nguyên ngữ từ “sến” được cho là do từ “sen” đọc trại ra . “Sen” nói tắt từ “con sen” - tức bé gái giúp việc nhà - mà ngày trước gọi một cách khinh rẻ là con ở, đầy tớ. Cũng có khi được gọi đùa là “liên tử”. Có cô giúp việc nhà cho Tây đầm nên nhiều khi cũng được gọi tên Tây, như Marie chẳng hạn. Rồi có người độc mồm độc miệng - kể cả một vài cây bút châm biếm độc địa gọi là “Marie sến”, tức Ma-ri ở đợ. Thế mà bây giờ người ta lại tiếp tục gọi dòng nhạc bình dân, tuy có hơi sướt mướt nhưng lại dễ đi vào lòng người là “nhạc sến” một cách vô tư! Dòng nhạc này không chỉ những người lớn tuổi hoài cổ mà không ít bạn trẻ hôm nay cũng rất yêu thích. Vì vậy những live show của các ca sĩ hải ngoại chuyên trị dòng nhạc này từ trước năm 1975 như Chế Linh, Giao Linh, Phương Dung, Thanh Tuyền… khi về nước diễn luôn cháy vé!

Tôi cũng quá bất ngờ khi mấy hôm trước tình cờ thấy một quán “Trà sữa & HD Cinema” ở Thủ Đức có tên là “Bựa Mới Vui”. “Bựa” nghĩa đen là chất cặn bã bám vào răng, nghĩa bóng là nói đến cách xử sự xấu xa, tồi tệ. Ví dụ, “Thằng cha đó bựa quá” có nghĩa là người đó xấu xa, là đồ cặn bã của xã hội. Thế mà “Bựa mới vui”, thật là hết biết! Lạ hơn nữa là cái quán đó khá đông khách, hầu hết là sinh viên, học sinh, có lẽ nhờ cái tên “bựa” đó? Chẳng lẽ cả chủ quán lẫn những khách trẻ tuổi đó không ai hiểu cái nghĩa đáng tởm đó? Hay là bây giờ ngôn ngữ đã “đổi mới” cả ngữ nghĩa rồi?

Ngôn ngữ là để chuyển tải, trao đổi những ý tưởng với nhau. Có thể nói đùa với nhau lời nói gió bay đi nhưng khi là ngôn ngữ viết, không thể viết càn, viết ẩu thiếu ý thức và vô trách nhiệm như thế.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm