Sân khấu TP.HCM mở cửa để sống và thích ứng với dịch

Chưa bao giờ các nghệ sĩ nghĩ có một ngày niềm hạnh phúc của họ chỉ là được gặp lại đồng nghiệp - khán giả, thấy nhau khỏe mạnh, cùng nhau tập kịch, diễn thoại...

Vừa tập vở vừa tuân thủ 5K

Hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM có khoảng 30 diễn viên đang tập luyện cho các vở diễn, chuẩn bị biểu diễn trở lại.

Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Giàu, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP, kể những ngày này chị và các đồng nghiệp đang tập vở Chiếc áo thiên nga và các trích đoạn dự kiến sẽ biểu diễn ở đền Hùng với Lăng Ông Bà Chiểu. Nữ nghệ sĩ vào vai Mỵ Châu công chúa trong vở diễn này.

Hôm nay, chúng tôi có quay chương trình kết hợp xiếc, hát bội với cải lương để phát trên đài truyền hình. Trường học chưa mở cửa lại, chúng tôi không thể biểu diễn ở trường học nên bây giờ chương trình được quay lại cho các em xem. Được trở lại sân khấu, chúng tôi phấn khởi, hân hoan lắm. Gần 20 năm theo nghề, chưa bao giờ tôi phải xa sân khấu lâu đến như vậy. Đợt dịch vừa rồi, cả nhà tôi đều bị nhiễm, mẹ tôi bị nặng nhất nhưng may mắn cả gia đình đã vượt qua được.

Thời gian ở nhà, chúng tôi vẫn tập tuồng trực tuyến. Từ ngày 1-10, mọi người được trở lại làm việc vẫn phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Mọi người vẫn tuân thủ 5K, ai đã chích ngừa đủ hai mũi vaccine thì mới được vào nhà hát làm việc. Ngày đầu tiên trở lại làm việc, mọi người rất vui, vui dù vẫn sợ. Thường thường sẽ tụm năm tụm bảy trò chuyện nhưng giờ phải giãn cách, đeo khẩu trang cũng hơi buồn. Nhưng được gặp nhau, được diễn là vui rồi. Theo kế hoạch, vở diễn sẽ diễn ra từ 9 giờ đến 10 giờ sáng thứ Bảy, Chủ nhật tuần này” - nghệ sĩ Ngọc Giàu chia sẻ.

Phải hát qua một lớp khẩu trang nhưng với các nghệ sĩ TP.HCM, được trở lại sân khấu với khán giả là niềm vui khôn tả. Ảnh: HOÀNG TUYẾT

Chiều 16-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành Quyết định 3400. Theo đó, đối với các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật: Phường, xã, thị trấn cấp độ dịch 1 sẽ được hoạt động đảm bảo tuân thủ bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn phòng chống dịch COVID-19 của TP; phường, xã, thị trấn cấp độ dịch 2 sẽ hoạt động hạn chế, hoạt động tối đa 50% số lượng khách, khán giả; phường, xã, thị trấn cấp độ dịch 3 hoạt động hạn chế, tối đa 25% số lượng khách, khán giả. Phường, xã, thị trấn cấp độ dịch 4 không được hoạt động. 

Hiện tại, các nghệ sĩ vẫn phải đeo khẩu trang tập kịch. Nữ nghệ sĩ kể những ngày đầu chị cảm thấy rất ngộp thở, rất khó chịu, thậm chí “không đủ hơi để hát luôn”. Nhưng cứ tập dần rồi chị cũng quen, dù biết giọng sẽ không chất lượng bằng khi được tháo khẩu trang ra. “Phải chấp hành đủ 5K vì an toàn của nhà hát, của bản thân và gia đình” - nghệ sĩ Ngọc Giàu cười.

Đại diện Sân khấu Sen Việt cho hay phía đơn vị này đang cho khởi động lại các dự án dang dở, cũng như bắt tay vào các dự án mới trải dài sang năm 2022. Các diễn viên của Sân khấu Sen Việt đang hăng say tập luyện trở lại để biểu diễn lại vào cuối tháng 11. Theo người đại diện, dự kiến thời gian đầu sân khấu sẽ mở cửa với công suất khoảng 30 khách/suất diễn và tùy thuộc vào tình hình mà có thể sẽ dần mở rộng lên 50 khách/suất diễn.

Sẵn sàng các phương án để sân khấu sống chung với dịch

NSƯT Trịnh Kim Chi kể nhiều anh em nghệ sĩ của Sân khấu Trịnh Kim Chi từng là F0, may mắn mọi người đã khỏe lại. Hiện tại, nhiều nghệ sĩ đã được tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ ở quê thì vẫn chưa được tiêm đủ hai mũi. “Chúng tôi đang thoại online trước, tập tại nhà. Những người đảm nhận vai chính đã tiêm đủ hai mũi sẽ tập với nhau trước. Nhưng tiêm rồi vẫn phải đảm bảo 5K. Khi đi vào sân khấu phải test COVID-19. Chúng tôi đang tập kịch để dự kiến tháng 1 tham gia liên hoan sân khấu (Liên hoan Kịch nói toàn quốc lần hai dành cho sân khấu tại TP.HCM - PV). Là dự kiến vậy thôi, vì dịch bệnh không biết trước được. Chủ trương Nhà nước như thế nào, mình làm như vậy. Mọi người háo hức lắm, cũng xác định tìm cách sống chung với dịch rồi. Ai cũng mong được trở lại với nghề…” - NSƯT Trịnh Kim Chi trải lòng.

Cũng theo NSƯT Trịnh Kim Chi: “Hoạt động lại trong tình hình mới sống chung với dịch, chúng tôi phải lên hết các phương án dự trù: Nếu phát hiện F0 tại đơn vị đang hoạt động thì kế hoạch cách ly, thuốc thang, bồi dưỡng ra sao? Lúc nào tôi cũng phải có mấy chục phần thuốc để đưa cho các bạn khi cần, nhắc các bạn ngậm viên C với uống C suốt… Trở lại lần này, show diễn cũng khó khăn hơn ngày trước dịch rất nhiều, mọi người vẫn làm thêm các công việc ngoài để tiếp tục nuôi dưỡng lửa nghề. Có diễn viên bán hàng thu nhập rất khá nhưng nghe tôi nhắn đi tập kịch, em bỏ công việc đi tập luôn”.

Các sân khấu xã hội hóa dè dặt với kế hoạch mở cửa

Dù được mở cửa nhưng nhiều nghệ sĩ nhận định khả năng các sân khấu xã hội hóa vẫn sẽ hoạt động cầm chừng, dè dặt. Bài toán kinh phí, nguồn lực diễn viên, đặc biệt là tâm lý dè chừng của khán giả là những bài toán khó cho các sân khấu này.

Nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ khán giả vô cùng nhưng đại diện Sân khấu kịch IDECAF và Sân khấu kịch 5B cho biết vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Đạo diễn Vũ Minh, Phó Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF, cho biết đến thời điểm hiện tại Sân khấu IDECAF vẫn “án binh bất động”, tất cả nhân viên đã nghỉ việc và vẫn chưa có kế hoạch cho ngày trở lại.

“Chúng tôi cố gắng làm được gì thì làm, để tìm khán giả thì ai cũng muốn nhưng phải lệ thuộc vào việc phòng chống cũng như diễn biến của dịch COVID-19. Nếu khả thi, không có tín hiệu xấu diễn ra nữa thì khoảng giữa tháng 12 chúng tôi sẽ diễn trở lại để lấy đà cho đến tết Tây và tết Nguyên đán” - NSƯT Mỹ Uyên (Sân khấu kịch 5B) trải lòng.

Tuy nhiên, theo nữ nghệ sĩ, để tạo đà cho ngày trở lại, thích nghi với hoàn cảnh mới, Sân khấu kịch 5B cũng đã mở lớp đào tạo diễn viên nhưng không quá 20 người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm