Sân khấu hướng đến những thử nghiệm táo bạo

Cảnh trong vở Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: T.Hiệp.
Cảnh trong vở Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: T.Hiệp.

Sau những ngày vui xuân, tôi gặp lại nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp. Trong khuôn viên trụ sở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, ngôi nhà qua nửa thập kỷ là mái ấm chung của nhiều tâm hồn nghệ sĩ, ai cũng phấn khởi nói về những suy nghĩ của mình trước những tín hiệu vui của làng nghề.

Truyền thống năng động

Nhiều ý kiến cho rằng sân khấu phía Bắc năm 2008 đang mở ra nhiều sự cạnh tranh khốc liệt. Không còn lối nghĩ theo kiểu chờ ở trên cấp kinh phí để dựng vở, báo cáo, tranh nhau lấy điểm diễn để hoàn thành chỉ tiêu mà thay vào đó, các đoàn nghệ thuật quốc doanh phải có kế hoạch dàn dựng, chọn lọc đề tài, đồng thời quy hoạch đào tạo để mỗi vở diễn, mỗi tác phẩm đều thuyết phục người xem, mang lại chất lượng chứ không theo số lượng.

Tuy nhiên, nếu nhận định khắt khe thì tôi không tin sân khấu miền Bắc với những đơn vị quốc doanh hoạt động vẫn từng ấy công việc sẽ có sự đột phá như sân khấu phía Nam.

Sân khấu phía Nam nhiều năm qua đã minh chứng sự năng động, luôn đi đầu trong việc cải thiện hình thức biểu diễn, tiếp thị kinh doanh và vạch định rõ thương hiệu trong cơ chế thị trường. Năm nay, luồng gió hội nhập lại thổi mạnh vào đời sống sân khấu phương Nam, khiến các đơn vị từ xã hội hóa đến quốc doanh đều phải có chiến lược để cạnh tranh và phát triển.

Một cái Tết với 15 vở diễn trên 7 điểm sáng đèn liên tục từ mùng 1 đến 15 tháng giêng, đó là một chuỗi những con số đáng nể đối với những ai quan tâm đến đời sống sân khấu tại TPHCM. Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007, sân khấu TPHCM đã cho thấy dấu hiệu kế thừa hết sức phấn chấn của một thế hệ đạo diễn trẻ. Họ đã bắt nhịp được bước tiến của xã hội, nhu cầu giải trí phóng khoáng nhưng đầy trách nhiệm của công chúng và khát vọng muốn làm nghề của một đội ngũ diễn viên giàu tâm huyết.

Chính vì thế, họ lao tới, thể nghiệm và chịu khó học hỏi đàn anh, đàn chị để tạo vị trí cho mình. Những vở diễn: 270 gram, Nhân danh công lý, Người cáo, Người vợ ma, Về đâu... đã tạo được ấn tượng đối với khán giả. Những đạo diễn trẻ như: Lý Khắc Luyn, Đức Thịnh, Thái Hòa, Lê Nguyên Đạt, Hoàng Duẩn, Chánh Trực... thật sự là niềm kỳ vọng của lớp người đi trước.

Những con người tâm huyết

Sân khấu cải lương phía Nam đã làm được một cuộc chơi hết sức ý nghĩa mà sân khấu cải lương phía Bắc thèm thuồng - cuộc chơi của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Sau vở Kim Vân Kiều, nay vở Chiếc áo thiên nga đã làm nên một vệt sáng mới trong bức tranh tưởng chừng hắt hiu, ảm đạm của sân khấu cải lương. Đạo diễn Hoa Hạ và ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, là những người bản lĩnh, chấp nhận lao tới dù biết những thử nghiệm của họ sẽ thất bại nếu không được “tiếp lửa”.

Tôi dùng ngoặc kép để nói đến hai chữ “tiếp lửa” là vì “lửa” chính là tiền, là sự đồng tâm, chia sẻ và cũng là chữ tâm đáng kính để mỗi con người nghệ sĩ cùng làm nên sân chơi này mà không toan tính, không bè phái, chỉ trích nhau. Có được thứ lửa đúng chất đó trong giai đoạn này không dễ. Và tôi tin vở Chiếc áo thiên nga sẽ có được những chuyến lưu diễn đất Bắc như mong đợi của những người trong cuộc.

Thành công của vở cải lương ra tận sân khấu quảng trường này cũng chính là tín hiệu tốt của sân khấu cải lương năm 2008. Bước ngoặt chuyển đổi đó cho thấy nghệ sĩ cải lương không chỉ quanh quẩn với những vở diễn nhỏ, mà phải biết kết hợp làm mới, với hình thức hoành tráng mới mong lôi kéo khán giả trẻ. Các live show cá nhân của những ngôi sao Bạch Tuyết, Thanh Sang, Lệ Thủy, Thanh Thanh Tâm, Hồng Nga, Thoại Mỹ, Diệu Hiền, Thanh Tuấn, Vũ Luân, Phượng Loan, Quế Trân... cho thấy phần nào nội lực của sân khấu cải lương TPHCM rất mạnh, chỉ cần có chiến lược và sự quyết tâm thì sẽ đặt các toa tàu lên đường ray mà thẳng tiến.

Nâng niu tác phẩm từ khâu tiếp thị

Điều tôi quan tâm nữa là ở khía cạnh khán giả. Sân khấu có đông khán giả chính là nhờ sự tiếp thị từng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Xem cách làm của sân khấu IDECAF với những tờ bướm in rất đẹp, phát tận cổng trường cho khán giả thiếu nhi mới thấy tính năng động của Thành Lộc, Huỳnh Anh Tuấn hoặc với chị Bạch Tuyết qua 3 suất diễn Xuân hội ngộ 2008 tại rạp Hưng Đạo.

Những tờ bướm trao tận tay khán giả như một món quà kỷ niệm. mới biết cải lương nói riêng, các sản phẩm sân khấu nói chung, cần được nâng niu từ khâu tiếp thị. Và Bạch Tuyết đã có được 3 suất diễn hết sức ngoạn mục bên cạnh các nghệ sĩ đồng nghiệp. Họ đều bước qua tuổi 60 nhưng vẫn là những ngôi sao chưa có người thay thế. Những trích đoạn vang bóng một thời, những vai diễn khắc đậm trong trí nhớ người xem giờ được lần giở bởi tâm huyết làm nghề.

Có thể nói, chưa nơi nào khán giả xem nghệ thuật lại cực kỳ dễ thương như khán giả Sài Gòn. Sự năng động của sân khấu phía Nam luôn có sức hấp dẫn và cuốn hút tôi. Tôi muốn góp một chút gì đó cho đồng nghiệp ở đây bằng một cuộc thử nghiệm. Tôi chọn kịch bản Người mang 9 án tử hình của tác giả Phạm Văn Quý cho cuộc thử nghiệm này.

Và đầu tháng 3, tôi sẽ lại vào Nam để dàn dựng cho Nhà hát Kịch TPHCM. Vở kịch nói về nhân vật Lê Văn Duyệt, người có công rất lớn trong việc góp phần khai phá và xây dựng vùng đất phía Nam từ thời kỳ còn hoang sơ. Tôi nghĩ đây là một tác phẩm hay và sẽ thu hút được người xem đến với dòng kịch lịch sử.

NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang - (Theo NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm