Sài Gòn không bao giờ cũ

Dẫu thời gian có thay đổi, một TP sẽ hiện đại hơn nhưng với cụm từ “Sài Gòn” thì ở đó vẫn luôn có những giá trị riêng mà không nhà văn, nhà thơ, đạo diễn, nhạc sĩ… nào có thể chuyển tải hết. Sài Gòn chưa bao giờ cũ trong lòng những người đã từng đặt chân đến một đôi lần, người sinh ra ở đây lẫn người chọn đây làm nơi trú ngụ.

Với Sài Gòn, không hoàn hảo vẫn được thứ tha

Bộ phim Sài Gòn, anh yêu emchưa hẳn là một bộ phim điện ảnh thật sự xuất sắc, thế nhưng khi chọn chủ đề chính là những câu chuyện tình về Sài Gòn, nhà làm phim đã biết cách lấy xúc cảm của khán giả. Bởi dường như khi xem phim về Sài Gòn, người xem luôn trong tâm thế tìm kiếm một chút gì đó của mình mà bộ phim sẽ là “người” nói giúp.

Như chính chia sẻ của đạo diễn Lý Minh Thắng của phim Sài Gòn, anh yêu em: “Tôi phải công nhận bản thân tôi may mắn vì phim này là dự án đầu tay và được sự đón nhận của truyền thông lẫn khán giả rất tốt, mà sự đón nhận này không phải chỉ vì bộ phim mà vì hai chữ “Sài Gòn”. Tình cảm người xem dành cho Sài Gòn có trước nên khi họ xem một bộ phim đa tuyến chỉ kể chuyện tình, phim không lên gân… thì dường như khán giả vẫn giữ được trọn vẹn nhất cảm xúc với Sài Gòn. Thật sự nếu làm phim về vùng đất khác tôi phải chọn cách làm khác”.

Không chỉ với Sài Gòn, anh yêu em mà rất nhiều bộ phim trước đó dù không kể câu chuyện rõ ràng về Sài Gòn nhưng những cảnh quay liên quan tới mảnh đất này luôn

 làm khán giả xúc động. Điển hình như phim Nắng, những cảnh quay mẹ Mưa và con gái Nắng lui cui ở góc chợ hay xe ve chai trong con hẻm luôn là những hình ảnh thường thấy nhất ở Sài Gòn. Những hình ảnh đó tạo hiệu ứng thị giác rất cao để khán giả phải rơi nước mắt khi giữa TP rộng lớn này vẫn còn bao cảnh đời côi cút. Hay như bộ phim Em là bà nội của anh đưa đến một phong cách thời trang Sài Gòn xưa từ ảnh hưởng trang phục của các nhân vật: bà Trần Lệ Xuân, nghệ sĩ Thanh Nga…

Sài Gòn với rất nhiều góc dễ thương được tái hiện trong phim Sài Gòn, anh yêu em. Ảnh: CGV

Sách Sài Gòn luôn là best seller

Không chỉ trên màn ảnh, trên kệ sách Sài Gòn trở lại trên hàng trăm đầu sách. Như thống kê của Phương Nam Book thì những đầu sách về Sài Gòn thời gian qua của đơn vị này phát hành luôn nằm trong tốp sách đinh, bán chạy nhất của các nhà xuất bản. Như bộ ba tập sách Sài Gòn chuyện đời của phố (Phạm Công Luận), Sài Gòn xưa màu hoài niệm (Trọng Lee), Sài Gòn cafe 47 và đủ chuyện quàng xiên, Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi (Hiền Hòa), Sài Gòn Úm ba la (Trung Nghĩa), Vẩn vơ giữa phố (Minh Đức), Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... em (Anh Khang) và mới đây nhất Sài Gòn không phải ngày hôm qua của nhà báo Phúc Tiến… Hay hàng loạt đầu sách của các nhà xuất bản khác: Sài Gòn bao nhớ, Chuyện nhỏ Sài Gòn (Đàm Hà Phú); Sài Gòn chữ vội trên vai (Vũ Minh Đức); Ve vãn Sài Gòn (Chị Đẹp); Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng (Hạ Dung), Sài Gòn vẫn hát (Mạc Thụy và Ubee Hoàng), Những câu chuyện Sài Gòn (Phan An), Khóc giữa Sài Gòn (Nguyễn Ngọc Thạch), Sài Gòn thị thành hoang dại (Khải Đơn)…

Sách về Sài Gòn ra mắt rất nhiều và những bản sách hay vẫn liên tục tái bản, điều này cho thấy phần nào nhu cầu tìm hiểu về vùng đất này nhưng hơn cả đó là sự tìm kiếm mình trong những trang sách. Mỗi đầu sách Sài Gòn là một lát cắt riêng về TP này, để ai mê đắm TP cũng muốn tìm đọc cho đầy đủ.

Một Sài Gòn luôn mới mỗi ngày

Sách Sài Gòn bán chạy nên ai cũng ráng gán chữ “Sài Gòn” cho sách. Trong những đầu sách về Sài Gòn vẫn có những trang sách tác giả chỉ chạm được cái vỏ của Sài Gòn, dẫu vậy họ cũng có những độc giả riêng của họ dù có người thích, kẻ không. Nhưng cũng vì đó là Sài Gòn nên dường như mọi lỗi lầm đều dễ thứ tha. Nó như câu chuyện của nhà báo Phúc Tiến khi đặt bút viết về Sài Gòn “Tôi viết về Sài Gòn không chỉ vì tình cảm tự nhiên hoài cổ mà còn vì nỗi đau của những ngày lọ lem, hoen ố. Tôi muốn kể một câu chuyện về Sài Gòn không dừng ở thì quá khứ mà diễn tiến đến hiện tại và tương lai. Thế hệ tôi đã chứng kiến và trải qua một Sài Gòn biến đổi từ phồn hoa sang lam lũ và rồi từ nghèo khó trở lại phong lưu. Một Sài Gòn không cam chịu số phận ga xép, không bó tay hay lười biếng với tương lai. Một Sài Gòn bươn chải và mở lòng trước những vận hội mới”.

Hay như một cách nhìn phóng khoáng hơn, đạo diễn Lý Minh Thắng cho rằng: “Sài Gòn dù có hàng trăm quyển sách, hàng chục bộ phim… thì Sài Gòn không bao giờ cũ. Không chỉ do cách mình chọn kể, mà hơn cả chính Sài Gòn mỗi ngày đều có cái mới mà chịu khó quan sát sẽ thú vị vô cùng. Một quyển sách, một bộ phim không bao giờ bao quát đủ”.

Dồn dập sách Sài Gòn cuối năm

Sau một quãng dài từ thập niên 1990 với vài đầu sách của tác giả Sơn Nam của NXB Trẻ thì Sài Gòn dường như vắng bóng trên kệ sách. Cho đến mùa tết 2014, khi Công ty Sách Phương Nam nhảy vào mang tính thăm dò thị trường sách chủ đề Sài Gòn với tập đầu tiên Sài Gòn chuyện đời của phố (Phạm Công Luận) thành công thì sách về Sài Gòn trở lại rất nhiều.

Từ đó, cứ vào mỗi mùa tết, tác giả Phạm Công Luận và Phương Nam lại phát hành sách về Sài Gòn với ước muốn hình thành tủ sách Sài Gòn xưa và nay. Dự kiến tập thứ tư Sài Gòn chuyện đời của phố sẽ ra mắt bạn đọc vào tháng 12 này. Và trong mùa cuối năm này, ít nhất ba đầu sách về Sài Gòn sẽ tiếp tục ra mắt độc giả: Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn (Nguyễn Đình), Sài Gòn Then & Now (Sài Gòn xưa và nay) của nhà báo Phúc Tiến, Pà Pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi của tác giả Minh Cúc viết về ẩm thực Sài Gòn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm