Rườm rà cấp phép cho ca sĩ hải ngoại

Hôm nay (11-11) tại TP.HCM, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ VH-TT&DL sẽ tổ chức hội thảo đánh giá việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực NTBD để xác định mục tiêu, phương hướng xây dựng Luật NTBD.

Những ca sĩ thành danh ở Sài Gòn trước năm 1975 sau đó định cư tại nước ngoài hoặc thành danh tại nước ngoài rồi trở về biểu diễn không còn xa lạ. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã cởi mở trong việc đón nhận những giọng ca: Chế Linh, Lê Uyên Phương, Họa Mi, Phương Thảo - Ngọc Lễ, Thu Phương, Bằng Kiều…

Theo thủ tục, ca sĩ không được trực tiếp xin phép biểu diễn mà thông qua một đơn vị tổ chức biểu diễn trong nước. Một ca sĩ hải ngoại thường được Cục NTBD cấp phép biểu diễn nghệ thuật trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam trong vòng sáu tháng (hết thời hạn sáu tháng sẽ tiếp tục làm hồ sơ xin gia hạn). Trong vòng sáu tháng đó, ca sĩ A chỉ được biểu diễn trong chương trình mà đơn vị tổ chức A xin phép cho ca sĩ đó biểu diễn, nếu ca sĩ A được đơn vị B hay C mời biểu diễn thì các đơn vị này sẽ phải làm thủ tục xin phép cho ca sĩ A biểu diễn. Tức mỗi đơn vị phải làm hồ sơ xin cấp phép biểu diễn cho nghệ sĩ chứ không chấp nhận cho ủy quyền giấy phép biểu diễn của các ca sĩ giữa các đơn vị với nhau.

Ca sĩ Elvis Phương gần như về sinh sống ở Việt Nam, chỉ còn cái “mác” hải ngoại nhưng muốn biểu diễn chương trình nào thì đều phải làm thủ tục xin phép biểu diễn cho anh. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)

Điều này gây rắc rối cho khá nhiều đơn vị sản xuất chương trình lẫn ca sĩ. Bởi thực tế hiện nay ngoài giấy phép biểu diễn của cá nhân ca sĩ, mỗi chương trình đều phải làm thủ tục xin phép tổ chức biểu diễn riêng. Trong hồ sơ xin phép mỗi chương trình cũng đã có chi tiết ca sĩ nào, hát bài gì, xuất hiện ra sao… trong chương trình. Vậy nên một chương trình biểu diễn có ca sĩ hải ngoại tham gia mà phải làm đến hai hồ sơ: Hồ sơ xin phép cho nghệ sĩ vào Việt Nam biểu diễn (dù ca sĩ đó vẫn có giấy phép biểu diễn còn thời hạn trong lãnh thổ Việt Nam) và hồ sơ xin phép được tổ chức chương trình tại địa phương thì khá rắc rối.

Đại diện Sở VH-TT TP.HCM từng có kiến nghị gộp hai thủ tục này làm một để vừa tiết kiệm thời gian trong quy trình cấp phép, vừa đỡ mất sức cho đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn còn để ngỏ.

Một nhà sản xuất nhận định: “Tưởng chừng Cục thoáng trong cấp phép biểu diễn cho ca sĩ hải ngoại nhưng thực chất không phải vậy. Bởi mỗi chương trình đều phải xin phép cho ca sĩ cụ thể hát ở đâu, bao nhiêu bài… Chúng tôi hiểu việc quản lý nhà nước là cần thiết nhưng chỉ nên làm như thế với những nghệ sĩ có nhân thân quá đặc biệt, chứ với nghệ sĩ đã gần như sinh sống ở Việt Nam lâu nay, chữ hải ngoại với họ chỉ còn là cái “mác” như Elvis Phương, Hương Lan, Giao Linh… thì việc xin phép từng chương trình vậy quá phiền phức cho họ và nhà sản xuất”.

Cho phép rồi vẫn phải xin phép lại

Trong lĩnh vực cấp phép phổ biến ca khúc sáng tác trước năm 1975 và ca khúc được sáng tác từ năm 1975 đến nay tại hải ngoại cũng còn nhiều vướng mắc. Trước đây, ngoài Cục NTBD thì NXB Âm nhạc và các sở văn hóa địa phương cũng có quyền cho cấp phép phổ biến ca khúc. Tuy nhiên, từ tháng 1-2013, khi Nghị định 79/2012 có hiệu lực thì toàn bộ thẩm quyền cấp phép ca khúc trước năm 1975 và hải ngoại thuộc về Cục NTBD.

Chính từ đây, rất nhiều ca khúc từng được sở địa phương hay NXB Âm nhạc cấp phép trước đó, muốn phát hành băng đĩa hay biểu diễn lại sau năm 2013 thì phải xin phép từ đầu. Ví dụ rõ nhất cho trường hợp này là gần 30 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lâu nay đã được phát hành album, biểu diễn như Đóa hoa vô thường, Biết đâu nguồn cội, Cát bụi, Nắng thủy tinh, Tình xa, Tình sầu…, đến khi Phương Nam Film xin phép phát hành bộ album, Khánh Ly vẫn phải làm thủ tục xin phép lại từ đầu.

Thẻ hành nghề lại dời

Theo lộ trình của Cục, trong năm 2016 sẽ hoàn chỉnh dự thảo Luật NTBD. Hiện tại, song song với việc lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật NTBD thì văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của lĩnh vực này là Nghị định 79/2012 cũng đang được sửa đổi bổ sung. Dự kiến Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012 sẽ được ban hành vào tháng 1-2016.

Từ việc còn vướng nghị định sửa đổi này mà việc cấp xét thẻ hành nghề đang được dời lại. Bên cạnh vướng về mặt thủ tục như trên thì việc cấp thẻ hành nghề đang gây tranh cãi ở yếu tố nghệ sĩ tự do và nghệ sĩ dưới 18 tuổi sẽ được cấp thẻ như thế nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm