Rộn ràng “mùa” nhạc Nga

Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga (7-11-1917), tình yêu của những người Việt Nam dành cho âm nhạc và con người xứ sở Bạch Dương lại trỗi dậy mãnh liệt. Nhiều nhóm cựu học sinh từng du học ở Nga và những người yêu mến nhạc Nga đang lên kế hoạch cho “mùa” nhạc Nga năm nay.

Làm sống lại một miền ký ức

Trên một diễn đàn về lịch sử quân đội Việt Nam, thành viên fanlong74 đã lập ra một topic (chủ đề) chuyên về nhạc Nga. Lý do để thành viên này lập chủ đề bởi anh bất chợt nghe lại một bài hát quen thuộc thời thơ ấu. “Giai điệu quen thuộc gợi nhớ đến một thời tuổi thơ vô tư mà những khó khăn vất vả của cuộc sống tưởng như đã xóa nhòa tất cả: “Đại bàng nhỏ” nhạc Liên Xô vang lên trong những buổi sinh hoạt hè của lũ nhóc, trong hội trại mà bữa cơm chỉ có nước rau và dừa kho kèm vài mẩu thịt mỏng tang, nghe bài hát tự dưng thấy nắng, gió, rừng dương, những thằng bạn vẫn quanh quẩn gần đây nhưng cả chục năm rồi không hề gặp mặt. Chắc ai cũng có lúc được đánh thức bởi những giai điệu thân thuộc tưởng đã lãng quên mãi mãi, mong các bác cùng chia sẻ” - thành viên fanlong74 đã viết trên topic. Ngay sau đó chủ đề này được rất nhiều thành viên ủng hộ và chia sẻ những ca khúc Nga.

Không chỉ chia sẻ trên mạng, cứ mỗi dịp lễ, tết và đặc biệt vào dịp Cách mạng tháng 10 Nga, rất nhiều nơi vang lên những khúc nhạc Nga. Anh Huỳnh Hữu Phước, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8, người từng học sáu năm ở Nga, chia sẻ nhạc Nga gắn với quá nhiều kỷ niệm thời tuổi trẻ của anh. “Nhiều khi tôi muốn trở lại Nga để về lại những nơi mình từng sống, học nhưng chắc vì nhiều kỷ niệm quá nên tôi không muốn quay lại vì muốn giữ lại cảm giác của ngày xưa. Mỗi lần hát là mỗi lần mình được sống với kỷ niệm” - anh Phước tâm sự.

Rộn ràng “mùa” nhạc Nga ảnh 1

Những người yêu nhạc Nga như anh Huỳnh Hữu Phước, chị Lê Huyền Ngọc, ca sĩ Tấn Sơn, nhạc sĩ Đức Thịnh… trong buổi tập cho Đêm nhạc Nga vào tối 7-11 sắp tới. Ảnh: NAM THANH

Anh Phước từng đoạt giải nhất tại một cuộc thi hát ở Ukraina với hai ca khúc: Tôi yêu đất nước NgaCánh đồng Nga. Mỗi năm có dịp anh Phước lại hát nhạc Nga, nhất là những dịp gần đến Cách mạng tháng 10 Nga; nhóm bạn học của hơn 40 năm trước lại gặp mặt và lại cất lên những khúc nhạc của xứ bạch dương…

Hay nhạc sĩ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Giải trí Mega, lại gắn với nhạc Nga bởi: “Trong xóm có ông kéo đàn accordion quá hay bài Nước Nga của tôi. Khi đó tôi chỉ có 10 tuổi hơn, mà âm nhạc càng có thời gian nghe nhiều mình càng thấm. Và càng về sau mình càng thích nhạc Nga từ trường phái bi hùng cách mạng, dân ca Nga lẫn những bản tình ca Nga”.

Tình yêu bắt nguồn từ giai điệu đẹp

Không chỉ những người có thời gian học, gắn bó ở Nga mới yêu nhạc Nga, mà rất nhiều những người lớn lên tại Việt Nam nhưng vẫn mê nhạc Nga. Họ mê nhạc Nga vì giai điệu và ca từ của nhạc Nga quá đẹp.

Chị Lê Huyền Ngọc, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bình Thạnh, lại ấn tượng với nhạc Nga từ ngày bé. “Ở miền Bắc mình ngày xưa nhạc Nga tràn ngập, mình thì vốn nhạy cảm, thích thơ văn, hát ca, thế nên nghe những giai điệu Nga nhẹ nhàng, cổ điển bọn mình rất thích”.

Niềm yêu thích những giai điệu Nga lớn lần, chị Ngọc lại được học tiếng Nga. Cô giáo dạy những bài hát Nga và cứ ngày 7-11 hằng năm lại tổ chức đêm nhạc Nga, “trong lớp mình thuộc diện học khá tiếng Nga, vậy là cô giáo tập cho hát những bài đặc biệt hơn tí xíu như Nước Nga tổ quốc tôi; Cây thùy dương…”.

Anh Tấn Sơn, Tổng Giám đốc V Home Group, là người không học ở Nga nhưng tuổi nhỏ anh được thầy cô tập cho rất nhiều bài hát tiếng Nga. Là một doanh nhân nhưng anh Sơn không những thuộc rất nhiều nhạc Nga mà anh còn có thể ngồi cả buổi kể rõ ràng từng câu chuyện trong ca khúc. Chẳng hạn như bài hát Chàng trai khó tính kể về chuyện chàng trai trước khi ra chiến trường dặn dò người yêu; bản tango Ánh đèn là ca khúc biểu trưng của tình ca thời chiến; bài Em bé thành Leningrad là câu chuyện về một thiếu nhi trong thời chiến, dưới khung cảnh đổ nát của thành phố, em mang nước, băng bó cho các thương binh để rồi hy sinh.

Có thể nói, không sống một đời sống sôi nổi như nhạc Mỹ, nhạc Hàn hiện tại, nhưng nhạc Nga là những dòng chảy âm thầm, cứ thế thấm dần, thấm dần qua từng con người, từng kỷ niệm.

Những đêm nhạc gợi nhớ thời Xô Viết

Tối 7-11, nhạc sĩ Đức Thịnh và những người bạn yêu nhạc Nga sẽ cùng trình diễn một chương trình nhạc Nga trong một sân khấu ấm cúng tại 520 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.HCM. Khách mời là những người yêu nhạc Nga, văn hóa Nga, cùng đến và hát những bản tình ca Nga: Tôi yêu người đất nước Nga, Cánh đồng Nga, Hãy hát lên cây đàn guitar, Chàng trai khó tính, Ánh đèn, Chiều hải cảng, Triệu đóa hoa hồng…

Tối 4-11, tại Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son, một nhóm những người bạn hơn 40 năm học cùng ở Nga sẽ ngồi lại trong một đêm nhạc ngẫu hứng với tình ca Nga.

NAM THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm