Rộn ràng đón Tết Kỷ Hợi

Từ ngày 2-2 (28 tháng Chạp), Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề TP.HCM - Khát vọng vươn xa sẽ chính thức khai mạc. Đường hoa kéo dài 720 m sẽ khoác lên mình chiếc áo mùa xuân rực rỡ với nhiều loại hoa lạ, các cụm đại cảnh, tiểu cảnh với hình ảnh hóm hỉnh, vui tươi của linh vật.

Đại gia đình heo khoe sắc ở đường hoa

Năm Kỷ Hợi nên linh vật năm nay là những gia đình heo được thiết kế nhiều màu sắc thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời. Nghệ nhân Văn Tòng, người luôn “chủ xị” cho mảng linh vật ở đường hoa hằng năm, chia sẻ: “Hơn 20 linh vật với con lớn nhất 2,2 m và nhỏ nhất khoảng 60-70 cm sẽ xuất hiện ở đường hoa”.

Mở đầu Đường hoa Nguyễn Huệ là phân đoạn “Thành phố nghĩa tình giàu bản sắc” thể hiện cổng chào đường hoa thành ba cụm riêng biệt. Chiều cao cổng chính của Đường hoa Nguyễn Huệ gần 7 m với tổng cộng chín linh vật là đại gia đình heo cùng nhau vui chơi đón năm mới. Trong đó, heo cha cao 2,9 m và heo mẹ cao 2,6 m với trang phục áo dài, nón lá; áo dài, khăn rằn đặc trưng Nam bộ trong hai gam màu ngày Tết là đỏ may mắn và vàng thịnh vượng; các heo con cầm câu đối Tết, vui đùa... mang lại cảm giác hưng phấn, vui vẻ, tràn đầy năng lượng cho một năm vạn sự tốt đẹp.

Điều đặc biệt nhất của đường hoa năm nay chính là sự xuất hiện của sáu chú heo đất nghĩa tình tại sáu vị trí dọc đường hoa. Những chú heo đỏ này trên lưng mang họa tiết mai vàng và biểu tượng đồng tiền với tên gọi “Nuôi heo đất - Tết làm điều hay, chung tay đóng góp cho học sinh nghèo TP.HCM”.

Cùng đại gia đình heo, tại phân đoạn này, một phần kênh đào nổi tiếng - kênh Charner của trục đường Nguyễn Huệ thuở khai sinh cũng sẽ được tái hiện. Ở đó những chiếc thuyền chở đầy hoa trái nương theo những con sóng cách điệu bằng tre, nứa, xuôi dòng cập bến như câu chuyện trên bến dưới thuyền thuở trước.

Ngay giao lộ Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Huệ sẽ là phân đoạn hai của đường hoa với chủ đề “Thành phố thông minh” được thực hiện với tiểu cảnh: Chong chóng ước mơ, đại cảnh Internet vạn vật, các đại - tiểu cảnh Không gian ba chiều, Vườn kết nối, Robot thân thiện, Cây thông minh... Công nghệ hiện đại sẽ giúp những chậu cây tự phát sáng chuyển màu trong đêm và nắp ngọc trai tự động đóng mở mang lại hơi thở của cuộc sống về đêm, thể hiện sự gắn kết, hiện hữu của công nghệ trong mọi mặt của cuộc sống.

Từ giao lộ Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế sẽ là phân đoạn ba của đường hoa với chủ đề “Đô thị sáng tạo” thể hiện sự đổi mới toàn diện của TP. Búp hoa lớn nhất ở giữa hé lộ con số 2019 với khát vọng trong năm Kỷ Hợi 2019, TP.HCM sẽ tiến thêm một bước quan trọng trên hành trình trở thành TP thông minh, đạt được sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực.

Cả nhà rủ nhau xuống Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) vui chơi Tết. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các công nhân đang tất bật thi công đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi 2019. Ảnh: HOÀNG GIANG

Du xuân cùng sách

Lễ hội Đường sách Tết Kỷ Hợi 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 2 đến 8-2, tại khu vực đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (quận 1) với chủ để “Muôn màu của sách”.

Ba trục đường chính của lễ hội sẽ là ba cụm chủ đề khác nhau. Trục đường Mạc Thị Bưởi với chủ đề “Sách và thế hệ trẻ” là khu sách tổng hợp nhiều thể loại, giới thiệu những sách hay về giáo dục, khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa.

Trục đường Nguyễn Huệ với chủ đề “Vững bước vươn xa”, sẽ có khu triển lãm sách và ảnh panorama kỷ niệm 320 năm thành lập Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM. Bộ sách và hình ảnh về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam... Khu vực này còn có gian hàng triển lãm báo xuân 2019; triển lãm sách và hình ảnh những thành tựu đối ngoại của TP; tuyên truyền những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa...

Và trục đường Ngô Đức Kế với chủ đề “Thiếu nhi và thành phố tương lai” có khu trưng bày, giới thiệu sách dành cho thiếu nhi. Đây cũng là khu vui chơi cho các em, tổ chức các trò chơi dựa trên ý tưởng của phương pháp học STEM và các trò chơi dân gian.

Hoa đồng cỏ nội ở Phú Mỹ Hưng

Cùng với Đường hoa Nguyễn Huệ có mặt từ mùa Tết 2004, đường hoa ở Phú Mỹ Hưng (khu vực hồ Bán Nguyệt) cũng là điểm đến cho người dân TP nhiều năm nay.

Năm nay các hạng mục trang trí Đường xuân, Vườn xuân và Bến xuân sẽ được trưng bày từ ngày 28-1 (24 tháng Chạp) đến 9-2 (mùng 5 Tết). Mang chủ đề “Hoa và cuộc sống”, đường hoa ở Phú Mỹ Hưng luôn dành không gian cho những loài hoa dân dã, đồng nội.

Năm nay đường hoa được chia làm bốn không gian chính gồm Đường xuân, là nơi thể hiện nội dung chính của chủ đề “Hoa và cuộc sống”. Không gian này sẽ kể câu chuyện sống động về hành trình mang mùa xuân từ làng ra phố của các loài hoa, sứ giả của mùa xuân. Những tiểu cảnh sẽ đóng vai “người kể chuyện”, đưa du khách từ làng hoa Sa Đéc, từ vườn mai Nam bộ xuôi ngược trên những chiếc xe lam, xe thổ mộ, xe đạp, ghe thuyền chất đầy hoa về nơi phố hội. Tại đây, đàn heo âm dương trong tranh Đông Hồ, những chú heo ngộ nghĩnh trong các bộ phim hoạt hình của trẻ em và đàn heo thịnh vượng như một lời cầu chúc dành cho du khách.

Không gian Bến xuân là một điểm đặc trưng của Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng dựa trên ưu thế hồ Bán Nguyệt vốn có. Bến xuân sẽ tái hiện khung cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền của một chợ hoa vùng sông nước, cùng với đó là khu vực thả hoa đăng cầu mong an lành, hạnh phúc cho du khách. Tại đây, hằng đêm cũng có chương trình biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như đờn ca tài tử, hát quan họ, hò Huế, hò ví dặm...

Không gian Vườn xuân sẽ được kết nối với Đường xuân qua cầu Ánh Sao mang khung cảnh làng quê yên bình, thân thuộc với những giàn bầu, giàn bí, luống bắp, luống cải… Và cuối cùng, không gian Góp xuân sẽ là nơi trưng bày các tác phẩm hoa cảnh nghệ thuật của các nghệ nhân đến từ các vùng hoa kiểng nổi tiếng như Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm