Quốc phục: Không thể bình chọn như hoa hậu

Nhằm triển khai đề án lựa chọn quốc phục Việt Nam, tại Lễ hội hoa xuân và đồ uống tết năm 2011 sẽ triển lãm nhiều hình ảnh, tư liệu về triều phục thời Lý, Trần, Lê, một số trang phục, lễ phục của vua quan triều Nguyễn, các tư liệu về trang phục, lễ phục sử dụng tại các hội nghị APEC, ASEAN, lễ hội đền Hùng... Đây là quá trình khởi động cho việc tổ chức, lấy ý kiến về quốc phục Việt Nam. Theo họa sĩ Vi Kiến Thành - thành viên của đề án, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về quốc phục mới chỉ là giai đoạn thăm dò. “Nếu áp đặt nhưng nhân dân không chấp nhận, không sử dụng, tức là thất bại” - ông Thành nói.

Qua trao đổi với các nhà văn hóa, giới chuyên môn, cách chọn quốc phục này cần cân nhắc.

Chuyện của người am hiểu

PGS-TS Ngô Đức Thịnh đồng ý cần có quốc phục nhưng không đồng tình cách bình chọn. Ông Thịnh nói: “Quốc phục ẩn chứa một kho tàng mỹ thuật, mỹ học, trang trí, một câu chuyện lịch sử và đại diện văn minh của một dân tộc. Nhưng tại sao chuyện quốc phục mình đã khởi xướng từ chục năm nay rồi mà loay hoay mãi vẫn chưa tìm được. Không tìm ra nguyên nhân và giải pháp, bây giờ lại khởi động nữa làm gì, rồi lại lập ban bệ, bầu bán, hội họp, chẳng giải quyết chuyện gì cả”. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An cũng cho rằng để lựa chọn quốc phục, không thể chỉ lấy ý kiến dựa theo số đông. Thay vào đó, nên xem đây là một đề tài nghiên cứu và phải lựa chọn cả những người sẽ đưa ra ý kiến. Bởi lẽ đây là vấn đề liên quan đến nền văn hóa dân tộc, sẽ là câu chuyện của hàng trăm năm, ngàn năm chứ không phải là chuyện một sớm một chiều. Đây cũng không phải là cuộc bình chọn hoa hậu.

Quốc phục: Không thể bình chọn như hoa hậu ảnh 1

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An cho rằng: Để lựa chọn quốc phục, không thể chỉ là lấy ý kiến dựa theo số đông. Trong ảnh: Một lễ cưới tập thể với trang phục áo dài. Ảnh: HTD

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng có ý tương tự: “Tôi nghĩ không nên đưa cái sự dân chủ vào đây để lạm bàn, phản biện. Muốn phản bác những vấn đề này thì phải am hiểu, nghiên cứu sâu. Trưng cầu dân ý hay tổ chức thi thố chỉ làm nhũng nhiễu, tốn thời gian mà thôi. Cứ chỉ định hẳn một số nhà thiết kế, người nghiên cứu về trang phục để làm. Chỉ có những người am hiểu thì mới có thể tìm ra mẫu tốt nhất và thuần Việt nhất”.

Tại sao không chọn áo dài?

Theo Giáo sư Trần Văn Khê thì nên lấy áo dài làm quốc phục. Ông dẫn hai câu thơ của nhà thơ Văn Tiến Lê để minh chứng: “Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời/ Thân sau vạt trước nên lời nước non”. Giáo sư cũng nói thêm, chúng ta có thể cách tân, cách điệu chiếc áo dài nhưng phải giữ hồn cốt, đừng để nó giống với áo của bất cứ dân tộc nào. Ông Phan Thuận An cũng đề nghị: “Tại sao nước ta lại không đưa áo dài thành quốc phục? Nước ta đã có tà áo dài là quốc phục? của nữ giới. Một phụ nữ mặc áo dài dù đi đứng ở xã hội nào, người ta cũng nhận ra đó là người Việt Nam. Như vậy, quốc phục của nam giới có nên như thế không? Chúng ta phải so sánh với các nước khác, xem có nước nào mặc áo dài như Việt Nam không”. Họa sĩ Trịnh Quang Vũ cũng cùng quan điểm này: “Tiêu chí đầu tiên để chọn quốc phục là trang phục ấy phải xuất phát từ gốc của người Việt. Áo dài của chúng ta xuất phát từ chiếc áo năm thân và tứ thân của hai tộc người Mongoloid và Indonesian. Nó là bản sắc văn hóa của chúng ta và là trang phục thuần Việt nhất. Áo dài thì từ vua, quan đến dân đều mặc một kiểu dáng như nhau, có điều màu sắc, chất liệu và họa tiết khác nhau để phân biệt. Qua rất nhiều triều đại đều ăn mặc như thế nhưng có một thời gian nó bị đứt đoạn, đã mất gốc, bây giờ quay trở lại thì phải đúng. Có thể biến tấu nhưng về cơ bản phải giữ được tinh thần Việt, hồn Việt”.

Vung tiền ra nhưng không màng tới kết quả

Tưởng như việc chọn quốc phục sẽ rất đơn giản nhưng vì sao kể từ khi phát động lần đầu tiên đến nay đã gần chục năm rồi, chúng ta vẫn chưa thể tìm ra một bộ quốc phục? Điều đáng nói là cách làm việc “ăn xổi ở thì” của các vị trong ban tổ chức. Tôi cũng từng được mời để bàn bạc, tư vấn về đề tài này, thậm chí họ còn đầu tư tiền bạc đặt tôi vẽ hẳn hoi, những bản phác thảo ấy vẫn còn nằm tại Cục Mỹ thuật nhưng rồi chẳng có một văn bản đúc kết nào được đưa ra. Rồi hàng loạt cuộc thi thiết kế quốc phục được tổ chức nhưng cũng bỏ không, chẳng có kết luận gì. Chẳng ai biết những ý kiến đóng góp, những sản phẩm ấy đi đâu, về đâu suốt một thời gian dài, nay bỗng dưng lại phát động tiếp.

Tôi nghĩ làm văn hóa thì phải dài hơi, không thể làm theo kiểu có tiền thì vung ra làm, xong thì thôi, chẳng quan tâm đến kết quả.

Nhà thiết kếĐOÀN THỊ TÌNH

Theo Tôn Thất Bình (Kể chuyện chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn, NXB Đà Nẵng, 1996), chiếc áo dài được hình thành vào thế kỷ XVIII, tức đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765). Năm 1884, bác sĩ quân y Charles-Edouard Hocquard theo đoàn quân viễn chinh Pháp sang xâm chiếm Việt Nam đã chụp lại rất nhiều hình ảnh nhân vật, phong cảnh Việt Nam và nếp sinh hoạt của người Việt. Từ bộ ảnh này, ta thấy vào cuối thế kỷ XIX, khăn đóng áo dài không khác lắm so với khăn áo vào thế kỷ XX và hiện nay. Thời điểm này, khăn đóng áo dài được mọi tầng lớp xã hội (lao động bình dân, trí thức, quan chức…) mặc, nhất là khi đi ngoài đường.

Quốc phục: Không thể bình chọn như hoa hậu ảnh 2

Sau Cách mạng Tháng Tám, khăn đóng áo dài cũng được một số quan chức Chính phủ sử dụng như: ông Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1945), Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946); ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I (2-3-1946 - 8-11-1946).

Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao APEC diễn ra trong hai ngày 18 và 19-11-2006 ở Hà Nội, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên đã chụp ảnh lưu niệm chung trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam.

YÊN THẢO - MP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm