Quách Ngọc Ngoan: Một mình đóng cả hai vai phi thường

Quách Ngọc Ngoan kể rằng bản thân gần như bị động khi đến với 2 vai này, vì lúc các phim casting (tuyển chọn diễn viên), anh lại kẹt đóng phim ở xa.

Được chọn vào phút cuối

Với vai Tố Như, khi nghe con của Đào Bá Sơn “rủ rê” rằng phim đang tìm diễn viên, thì anh lại đang đóng phim truyền hình ở Bảo Lộc, nên chỉ gửi vài hình chân dung qua email cho đạo diễn. Với vai Lý Công Uẩn, đoàn phim điện thoại mời casting ngay lúc vai Tố Như đang quay ở miền Bắc, không thể về được. Thế rồi, như một cơ duyên đầy may mắn, sau khi tuyển chọn tới lui, không hiểu sao cả 2 đạo diễn đều quyết định mời Quách Ngọc Ngoan đến casting bổ túc, rồi được chọn vào phút cuối.

Quách Ngọc Ngoan: Một mình đóng cả hai vai phi thường ảnh 1
Quách Ngọc Ngoan trong vai Tố Như (hình trái) và vai Lý Công Uẩn

Vai Tố Như tưởng rằng nhẹ nhàng, dễ thể hiện, nhưng làm thế nào để lộ ra cốt cách của vị quan văn, của một thi hào là điều không dễ dàng. Quách Ngọc Ngoan cũng đồng ý điều này, vì bản thân dù thích lịch sử, nhưng với hình tượng một thi sĩ thì lại khá xa lạ. Anh lại không thích văn chương, ít có dịp gần gũi hay quan sát đời sống của những nhà thơ. Xem xong Long thành cầm giả ca, phải nói rằng cái ánh mắt buồn buồn như người muôn năm cũ, cái vóc dáng thư sinh đã làm cho Tố Như vừa có được sự sang trọng của bậc nho nhã, lại có sự ưu thời mẫn thế của một trí thức lúc tao loạn. Đặc biệt, nếu có dịp đến quê hương Hà Tĩnh, sẽ thấy gương mặt của Quách Ngọc Ngoan có nhiều nét tương đồng với tượng đài Nguyễn Du.

Vai Lý Công Uẩn thì gần như ngược lại, một trí dũng song toàn, cỡi ngựa đánh võ nói chung thuộc kiểu vai hành động. Bước qua những bỡ ngỡ ban đầu của kỹ thuật làm phim nhựa, Quách Ngọc Ngoan vào phim này “ngon trớn” hơn, kịch bản phân vai cũng khá tròn trịa, nên thể hiện cũng dễ dàng. Cái khó của vai hành động là ở khả năng “hành động”, Quách Ngọc Ngoan nói rằng anh vài lần té ngựa, bị thương, ngất xỉu là vì muốn tự mình thực hiện, chỉ những phân đoạn thật khó mới dùng đến người đóng thế.

Thông điệp từ nội tâm

Khát vọng Thăng Long (KB: Charlie Nguyễn & ê-kíp, ĐD: Lưu Trọng Ninh, 110 phút) do Johnny Trí Nguyễn đạo diễn võ thuật, Dominic Pereike đạo diễn hình ảnh được xem là một cuộc quy tụ hùng hậu của các chuyên gia lành nghề. Phim được đầu tư rất lớn, với sự tham gia diễn xuất của Ngô Mỹ Uyên, Vũ Đình Toàn, Leon Quang Lê, Thạch Kim Long...; đã chiếu họp báo tại Hà Nội vào ngày 5/ 10, chiếu họp báo tại TP.HCM vào ngày 10/11, ra rạp trên toàn quốc vào ngày 12/11.

“Điều khó nhất của 2 vai này là cách thể hiện nội tâm nhân vật. Một Nguyễn Du nho nhã, điềm đạm, đau đời trước biến cố của đất nước, ánh mắt luôn đăm chiêu, u sầu, nhiều khi trống rỗng. Một Lý Công Uẩn khi còn là nhà sư thì nhẹ nhàng thanh tịnh, lúc mới vào kinh thành thì bỡ ngỡ và khi trở thành tướng triều đình thì khí phách mạnh mẽ, từ lời ăn tiếng nói đến phong thái, cử chỉ. Về cuối phim, khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, nét mặt ông rạng ngời, thanh thản”, Quách Ngọc Ngoan tâm sự.

Trong Long thành cầm giả ca, đúng như tình thần bài thơ đã đề cập, mà 2 câu này (tạm dịch) đã thể hiện khá rõ nét: “Tây Sơn cơ nghiệp tiêu rồi/ Chỉ còn sót lại một người cầm ca”. Là thi sĩ sống giữa vận nước và thời cuộc rối ren, Tố Như mang trong lòng cả sự tự tôn và âu lo.

Còn Khát vọng Thăng Long lại là tinh thần nhập thế, gánh vác thời cuộc, cứu đời cứu người… của một vị chân tu. Lý Công Uẩn xuất thân từ chốn tu hành, nhưng lòng lại nghe tiếng kêu đau thương của thế gian, nhận ủy thác và tư vấn của thầy mình là Vạn Hạnh thiền sư, ông đã có những quyết định táo bạo, mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng của nhà nước phong kiến, dựng nên vương triều Lý.

Cái khó của vai này là làm sao dẹp bỏ tình riêng, gác qua những thù hằn cá nhân, sự nhỏ nhen để đứng lên chung vai gánh vác sơn hà. Mối quan hệ của Lý Công Uẩn với vua Lê Long Đĩnh, với các quan lại trong triều đình cũ, trước khi dời đô về Thăng Long thật phức tạp, nên cách thể hiện phải làm sao bề ngoài thì nhã nhặn, mà bên trong phải quyết liệt, dứt khoát, đúng thời điểm.

Điểm chung duy nhất của 2 nhân vật này là sự bình dị trong lối sống, Lý Công Uẩn hay Nguyễn Du đều vậy, bước qua những áp lực và hào quang của quan trường, thời cuộc, tâm hồn họ luôn muốn lánh xa chuyện thị phi. Thêm một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi mà Quách Ngọc Ngoan cũng tâm sự rằng bản tính của anh cũng thích lối sống như vậy, luôn tránh xa đám đông và những ồn ào không cần thiết. 

Theo Văn Bảy (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm