Phong tặng Nghệ nhân ND, NNUT: Đánh đố người được xét tặng

Sau nhiều năm soạn thảo, Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 7-8-2014. Tuy nhiên, dù đã có thời gian soạn thảo rất dài, rất nhiều hội thảo góp ý được tổ chức từ các bộ - ngành trung ương đến địa phương nhưng những nội dung bị cho là thiếu hợp lý và bất cập vẫn còn nguyên vẹn.

Quy định bất khả thi

Theo quy định, danh hiệu NNND, NNƯT được phong tặng cho các công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian… Các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc; có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước (đối với NNND) hoặc của địa phương (đối với NNƯT), thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao (đối với NNND) và có giá trị (đối với NNƯT) về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật.

Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú ĐẹẢnh: hoàng Nguyên

Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ. Ảnh: Hoàng Nguyên

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, trong văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân vốn là danh xưng được xã hội mặc nhiên công nhận đối với những tài năng hoạt động gìn giữ di sản. Việc chia danh hiệu thành NNND và NNƯT trong nghị định là không cần thiết vì nó không phù hợp thực tiễn hoạt động của nghệ nhân các loại hình di sản. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn của danh hiệu cũng cho thấy nhiều điều bất cập với thực tiễn hoạt động của các nghệ nhân. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phân tích việc các nghệ nhân phải có học trò, có thành tích và giải thưởng là không thực tế bởi từ bao đời nay, sự tồn tại của nhiều loại hình di sản luôn ở mức nguy cơ báo động do không có người kế tục. “Người ta không thích học thì các cụ không có học trò” - ông nói.

Ngoài ra, việc phải có giải thưởng mới được xét tặng là không phù hợp thực tiễn. “Ở phía Nam, nhắc đến đờn ca tài tử là nhắc đến những cái tên Bảy Bá, Ba Tu, Văn Giỏi, ai cũng biết đó là những bậc thầy về đàn, những danh cầm nổi tiếng nhưng người ta đâu có tham gia những cuộc thi để lấy giải thưởng. Cụ Nguyễn Phú Đẹ cũng là bậc thầy về đàn đáy, danh cầm ca trù cuối cùng còn lại của lớp nghệ nhân thế kỷ XX nhưng có đi thi bao giờ đâu mà lấy giải thưởng làm hồ sơ xin tặng danh hiệu NNND” - ông Hiền phân tích. Chuyên gia này cũng cho biết nghệ nhân hát kể trường ca các tộc Tây Nguyên hiện nay chỉ còn số lượng đếm trên đầu ngón tay, việc kêu gọi thanh niên nghe họ hát đã khó chứ chưa nói đến việc có học trò theo nghiệp?

Cũng theo quy định này, muốn trở thành NNND, người thực hành di sản trước đó buộc phải đạt danh hiệu NNƯT. Như vậy, lớp các bậc nghệ nhân lão thành hiện nay đã ở tuổi 80-90, giả sử các cụ muốn trở thành nghệ nhân cấp “nhân dân” thì trước nhất phải là NNƯT, điều đó thật bi hài với tuổi đời của các cụ. Một bất cập nữa cũng được các chuyên gia chỉ ra là các NNND phải “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước” trong khi phần lớn các di sản mang tính khu biệt vùng miền, chẳng hạn đờn ca tài tử ở phía Nam, ca trù, hát xoan… ở phía Bắc thì chắc chắn các NNƯT sẽ không thể có cơ hội được xét tặng danh hiệu NNND bởi họ không thể thực hiện được mục tiêu “phát huy giá trị di sản” trong “phạm vi cả nước”.

Thủ tục phức tạp

Để được phong tặng danh hiệu này, các nghệ nhân phải làm (hoặc nhờ làm hồ sơ). Trong đó, bên cạnh bản khai thành tích còn có các tài liệu như băng, đĩa tư liệu mô tả chuyên môn, tri thức mà nghệ nhân nắm giữ; bản sao có công chứng các quyết định tặng thưởng huân, huy chương, giải thưởng, bằng khen… Các hồ sơ phải qua 3 cấp xét duyệt là huyện, tỉnh, nhà nước.

Thủ tục phức tạp của việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân đã khiến nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra là không hợp lý. Những nội dung không phù hợp này đã được các đại biểu nêu ra trong các cuộc hội thảo góp ý cho nghị định trước đó nhưng dường như không được tiếp thu. GS Hoàng Chương, Giám đốcTrung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu văn hóa dân tộc, cho rằng thủ tục rườm rà khiến người đáng được tôn vinh nản chí. Đa số nghệ nhân là người lao động ở nông thôn, họ yêu nghề, giữ nghề nên yêu cầu họ khai hồ sơ thì phải hết sức đơn giản.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng với lượng lớn các nghệ nhân cao tuổi, đặc biệt nghệ nhân các dân tộc thiểu số mà hiện rất nhiều người còn chưa biết chữ, việc làm thủ tục xin phong danh hiệu sẽ khó khăn đến nhường nào. Ở đây, cũng thấy rõ việc phong tặng được tiến hành theo cơ chế xin - cho chứ không phải sự chủ động của nhà nước với những người gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.

PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng phải đặt tài năng và cống hiến lên trên hết. “Sự suy tôn của cộng đồng là quan trọng nhất, làm được điều này thì sẽ không có sự xin - cho” - PGS Bài nói.

Cơ quan quản lý đùn đẩy

Cục Di sản và Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), đơn vị trực tiếp soạn thảo Nghị định 62, chưa có câu trả lời rõ ràng khi được hỏi về những quy định bất cập vẫn tồn tại trong nghị định này. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, cho hay Cục Di sản chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng nghị định, Vụ Thi đua - Khen thưởng chỉ tham gia nên muốn có thông tin cụ thể thì hỏi Cục Di sản. Liên lạc với lãnh đạo Cục Di sản, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, cho biết đang bận họp và chỉ sang Phòng Di sản phi vật thể. Ngoài ra, ông Hùng sẽ đi công tác nên không thể gặp được phóng viên vào hôm sau.

Một đại diện của Phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết vừa nhận được kế hoạch xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT lần thứ nhất năm 2015 của Bộ VH-TT-DL. Theo vị này, vì mới nhận được hướng dẫn nên cũng chưa thể lường trước sẽ gặp khó khăn như thế nào.

Theo Hoàng Lan Anh (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm