Phố tiện ích và bất hạnh

Nguyễn Ngọc Dân - người được gán biệt danh Dân “dây điện” đã mất đến tám năm lùng sục khắp ngõ ngách Hà Nội, vào Nam ra Bắc rồi tẩn mẩn thu gom từng sợi cáp bị bỏ quên bên đường, nhìn ngắm những khối bê tông khô khốc để làm một việc táo bạo. Đó chính là đưa những thứ lộn xộn vẫn được gọi là “rác trời” ấy vào một cuộc triển lãm có tên Phố, khai mạc vào ngày 14-12 vừa qua tại Hà Nội.

Ý tưởng sáng tạo táo bạo

Khi đó, phố qua góc nhìn của họa sĩ Dân “dây điện” là những cột điện chằng chịt dây điện như tơ nhện, bủa lấy khoảng trời nhỏ hẹp. Phố là chiếc loa phường đã đi qua cuộc sống bao thế hệ người Hà Nội. Phố còn là đống dây cáp điện bùng nhùng bị ai đó bỏ rơi sau những đợt thi công, nằm chỏng chơ ở một góc khuất. Và phố là những chiếc đèn xanh, đèn đỏ quen thuộc trên đường…

Kết hợp cả triển lãm sắp đặt và triển lãm tranh, Dân “dây điện” có lẽ cũng là một họa sĩ hiếm hoi dám làm một triển lãm cá nhân quy mô như vậy ở triển lãm Vân Hồ - nơi vốn quen thuộc với những sự kiện quy mô của các đơn vị. Với triển lãm sắp đặt, Dân bê vào đó một một khối bê tông to kềnh chiếm lĩnh một phần không gian ở sân triển lãm, rồi anh tưởng tượng, khối bê tông vô thức ấy ghép với cái cột điện nằm ngang, cùng đèn cao ốc dựng đứng cũng giống tư thế một cây đàn bầu. Vậy là anh đặt tên cho tác phẩm của mình là “đàn bầu”.

Phố tiện ích và bất hạnh ảnh 1

Những sắp đặt ngoại cỡ của Dân “dây điện” cùng các phương tiện di chuyển tạo ra một không gian tương tác tích cực giữa nghệ thuật và công chúng.

“Sưu tập hiện vật đã vất vả nhưng vất vả nhất là vận chuyển được 20 khối nguyên liệu về đây triển lãm” - Dân chia sẻ. Cùng với những thứ tưởng như bỏ đi ấy, triển lãm của anh còn hội tụ cả những hiện vật đã quen mắt, gắn với cuộc sống người Hà Nội. Đó là chiếc xe tải vận chuyển đồ đạc trong những lần chuyển nhà, chiếc xe taxi cho những lần di chuyển và cả chiếc xe cần cẩu sữa chữa điện…

Môi trường sống đầy trói buộc

Một ấn tượng đập vào mắt của người xem đó là hình ảnh những chiếc cột điện nằm xếp tầng lên nhau, phía trên là quả cầu biểu trưng cho Trái đất. Họa sĩ giải thích những cột điện nằm ngang ấy như bàn tay của tạo hóa, nâng niu lấy đất mẹ Trái đất. Nhưng nghĩ xa hơn một chút, đó còn là lời cảnh báo cho chính con người hôm nay, rằng Trái đất của chúng ta đang bị xâm hại bởi cuộc sống hiện đại nên cần phải có những hành động thiết thực để bảo vệ nó.

Ngoài những hình ảnh xuyên suốt là chiếc loa phóng thanh, cột điện, dây điện… người xem còn phải dừng bước trước một tác phẩm khổng lồ lạ lẫm, được tạo ra từ một khối mô phỏng thân cây nặng hơn hai tấn và chiếc loa cũ. Tác phẩm dường như ẩn chứa thông điệp của họa sĩ về sự xâm hại của con người lên giới tự nhiên.

Theo Dân, tất cả hiện vật anh đưa vào triển lãm qua lăng kính của nghệ thuật nhằm chứng minh một điều rằng cuộc sống hiện đại đang xâm lấn đời sống. Dây điện, cáp điện, loa phóng thanh… là một phần của cuộc sống hiện đại đó mà chúng ta tạm thời chưa thể chối bỏ. Chúng đẹp hay xấu, trật tự hay hỗn độn, là đang xây dựng phát triển hay đã là rác thải? Chúng là những thứ ta mong muốn và căm ghét. Chúng mang lại tiện ích và bất hạnh. Môi trường sống đầy trói buộc, cuộc mưu sinh như một mớ bòng bong khổng lồ khó lòng tháo gỡ.

Phát hiện nhân tố trói buộc thị dân

Đi và vẽ, sưu tầm và chọn lựa các vật có sẵn, đắn đo cân nhắc các phương tiện tạo hình - thị giác, họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân phát hiện cho mình và cho đô thị những nhân tố mới: Những cột điện, đường dây, biển báo và loa phóng thanh. Chúng gợi câu hỏi: Liệu ta có đủ sức điều khiển những khối vật chất vô cảm, vô tri giác mà ta làm ra hay ta sẽ bị những “âm binh” này sai khiến?

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm