Oscar 83, sự thắng thế của mạng xã hội

Lễ trao giải Oscar lần thứ 83 đã kết thúc tại nhà hát Kodak, Los Angeles (Mỹ) vào tối 27-2 (tức sáng 28-2 theo giờ Việt Nam) với chiến thắng thuộc về bộ phim The King’s Speech (Bài diễn thuyết của nhà vua). Kết quả này không gây bất ngờ vì mặc dù The Social Network từng qua mặt The King’s Speech tại Quả cầu vàng nhưng ở các giải thưởng tiền Oscar diễn ra sau đó, bộ phim về vua George VI của nước Anh đều chiến thắng.

The Social Network thua ở mạng xã hội

Có mười đề cử cho hạng mục Phim xuất sắc nhất ở Oscar 83, thế nhưng thời điểm trước khi giải thưởng được công bố, mọi dự đoán đều dồn về hai bộ phim: The King’s Speech (Bài diễn thuyết của nhà vua)The Social Network (Mạng xã hội).

Ngay sau khi Mạng xã hội chiến thắng ở Quả cầu vàng 2011 cũng với bốn giải thưởng quan trọng vào ngày 17-1 thì càng đến gần Oscar, dự đoán giải phim xuất sắc nhất càng nghiêng về Bài diễn thuyết của nhà vua. Dù có truyền thống phim đoạt Quả cầu vàng thường sẽ đoạt giải Oscar sau đó nhưng thực tế trong sáu mùa giải gần đây, chỉ duy nhất bộ phim Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) đồng đoạt giải tại Quả cầu vàng và Oscar.

Oscar 83, sự thắng thế của mạng xã hội ảnh 1

Với vai vị vua nói lắp George VI trong phim The King’s Speech, Colin Firth đã chiến thắng ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Ảnh: REUTERS

Bộ phim Bài diễn thuyết của nhà vua chiến thắng ở Oscar lần thứ 83 có thể xem là một chiến thắng lớn của mạng xã hội. Bởi trên các trang mạng xã hội đặc biệt là trang Twitter, số người bình chọn cho Bản diễn thuyết của nhà vua luôn đứng đầu; với yếu tố này, có thể nói bộ phim giành bốn tượng vàng của Oscar 83 đã chiến thắng về mặt khán giả. Ngược lại, bộ phim Mạng xã hội nói về chính những người sáng lập mạng xã hội Facebook được đề cử ở Oscar nhưng lại không giành chiến thắng ở lần này.

Sự trở lại của phim tiểu sử

Thắng lớn của Bài diễn thuyết của nhà vua ở Oscar không chỉ là sự chiến thắng của một lượng đông đảo khán giả, mà còn đánh dấu sự trở lại của dòng phim tiểu sử trong lịch sử giải thưởng Oscar.

Từ năm 2000 đến nay, chỉ hai bộ phim tiểu sử rõ nét nhất nhận được giải thưởng phim xuất sắc tại Oscar. Phim đầu tiên là A beautiful mind (tại Việt Nam, phim được biết đến với hai tựa: Trí tuệ hoàn hảo hoặc Một tâm hồn đẹp) của đạo diễn Ron Howard với bốn giải thưởng quan trọng ở Oscar 2002. Bộ phim nói về cuộc đời của nhà kinh tế học John F. Nash, GS Viện Toán học thuộc ĐH Princeton, người từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 1994. Và cho đến năm 2008, bộ phim tiểu sử thứ hai chiến thắng ở Oscar là La vie en rose (Đời tựa đóa hồng), nói về nữ danh ca người Pháp Edith Piaf.

Bài diễn thuyết của nhà vua là phim về lịch sử Hoàng gia Anh nói chung nhưng trong đó khéo léo nhất là nhà làm phim đưa vào những câu chuyện mang tính thâm cung bí sử xung quanh quan hệ tình cảm bạn bè, vợ chồng của vua George VI (Albert Frederick Arthur George). Theo lịch sử, từ nhỏ hoàng tử Albert (tức vua George VI) bị mắc chứng nói lắp, là người rụt rè và không được huấn luyện về việc trị vì. Nhưng hoàng tử Albert đã lên làm vua một cách bất đắc dĩ khi vua Edward VIII bất ngờ thoái vị năm 1936. George VI là cha của đương kim nữ hoàng Elizabeth II.

Bộ phim Bài diễn thuyết của nhà vua được sản xuất năm 2010 (Tom Hooper là đạo diễn, kịch bản: David Seidler) đã lấy chính cuộc đời của Goerge VI để dựng thành phim. Và việc thắng thế của bộ phim này có thể xem là chiến thắng của thể loại phim tiểu sử. Bởi trong những năm gần đây, Oscar ít khi chú trọng đến những phim có chân dung nhân vật, tiểu sử để trao giải.

Một số hạng mục quan trọng của Oscar lần thứ 83

- Phim xuất sắc nhất: The King’s Speech.

- Đạo diễn xuất sắc: Tom Hooper (phim The King’s Speech).

- Nam diễn viên chính xuất sắc: Colin Firth (phim The King’s Speech).

- Nữ diễn viên chính xuất sắc: Natalie Portman (phim Black Swan).

- Nam diễn viên phụ xuất sắc: Christian Bale (phim The Fighter).

- Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Melissa Leo (phim The Fighter).

- Kịch bản gốc xuất sắc: The King’s Speech.

- Kịch bản chuyển thể xuất sắc: The Social Network.

- Phim hoạt hình xuất sắc nhất:Toy Story 3.

- Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc: In A Better World (Đan Mạch).

- Quay phim xuất sắc: Inception.

- Nhạc phim hay nhất: The Social Network.

- Bài hát trong phim hay nhất: We Belong Together (Toy Story 3)…

Oscar 83, sự thắng thế của mạng xã hội ảnh 2

Một cảnh trong phim Toy Story 3.

Trong lịch sử Oscar chỉ có hai phim hoạt hình từng được đề cử vào danh sách Phim xuất sắc nhất, đó là Beauty and the Beast (Người đẹp và quái thú) năm 1991 và Up (Vút bay) năm 2010. Cả hai phim này đều không thắng được các phim điện ảnh. Thế nhưng năm nay, Toy Story 3 tiếp tục được xếp ngang hàng với chín đề cử cho hạng mục Phim xuất sắc nhất.

Ngay sau khi giải thưởng Oscar công bố, hãng hoạt hình danh tiếng Walt Disney đã gửi thông cáo báo chí toàn cầu với tựa đề “Đây là đêm tuyệt vời cho Disney tại Oscar 83!”.

Walt Disney đã nhận được bốn giải thưởng. Hai giải thưởng: Phim hoạt hình xuất sắc nhất và Bài hát trong phim hay nhất thuộc về Toy Story 3 (Câu chuyện đồ chơi 3). Và bộ phim 3D Alice in Wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên) chiến thắng hai hạng mục: Thiết kế trang phục xuất sắcChỉ đạo nghệ thuật xuất sắc.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm