Ở Sài Gòn, nhớ ti gôn mọc bờ, mọc bụi

Ti gôn nở hoa quanh năm nhưng nở rộ, màu thắm nhất là thời điểm chuyển mùa xuân sang hạ.

Ti gôn theo tuổi học trò

Ngày đó, nhà ai dựng vợ gả chồng cho con, cổng hoa và rạp không thể thiếu hoa ti gôn trang trí cùng lá dừa. Người khéo tay còn kết hình đôi tim bằng hoa ti gôn treo ở các góc rạp.

Ti gôn mọc ở bờ rào, hoa có màu hồng thắm như gọi mời ong bướm. Ảnh: TRI TRẦN

Về sau, người lớn không cho làm thế nữa bởi câu chuyện tình dang dở trong bài thơ Hai sắc hoa ti gôn: “Bảo rằng: Hoa, dáng như tim vỡ. Anh sợ tinh ta cũng vỡ thôi…” của TTKh.

Dây ti gôn trông mảnh mai, yếu ớt nhưng có một sức sống mãnh liệt bất chấp thời tiết khắc nghiệt.

Bằng chứng là vào mùa khô hạn kèo dài, bao cây cỏ trong vườn cháy khô nhưng riêng ti gôn thì khác, vẫn hiên ngang vươn dài, hoa càng thêm sắc.  

Mùa lụt, nước dâng cao nhấn chìm hàng rào, ti gôn ngập sâu ngoi ngóp nhiều ngày. Ấy vậy mà khi nước rút đi, sau một hai cơn mưa gội rửa bùn non là bình thường trở lại, trong khi các loại cây cỏ khác khó mà sống.

Lũ ong luôn chọn những bụi ti gôn có nhiều hoa say sưa hút mật hàng giờ.

Khi mặt trời còn lấp ló phía sau rặng tre già, đàn bướm đã vờn quanh những cánh hoa đang gọi mời. Những chú ong, bướm đủ màu sắc quyện với màu xanh của lá, màu hồng của hoa vẽ nên một bức tranh quê quyến rũ, làm dịu hẳn cái nắng hè khô khốc.

Mỗi khi tan trường, thi thoảng bắt gặp những chùm hoa ti gôn trên chiếc giỏ xe học trò, ấy là của mấy anh chàng có ý tán tỉnh cô nàng nào đó, hái rồi lén bỏ vào hồi hộp chờ phản hồi từ đối phương.

Đôi khi, chỉ được nghe nàng cười khúc khích xem như đã thành công.  

Mùa này, con đường mòn quanh co ôm theo bờ ruộng, bờ rào dây ti gôn ken cứng, có dây quấn chặt, kéo ra lên đến vài chục mét.

Hoa ti gôn trong ở thành phố không sắc như trồng ở quê. Ảnh: TRI TRẦN

Hoa ti gôn còn được bọn trẻ trong xóm nghĩ ra nhiều trò chơi rất con gái, trong đó có trò hái hoa kết vòng đội đầu giả làm cô dâu.

Ở trường học, trên bàn giáo viên lúc nào cũng có bình hoa, khi thì hoa hồng, hoa dừa, lúc thì hoa ti gôn… Những loại hoa có trong vườn nhà, mọc dại đâu đó mà học sinh mang đến theo phân công của tổ trực nhật.

Nhớ ti gôn mọc bụi, mọc bờ

Quanh nhà, mấy mươi năm rồi dây ti gôn mọc quanh hàng rào, dây leo đến tận đọt cây khế cao. Sợ rắn rít vào nhà, má thường cắt tỉa trống chân hàng rào nhưng chỉ hai, ba ngày sau là dây non túa ra nhiều hơn trước.

Tôi thích ngắm hoa ti gôn chẳng phải vì màu sắc mà thích vì sức sống mãnh liệt của nó.

Ngày đưa con về quê nghỉ hè, tôi chọn những chùm hạt khô hái phơi thêm chừng hai nắng cho khô quéo lại rồi bóc tách lấy hạt bên trong, cất vào túi xách chờ ngày vào thành phố.

Môi trường mới, ti gôn nảy mầm đều, phát triển bình thường, tiếc là màu hồng không thắm như ở quê. Bạn đến chơi nhà cũng cùng cảm nhận và bảo đừng tưới nước nhiều vì nó đã quen sống ở điều kiện khắc nghiệt.

Mà xứ này, có một khoảng đất trồng hoa quý hơn vàng, chủ yếu trồng trong xô, chậu, không tưới một buổi chắc gì đã còn sống.

Ti gôn mọc dại ở bờ ruộng. Ảnh: TRI TRẦN

Thêm một minh chứng nữa về sức sống mãnh liệt của ti gôn, ở môi trường mới, hoa không được leo hàng rào tre mà “sang” hơn là được leo tường bê tông để quấn lấy hàng rào sắt thép dù được trong trong bồn đất rất nhỏ.

Sau một ngày cuốn mình vào công việc, được về nhà tỉa tót, bắt dây, tưới nước, nâng niu từng chùm hoa… như được về với thiên nhiên.

Có giàn hoa mát con mắt, hàng xóm cũng thích thú  nhưng lắm lúc bị mắng vốn vì nhiều hôm đang thiu thỉu ngủ, nghe chó sủa inh ỏi, ra thì thấy mấy cô em sinh viên đang “check-in” giàn hoa.

Có cô nàng còn ngắt cả chùm hoa làm đạo cụ, xong vứt xác tại chỗ, thế mới buồn lòng.

Về miền Tây, trong tận đồng sâu cũng có ti gôn, màu hồng nhạt của hoa chẳng mấy thu hút, có thể vì thế mà lũ ong bướm cũng chán, chẳng mấy khi thấy chúng vờn qua.

Mỗi lần về quê, tôi thích tản bộ thả lỏng mình với thiên nhiên, thỏa sức ngắm hoa ti gôn.

Trẻ chơi trò kết hoa ti gôn giả làm cô dâu. Ảnh: TRI TRẦN

Màu hồng thắm trải dài xa tít tắp theo con đường mòn, những chùm hoa lơ lửng trên đầu, vươn mình ra khỏi hàng rào như gọi mời ong bướm.

Sài Gòn, ngồi dưới giàn hoa ti gôn nhưng lại nhớ đến nao lòng màu hồng thắm của ti gôn mọc bụi, mọc bờ.

Chuyện tình "Hai sắc hoa ti gôn" lên phim
Khi kịch bản phim Chuyện tình hai sắc hoa ti gôn của nhà báo Trần Đình Thu vừa hoàn thành, bài thơ Hai sắc hoa ti gôn và bút danh T.T.Kh, đến nay vẫn còn là một bí ẩn với nhiều người dù hiện tượng thơ này đã tốn nhiều giấy mực nhằm lý giải trong hàng chục năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm