Ở cuối tiếng cười là nước mắt

Nghệ sĩ hài Tùng Lâm một thời ngang dọc trên sân khấu và màn ảnh với biệt danh “quái kiệt”, ông “rớ” vào lãnh vực nào cũng đều thắng đậm, đến nổi NSND Kim Cương nói rằng: “Thời đến cản hỗng kịp. Ở đâu có Tùng Lâm, ở đó có đông khán giả”. Năm nay, nghệ sĩ Tùng Lâm đã gần 80 tuổi. Ông nhìn cuộc sống lặng lẽ trôi qua trong nỗi nhớ xót xa ánh đèn sân khấu.

Quái kiệt về vườn

Ngôi nhà ông đang ở nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo mà mỗi khi đi ra khỏi nhà, ông phải đếm từng bước chân để nhớ những chỗ cua quẹo vì đôi mắt đã mờ.

Nhìn lại chặng đường nghề và đường đời đã đi qua, ông cảm ơn khán giả đã ban tặng cho ông hai chữ “quái kiệt”. Một tên tuổi lớn trong làng giải trí Sài Gòn với một thời vang tiếng “lãnh tiền bằng bao bố”. NSND Kim Cương kể vui: “Thời đó chưa có sân khấu hài như ngày nay. Thập niên 1950-1960 là thời của các danh ca.
Các ban kịch truyền hình mới bắt đầu hình thành và Tùng Lâm vào nghề với vị trí một ca sĩ trẻ, hát hay, phong cách mới lạ, cộng thêm tài ăn nói có duyên nên bộc phát ngay bằng việc kết hợp với các nghệ sĩ lập nên các nhóm song tấu hài hước. Tiền thân của thể loại tấu hài sau này. Sô diễn nào có Tùng Lâm là khán giả ùn ùn kéo đến, cộng thêm sau này, các hãng phim thực hiện nhiều bộ phim hài, tên của anh trở thành thương hiệu để lôi kéo khán giả đến rạp. Tôi có một kỷ niệm đẹp với anh Tùng Lâm là đóng chung bộ phim Tứ quái Sài Gòn, rất ăn khách thời đó”.

Ở cuối tiếng cười là nước mắt ảnh 1

Nghệ sĩ Tùng Lâm (trái) và Thanh Hoài trong một tiểu phẩm hài diễn ở quán

Sau ba lần bị tai biến ngay trên đường lưu diễn, sức khỏe của ông tụt dốc. “Đi đứng bây giờ khó khăn lắm. Cứ phải chầm chậm mà bước. Lần đó, đang diễn ở Quảng Trị, nếu không có người trong đoàn đưa đi bệnh viện chắc đã ra đi rồi… Giờ thì chỉ đếm từng ngày trôi qua trong nỗi nhớ sàn diễn, nhớ khán giả. Bây giờ, tôi đau ốm liên miên nên chuyện quay lại với sân khấu rất khó” - nghệ sĩ Tùng Lâm nói rồi bật khóc. Mỗi lần gặp đồng nghiệp, điều đầu tiên ông quan tâm là bao giờ đến ngày cúng Tổ. Bởi ngày truyền thống sân khấu hằng năm là ngày ông được gặp các đồng nghiệp như chính họ cùng với ông đang trở về nhà.

“Đó là số phận”

Một người bạn diễn thân thiết cùng thời với quái kiệt Tùng Lâm là nghệ sĩ Thanh Hoài - một nghệ sĩ có chất giọng nhừa nhựa, chuyên đóng những vai tán tỉnh các cô gái bằng nụ cười rất đặc trưng. Nếu quái kiệt Tùng Lâm có phong cách diễn xuất “tấn công ào ạt” thì danh hài Thanh Hoài “từ từ cháo cũng sẽ nhừ”… Ông nói với vẻ tâm đắc: “Nhờ Tổ nghiệp thương nên tôi mới có duyên với cái giọng nhừa nhựa này để nuôi sống bản thân và gia đình”.

Cả hai ông một thời lừng lẫy trên các sàn diễn, sô diễn không nhận hết, tiền cát-sê tăng vọt từ sàn kịch cho đến điện ảnh. Tuổi về chiều, danh hài Thanh Hoài bị bệnh thấp khớp, sức khỏe không còn như xưa nên ông không xuất hiện trên sàn diễn. Ông kể: “Một thời tôi nhận lời mời của nghệ sĩ Hồng Vân tham gia một vài vở diễn ở Kịch Phú Nhuận, cụ thể là vở Số đỏ. Được bà con khán giả khen, tôi mừng lắm.
Nhưng rồi sau đó do thời gian đi tập, đi diễn thay đổi liên tục, sức khỏe không cho phép, lại ở Vũng Tàu với các con nên tôi xin rút. Tôi và anh Tùng Lâm rủ nhau lập quán ăn có diễn văn nghệ ở quận Gò Vấp , TP HCM cho đỡ nhớ nghề. Ban đầu, khách đến ủng hộ hai “nghệ sĩ lão thành” rất đông, chúng tôi diễn cũng rất hăng. Nhưng đã mở quán thì phải tiếp khách, phải nhậu nên sức khỏe bị hao mòn vì thức khuya, uống rượu, bia nhiều. Một phần thì lo cho sức khỏe, phần khác quán xá bắt đầu ế ẩm, tiền vốn bị thâm hụt, đành chia tay nhau”.

Nghệ sĩ Tùng Lâm đã từng mở nhiều quán ăn có hát với nhau. Sau khi hùn hạp mở quán với nghệ sĩ Thanh Hoài, ông giải nghệ làm chủ quán. Ngẫm lại, hai ông đều cho rằng đó là số phận của đời nghệ sĩ, “có lúc lên ngôi thì có lúc phải tụt xuống chứ hỏng lẽ ngồi hoài trên đó” - quái kiệt Tùng Lâm ví von. “Có điều, mỗi chặng đường vinh quang đi qua đã cho tôi hiểu hơn về những giá trị mình có được. Nghiệp diễn viên sống nhờ vào đồng tiền mua vé của công chúng. Mỗi đồng tiền kiếm được đó, nghệ sĩ cũng vất vả chứ có đơn giản đâu. Nhưng rồi danh vọng, nhà lầu, xe hơi cũng rũ áo ra đi. Chẳng ai khẳng định làm nghệ sĩ nuôi sống được ba đời” - quái kiệt Tùng Lâm tâm sự.

Danh hài Thanh Hoài may mắn hơn khi về chiều, ông được sống an nhàn bên con cháu dù bệnh tật chẳng tha. “Nhìn lại quãng đời làm nghệ thuật của mình, tôi không hối tiếc điều gì. Ai hỏi tôi có hối hận không khi theo nghiệp nghệ sĩ, tôi khẳng định nếu có kiếp sau vẫn xin Tổ thương cho tôi làm một Thanh Hoài để được nghe khán giả cười, để cho đời thêm trẻ. Nhưng nếu có làm nghệ sĩ thì xin chừa rượu, bia, thuốc lá. Có hại cho sức khỏe lắm”.

Luôn nhớ sân khấu

Nghệ sĩ Thanh Hoài cho biết: “Mỗi khi xem truyền hình thấy một vài diễn viên trẻ diễn cẩu thả là tôi muốn đập bể cái tivi cho rồi. Không hiểu sao diễn hài dung tục như thế mà các đài truyền hình phát sóng tràn lan, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ nhỏ”. Và ông lại mơ ước: “Phải chi con người thắng được bệnh tật để tôi còn được diễn 5 năm nữa, lúc đó sẽ làm được nhiều việc cho sân khấu”.

Ông cười lạc quan và chỉ vào cánh tay bị gãy cách đây không lâu khiến cho hai cánh tay bên ngắn, bên dài rồi ông khẽ khàng nói bằng chất giọng nhừa nhựa: “Đến khi bị tật thì Tổ cũng thương nên cho cánh tay nhìn rất hài. Vậy mà phải rời xa sân khấu. Nếu còn được diễn, tôi có thể khai thác tối đa cánh tay bị tật này để mua vui cho khán giả, giống như cô Bảy cán vá của nghệ sĩ Ngọc Giàu chứ không thua”.

Kỳ tới: Chỉ còn trong ký ức

Theo THANH HIỆP (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm