NSƯT Việt Anh làm “kẻ trộm”

Nội dung vở "Xấu – giả - tốt – thật" được triển khai từ kịch ngắn của tác giả Nguyễn Thu Phương có tựa Kẻ trộm đêm giao thừa. Sau khi triển khai, ê kíp thực hiện quyết định đổi thành tên vở kịch thành Tối như đêm 30 hoặc Tư Liều chữa bệnh.

Tuy nhiên, qua sự góp ý của tác giả Lê Duy Hạnh – chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cuối cùng vở chính thức mang tên Xấu – giả – tốt – thật, nhằm khái quát rõ hơn những tiêu cực trong xã hội khi mà con người không tự ý thức tốt đối với cuộc sống của bản thân.  

NSƯT Việt Anh làm “kẻ trộm” ảnh 1

NS Thanh Hoàng và NSƯT Việt Anh tạo tiếng cười duyên dáng cho khán giả qua vở "Xấu - giả - tốt - thật"
                                                                                                                      
Mượn không gian khoa học viễn tưởng để hình thành câu chuyện ông giáo sư (Thanh Hoàng) cố gắng chế ra các loại thuốc giúp con người tốt hơn trong cuộc sống. Các loại thuốc đó có công dụng giúp người uống có lòng tốt bụng, nhân từ trong khoảng 2 giờ. Họ tham gia bảo vệ môi trường, cảnh báo tai nạn giao thông, yêu âm nhạc dân tộc, đối diện với cái ác bằng tấm lòng nhân từ… Các nhân vật chấp nhận “thử thuốc” đã tạo ra những tình huống bi hài xen lẫn khiến người xem được cuốn theo sự thú vị của câu chuyện.
Nhân vật Tư Liều là một gã ăn trộm, mong muốn có thật nhiều tiền để lo cho các con trong đêm giao thừa, nhưng rồi nhờ thử thuốc, Tư Liều đã giúp một cô gái nhẹ dạ thoát khỏi sự lừa gạt của một kẻ xấu muốn chiếm đoạt đời cô. Xúc động hơn khi Tư Liều vào nhà một bà lão mù, vơ hết tất cả những đồ cúng giao thừa để rồi chợt nhận ra mình là kẻ xấu trước thái độ ân cần chia sẻ với cảnh nghèo của gã. Ở lớp diễn này, hai nghệ sĩ Việt Anh và Mỹ Uyên đã lấy nước mắt khán giả.

NSƯT Việt Anh làm “kẻ trộm” ảnh 2

           NS Mỹ Uyên và NSƯT Việt Anh lấy nước mắt người xem
                                               
Qua vở kịch, điều tốt hiển hiện không phải nhờ vào loại thuốc nào mà bản thân cái tốt phải được nuôi lớn từ ý thức, từ cảm nhận và cái tâm của con người. Từ câu chuyện của Tư Liều, khán giả ra về vừa cười, vừa suy gẫm.
             
Vở có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ và các nghệ sĩ: Việt Anh, Mỹ Uyên, Công Ninh, Nguyễn Sanh, Thanh Hoàng, Cát Tường…
Theo Thanh Hiệp (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm