NSND Việt Anh: ‘Tôi khóc, cười với Lôi Vũ hôm nay!’

Vở kịch Lôi Vũ đã ghi lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu kịch nói Sài Gòn 32 năm trước và bây giờ vẫn gây xôn xao làng kịch với lứa diễn viên trẻ. NSND Việt Anh trải lòng về Lôi Vũ và các học trò đầy triển vọng của mình.

. Phóng viên:Ở đêm thi tốt nghiệp vởLôi Vũ của học trò do anh đạo diễn, khán giả thấy anh cười, rồi anh khóc ngon lành,... sao thế?

+ NSND Việt Anh: Tôi cười nhiều khi xem đêm thi tốt nghiệp, bất ngờ vì các em diễn chững chạc quá! Mặc dù tôi thấy một số em còn run rẩy, còn hồi hộp khi nhìn xuống khán phòng không còn một chỗ đứng. Nhưng đấy là biểu hiện của sự lo lắng ngọt ngào và rất đỗi hạnh phúc.

Tôi cười nhiều vì chứng kiến những cánh chim non mới chập chững bay ra sân khấu nhưng rất tự tin. Bất giác có những khoảnh khắc tôi nhớ đến những buổi tập của các em. Tôi nhớ mãi có em bị tôi la rầy nhiều đã khóc và hứa với tôi sẽ tập cho đến khi nào diễn như thầy mong muốn. Có những em ngấu nghiến giáo trình dạy học của thầy cô, chịu khó học hỏi và thao thức nghiền ngẫm cách thể hiện nhân vật sao cho diễn cảm nhất. Cuối vở diễn, tôi đã khóc. Tôi khóc vì tự hào và hạnh phúc với các em, vì sự khổ luyện của các em đã được đền đáp.

. Anh chia sẻ với 16 diễn viên trẻ là buổi công diễn thành công trong mong đợi nhưng có lẽ với anh, Lôi Vũ được đề cử giải thưởng Mai vàng 2020 là ngoài mong đợi?

+ Khi chấp nhận đưa vở diễn ra mắt khán giả, tôi biết sẽ thành công trong mong đợi, vì trong các buổi tập và duyệt, các em làm rất tốt. Thêm vào đó, sân khấu Lôi Vũ 2020 đa dạng hơn, lộng lẫy hơn với hiệu ứng tuyệt vời của âm thanh, ánh sáng, của đội nhạc kịch tái hiện bối cảnh, giấc mơ,... không còn đơn điệu như xưa. Những sự thêm thắt này hấp dẫn người xem hơn.

Còn khi biết tin Lôi Vũ được đề cử vào giải Mai vàng, tôi thực sự bất ngờ! Tôi chưa nghĩ về điều đó. Chắc chắn sự kiện này là một động lực rất lớn cho hành trang làm nghề của các em sau này. Nó chính là kết quả của sự rèn luyện công phu, là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho công sức của các em.

. Vì sao anh không chọn dàn dựng một vở kịch dễ thở hơn, gần gũi với xã hội đương đại hơn, thay cho mộtLôi Vũ xa xưa thời những năm 1930, lại trong bối cảnh Trung Hoa ly loạn của tác giả Tào Ngu?

+ Thật ra tôi muốn chọn vở diễn tốt nghiệp nặng ký như Lôi Vũ là nhằm giúp các em tôi luyện kỹ lưỡng và chạm đến sự khó nhọc của nghề. Tôi thích thú khi tạo ra một cơ duyên cho đời nghệ sĩ của các em trong vở kịch lớn, ghi lại dấu ấn ở một vai diễn lớn. Nhưng tôi rất nghiêm khắc với các em qua Lôi Vũ, không cho diễn viên trẻ có quyền chọn cái dễ dàng để học, để thi. Tôi khao khát các em trưởng thành ngay khi rời ghế nhà trường.

Một cảnh trong vở Lôi Vũ mới đây do NSND Việt Anh làm đạo diễn. Ảnh: CT

. Hầu như các học trò của anh đều chia sẻ không dám nghiền ngẫm Lôi Vũ bản diễn năm 1988 từng gây tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật khi ấy?

+ Đơn giản là các em ngại ngùng và lo sợ bị ảnh hưởng cách diễn của tiền bối đã gặt hái nhiều thành quả 32 năm trước. Tôi cũng không khuyến khích các em tham khảo Lôi Vũ 1988, bởi cách thể hiện của chúng tôi khi ấy quá góc cạnh.

Nhưng ở thế hệ diễn viên trẻ của Lôi Vũ 2020 có những nét diễn dễ thương và trong trẻo. Cái chính là tôi cảm nhận rất rõ lòng đam mê, sự yêu nghề và tinh thần cầu tiến của các em.

. Anh có nghĩ Lôi Vũ 2020 của lứa diễn viên trẻ có đủ sức gây ấn tượng phần nào hoặc kế thừa vững chãi so với thế hệ diễn viên gạo cội như Việt Anh, Thành Lộc, Minh Trang hay kế cận như Hồng Vân, Hữu Châu, Quốc Thảo, Minh Hải... so với Lôi Vũ 1988?

+ Không thể so sánh với thế hệ 1988. Chúng ta có thể xem các em diễn rất đạt, nhờ sự đồng đều về lứa tuổi đôi mươi, thanh sắc, kỹ thuật, sự hòa hợp và trình độ ngang ngửa nhau. Nhưng các em chưa đủ sức đứng diễn chung với vài cô chú thế hệ 1988. Tôi mong các em diễn nhiều, va chạm nhiều thì sẽ ngày càng cứng cáp hơn.

Ứng viên của giải Mai vàng 2020

Sau những đêm diễn ấn tượng ở sân khấu kịch Hồng Vân, tác phẩm Lôi Vũ do đạo diễn, NSND Việt Anh dàn dựng đã trở thành một ứng cử viên của giải thưởng Mai vàng 2020 do báo Người Lao Động tổ chức. 

. Và nếu so với hơn 30 năm trước của anh, hay thời gian gần đây hơn, thế hệ trẻ có những đặc điểm gì nổi bật để tiếp nối truyền thống?

+ Thật ra các em đều đã biết nghề, hiểu nghề khi có nhiều thầy cô giàu kinh nghiệm thực tế truyền đạt kiến thức để vững vàng hơn. Kịch nói là môn khoa học biểu diễn, nó bắt buộc diễn viên phải có kiến thức để vận hành tư duy, để phân tích, cảm nhận, diễn xuất..., cộng thêm kiến thức của các bộ môn khoa học khác như triết - mỹ học, văn học, tâm lý học. Tôi nghĩ các em sau này là đội ngũ kế thừa đáng tin cậy của kịch nói TP.HCM.

. Sau ấn tượng của Lôi Vũ 2020 do anh làm đạo diễn, anh còn mong mỏi gì về thực trạng sân khấu kịch nói TP.HCM bây giờ để ngày càng đến gần với công chúng hơn?

+ Tôi hy vọng các cấp lãnh đạo của TP.HCM có chính sách cụ thể, ưu đãi hơn cho đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên sân khấu kịch nói. Các đài truyền hình cũng dành cho sân khấu một thời điểm và thời lượng đẹp phát sóng để tạo nguồn khán giả trẻ biết yêu một trong bảy bộ môn nghệ thuật của nhân loại.

. Xin cám ơn anh.

“Thương mấy đứa nhỏ vất vả mưu sinh”

NSND Việt Anh tâm sự: “Hồi nhận lớp diễn viên nâng cao này, mình thương các em một, giờ thương mười. Mấy đứa yêu nghề quá! Sau cánh màn nhung sân khấu, cứ nghĩ đến cái cảnh có đứa phải đi phụ bán cà phê nửa đêm về sáng, đứa soát vé, đứa làm hậu đài, đứa bán khô gà, sữa rửa mặt trên mạng, đứa đi múa phụ họa đám cưới... kiếm từng đồng lẻ mưu sinh là mình lại ứa nước mắt. Thương mấy đứa nhỏ quá! Nghề diễn trong thời buổi khó khăn này không đùa với áo cơm đời thường. Nhưng mình luôn dặn các em không có đùa với nghiệp sân khấu. Đã dấn thân vào cuộc chơi nghệ thuật lắm công phu là phải hết lòng với nó”. 

Phản hồi từ hàng ghế khán giả

Các anh chị giỏi và duyên dáng quá!: “Thường đi xem kịch, mình chỉ nhớ một vài nhân vật tiêu biểu gây ấn tượng nhưng với riêng Lôi Vũ, mình nhớ hết cả tám nhân vật. Mình quan sát rõ biểu cảm trên gương mặt diễn viên, cảm nhận khát vọng cũng như nỗi đau trong tình yêu thật hơn, để rồi nước mắt cứ lưng tròng, rơi xuống trong vô thức. Các anh chị giỏi quá, đẹp và duyên dáng quá!” - Mộc Mộc.

Các bạn chính là ánh đuốc: “Phiên bản Lôi Vũ 2020 vốn không là một bài diễn tốt nghiệp đơn thuần mà chính là đêm công diễn thành công với hàng trăm khán giả cả ngồi cả đứng. Lôi Vũ 1988 đã tạo nên những ánh đuốc sáng lòa trên bầu trời sân khấu suốt hơn ba thập niên nhưng mình tin các diễn viên trẻ 32 năm sau không cần đi tìm và làm cái bóng của ánh đuốc. Ánh đuốc không có bóng nên các bạn chính là ánh đuốc rồi. Nhé!” - Khanh Nguyễn.

Không thể ngừng tràng vỗ tay kéo dài: “Giữa khán phòng không một tiếng động, khán giả không thể còn giữ nổi sự yên lặng cần có. Họ bật dậy vỗ tay khen ngợi sự xuất thần của các diễn viên trẻ. Lần thứ hai tôi đi xem lại vở kịch nói kinh điển bằng sự tò mò chăm chú, chỉ vì những diễn viên trên sân khấu kia chỉ là những con chim non mới ra ràng. Tất cả đều nỗ lực hết sức để hoàn thành các vai diễn nặng ký đã ghi đậm dấu ấn của thế hệ đi trước, hiện là thầy cô của họ. Vở diễn kết thúc, đêm đã về khuya kèm theo cái lạnh của cơn mưa dai dẳng ngoài trời vẫn không làm cho khán giả quên chào tạm biệt các em bằng những tràng vỗ tay kéo dài...” - Trần Hữu Nghĩa. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm