Nỗi buồn một nhà thờ tổ sân khấu đã mất

Nhớ những ngày NSND Phùng Há còn sống và khỏe mạnh, vào ngày giỗ tổ sân khấu, trụ sở Ban Ái hữu nghệ sĩ, 133 Cô Bắc, quận 1, TP.HCM (còn gọi là nhà thờ tổ của nghệ sĩ) rộn ràng, náo nhiệt cả một khúc đường.

Trên tầng một của ngôi nhà 133 Cô Bắc, nghệ sĩ cao niên, nghệ sĩ tên tuổi hát bội, cải lương, kịch nói khắp các đoàn ngồi trang nghiêm, đông đảo. Bàn thờ tổ được trang hoàng liễn, phướn uy nghi như dựng rạp cúng tế khi xưa. Các nghệ sĩ hát bội, cúng với ban nhạc lễ, học trò lễ hiện diện đông đủ.

Lễ giỗ tổ bắt đầu với những màn tế lễ như múa hát bội Tứ thiên vương, tế lạy diễn ra uy nghiêm, màu sắc, đặc sắc như tính chất diễn xướng của sân khấu. Nghệ sĩ Phùng Há và nhiều vị cao niên như NSND Đinh Bằng Phi, bà bầu Như Mai, nghệ sĩ Kim Cương… cùng nhau làm chánh tế, tế lễ đóng nén nhang đầu tiên dâng tổ… Tiếp đến các nghệ sĩ hát, diễn vài bài, vài trích đoạn trước bàn thờ tổ gọi là cúng tổ. Sau đó các nghệ sĩ, quan khách cùng nhau xuống tầng dưới đã bày sẵn các bàn tiệc ăn uống, chuyện trò, hát hò tưng bừng cả buổi tạo nên không khí giỗ tổ hào hứng. Khoảng thời gian đó, lễ giỗ tổ sân khấu ở nhà thờ tổ 133 Cô Bắc luôn được cả giới nghệ sĩ hướng về và là lễ giỗ tổ lớn nhất, đặc sắc, được mong chờ nhất ở nghệ sĩ và khán giả.

Thiếu những nghệ sĩ cao niên tiêu biểu trong nghề, lãnh đạo Hội Sân khấu và lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM thắp hương mở đầu lễ Giỗ Tổ

Khi nghệ sĩ Phùng Há mất vào năm 2009, không khí giỗ tổ ở nhà thờ tổ của nghệ sĩ vẫn được duy trì nhiều năm với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ cao niên như Đinh Bằng Phi, Huỳnh Mai, Kim Cương, Nam Hùng… Cho đến cách nay khoảng ba năm, khi tầng một và tầng trệt ngôi nhà 133 Cô Bắc được Ban Ái hữu nghệ sĩ cho thuê biến thành quán cà phê máy lạnh, nhà thờ tổ cũng đổi tên thành nhà truyền thống sân khấu trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM quản lý thì lễ giỗ tổ sân khấu ở đây không còn như xưa. Từ một nhà thờ tổ, nơi này đã biến thành một phòng thờ tổ nằm ở tầng hai - tầng trên cùng căn nhà 133 Cô Bắc.

Lễ giỗ tổ sân khấu vào ngày 9-9 mới diễn ra tại đây, từ khách khứa, bàn thờ, tế cúng, đãi ăn, bếp núc đều dồn lại trong một tầng nhà không chứa nổi quá 50 người. Khách thiếu chỗ ngồi, đứng lố nhố ngoài hành lang cầu thang. Lãnh đạo, khách mời, nghệ sĩ ngồi bên cạnh những bà bếp soạn rau bún, chặt thịt thà cũng ngay bên bàn thờ.

Bàn thờ ông địa nằm ngoài cầu thang

Nhạc lễ nổi lên, ai cúng thì cúng, ai chặt thịt, soạn rau thì cứ tiến hành. Không còn hát bội Tứ thiên vương, không học trò lễ, nghi thức tế lễ, không có biểu diễn phụng cúng, không có nghệ sĩ cao niên đứng ra chánh tế. Lễ cúng diễn ra đơn giản với dàn nhạc lễ tối thiểu ba người và một vị phó Đoàn Hát bội TP.HCM đứng ra khấn vái nhanh chóng. Trong không gian chật chội, vài bàn tiệc được dọn ra trong mịt mù khói nhang...

Quan khách cúng tế, bếp núc chen nhau trong một không gian chật hẹp

Mỗi khi có người trò chuyện, hỏi han về nhà thờ tổ 133 Cô Bắc, nghệ sĩ Kim Cương lại như bùng lên sự bức xúc về ngôi nhà chung của nghệ sĩ này. Còn nghệ sĩ Bạch Lựu từ nơi xa cũng ngậm ngùi: “Bây giờ nhà thờ tổ được đổi lại là nhà truyền thống. Cái chính danh đã mất thì tất cả đều tan biến theo… Buồn quá!”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm