Níu giữ nét đẹp của dân tộc thiểu số

Chiều 10-11, triển lãm mang tên Văn hóa của mình - đối thoại trong không gian mởsẽ diễn ra tại Công viên Lam Sơn, quận 1, TP.HCM. Buổi triển lãm sẽ trưng bày hơn 140 bức ảnh do chính người dân tộc thiểu số cả nước tự chụp và kể về cuộc sống xung quanh họ (theo dạng photovoice). Chương trình do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức với sự hỗ trợ của tổ chức CARE, Oxfam Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch.

Cán bộ của iSEE đến từng bản làng để chỉ dẫn cách chụp ảnh. Những nhà nhân học như TS Nguyễn Trường Giang, TS Hoàng Cầm, TS Võ Mai Phương, TS Phạm Minh Phúc… đến nói cho họ hiểu như thế nào là văn hóa, không có văn hóa thấp, cao chỉ có sự khác biệt và đa dạng, đa dạng văn hóa lại là tốt cho một quốc gia... Quá trình chụp ảnh đã giúp người dân tộc hiểu thêm về văn hóa của mình, về những gì đang diễn ra quanh mình.

Tự hào

Chị Lý Thị Hồng Kiều (dân tộc Khmer, Sóc Trăng) lâu nay làm phụ hồ, ít để ý những gì diễn ra xung quanh. Khi được tập huấn cách chụp ảnh, về những nét đẹp văn hóa của đồng bào mình, chị suy nghĩ: Người Khmer mình siêng năng nhưng sao cứ mang tiế ng là biếng nhác. Chị  tìm cách nói ra điều đó, quan sát nhiều lần, thấy gặt lúa ngoài đồng, nhà này giúp công cho nhà kia rất nhiệt tình, chị mang máy ra đồng chụp. Chị chụp hình ảnh thanh niên tươi cười vác chiếc máy suốt lúa trên đồng ruộng. Chị chọn một tấm ưng ý nhất gửi đi với chú thích: “Hồi xưa người Khmer có tục vần công, đổi công; bữa nay làm cho nhà này, bữa sau chuyển sang làm cho nhà khác, đến khi xong thì thôi. Bây giờ các chủ ruộng thích mướn máy gặt đập liên hợp vì giá rẻ, gặt nhanh và lúa đỡ bị rơi rụng hơn. Chỉ những chủ điền nhỏ hoặc những người còn tình cảm với bà con mới còn mướn gặt thủ công. Bức ảnh này chụp các nhân công đang vác máy suốt làm cho anh Đen ở ấp Tâm Phước, xã Đại Tâm. Tôi thấy bà con mình thân thiện, đoàn kết quá”.

Tương tự chị, nhiều người Khmer khác ghi lại và lý giải về các tập quán của đồng bào mình như nhà trai đến nhà gái rước dâu phải ở qua đêm, người con gái về làm dâu phải bắt được con cá bống cho mẹ chồng, lễ cưới nhà gái của người Khmer phải có bông cau… 

Níu giữ nét đẹp của dân tộc thiểu số ảnh 1

Một trong những trăn trở của đồng bào dân tộc: “Đây là những cây chè cổ của Suối Giàng người ta mua chở xuống dưới xuôi làm cây cảnh. Một cây chè cổ thụ thì bán hơn chục triệu đồng. Xã cũng cấm nhưng người dân vẫn bán. Cuộc sống khó khăn nên cây chè này được trả giá cao thì người ta cứ bán thôi. Nếu để thu hoạch thì một cây chè một năm cũng không được nhiều tiền như thế. Nếu muốn giữ những cây chè này thì người ta phải có cuộc sống thu nhập tốt hơn. Hiện nay thu nhập chính cũng không từ cây chè vì giá chè không ổn định, họ vẫn phải làm nương ngô, nương sắn”. (SÙNG A CỦA, 27 tuổi, thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái)

Trăn trở

Ông Kray Sức, người dân tộc Pa-cô, nói: “Dân ca Pa-cô dần dần bị mai một rồi con ơi. Giờ muốn nghe dân ca phải tìm người già, ở xã T’Rụt chỉ còn 32 người thông thuộc ca, đánh đàn pre. Dân ca Pa-cô là những lời tự sự đối đáp với nhau nhằm giải quyết các chuyệ n mâu thuẫn của làng, của gia đình. Khi có mâu thuẫn, hai bên ngồi lại với nhau, đàn anh đàn chú đứng cạnh bên há t cho hai bên biết nghĩ sâu xa hơn, xóa căng thẳng. Giờ người ta chỉ đem diễn trong lễ hội”. Hai người con ông, một đang làm cán bộ y tế xã, một học đại học nhưng không ai còn quan tâm đến dân ca Pa-cô. Chính vì nỗi trăn trở này, ông đã chụp ảnh các lễ hội dân gian của đồng bào mình.

Những bức ảnh của ông Kray Sức và nhiều người trong xã chụp đã được đem ra triển lãm tại UBND xã. “Xã định làm trong ba ngày nhưng các xã khác cũng kéo đến xem đông quá nên để cả tuần luôn. Ai cũng thấy vui trong bụng” - ông Kray Sức nói. Sau khi chụp ảnh, ông ray rứt nghĩ mãi làm sao để giữ được những nét đẹp trong lời ca, tiếng hát. Mới đây ông mời những người lớn tuổi tập trung lại chỉ dạ y lớp trẻ đánh cồng chiêng, hát dân ca, thổi kèn, đánh đàn pre…

Trong triển lãm có những bức ảnh gợi lên cho người xem sự luyến tiếc: Chàng trai dân tộc đi cưới vợ mặc vest thay vì  áo truyền thống, những buổi văn nghệ được giới thiệu là của người đồng bào nhưng do người Kinh biểu diễn…. Khi tôi hỏi anh Sùng A Của, điều gì làm người dân tộc H'Mông như anh không vui. Anh bảo: “Ngày xưa đồng bào toàn trồng lúa đỏ, cơm dẻo, nấu để mang đi nương ăn cả ngày vẫn thơm, lúa không phun thuốc gì cả. Giờ nhiều người trồ ng giống lúa Tàu năng suất cao hơn. Nhưng trồng nó thì phải phun thuốc trừ sâu, ăn vào hại cái bụng lắm”.

Chị Lương Minh Ngọc, cán bộ phụ trách chương trình photovoice, cho biết chị rất bất ngờ khi tiếp nhận lại những tấm ảnh bà con gửi về. “Nó quá đẹp so với tưởng tượng của những người đã từng làm photovoice như chúng tôi” - chị nói.

Ông LÊ QUANG BÌNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường:

Việc người dân tộc nói về văn hóa của mình qua những bức ảnh tự chụp, câu chuyện tự kể sẽ giúp cho các dân tộc hiểu đúng về văn hóa của nhau. Quá trình chụp ảnh cũng giúp người dân tộ c tìm hiểu, học hỏi về tập tục truyền thống của mình và thấm thía, tự hào. Điều này rất quan trọng vì người dân chỉ giữ gìn những gì họ tự hào mà thôi. Quan trọng hơn nữa, Việt Nam rất đa dạng về tộc người và văn hóa, vì vậy việc thấu hiểu văn hóa của nhau để không định kiến và đoàn kết là vô cùng quan trọng. 

Từ trước đến nay văn hóa của người dân tộc nhiều khi lại do người ngoài miêu tả hoặc trình diễn. Chính vì vậy, nó thường bị hiểu sai, méo mó hoặc không hấp dẫn. Khi tự nói về văn hóa của mình họ sẽ truyền được cái hồn cho những người xung quanh. Cảm nhận văn hóa phải cảm nhận được cái hồn đó, phải cảm nhận như người trong cuộc cảm nhận nó thì mới thấy hết cái hay, cái đẹp. Vớ i tham vọng tất cả dân tộc đều có cơ hội chụp ảnh và kể về văn hóa của mình, chúng tôi đang quyên góp 500 máy ảnh cho người dân để họ có thể chụp ảnh, lưu giữ và chia sẻ văn hóa của mình.

________________________________________

Trước khi chụp ảnh, em thấy các bà, các mẹ đeo khuyên tai nặng không hiểu tại sao lại đeo. Nhìn thấy người dân tộc khác đeo vàng đeo bạc, em nghĩ dân tộc mình lạc hậu. Bây giờ em biết và tự hào vì các bà còn đeo trang sức truyền thống.

Chị HỒ THỊ BỤI (dân tộc Pa-cô, Quảng Trị)

Sau chương trình, em tự hào hơn về những gì liên quan đến cuộc sống, văn hóa của dân tộc mình, em biết nhiều hơn về các dân tộc khác.

Chị LÝ THỊ LÍU (dân tộc Dao, Yên Bái)

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm