Những người may áo ‘giữ hồn’ cải lương

“Khi chia tay nghề đào hát để gắn bó với nghề này, tôi đã xác định từ đây mình sẽ không còn được xướng tên mỗi đêm diễn mà chỉ là người âm thầm sau bức màn nhung” - nghệ sĩ (NS) Bảo Ly mở đầu câu chuyện.

Âm thầm sau bức màn nhung

NS Bảo Ly tên thật Nguyễn Thị Tuyết, cha bà là soạn giả - NS thiết kế phục trang Nam Sơn, chủ gánh hát Trúc Giang trước năm 1975. NS Bảo Ly bắt đầu bén duyên sân khấu cải lương với vai trò đào hát của đoàn hát gia đình. Đây cũng là nơi mai mối cho câu chuyện tình đẹp giữa bà và người bạn đời, đồng thời là bạn nghề - NS Phương Hùng (tên thật là Hoàng Đăng Hùng) khi ấy đang là kép gánh hát.

Vợ chồng nghệ sĩ Phương Hùng-Bảo Ly bên phụng bào cho vai Thái hậu Dương Vân Nga. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Mặc dù làm quen với sân khấu cải lương qua nghề đào hát nhưng cái duyên xướng ca có lẽ không mặn mà bằng cái duyên với nghề làm phục trang cải lương truyền từ cha. Những năm 1983, nhận thấy sân khấu cải lương đang ở đỉnh cao mà lại rất thiếu người thiết kế phục trang, NS Bảo Ly cùng chồng lùi hẳn về phía sau sân khấu để gắn bó với nghề này. Thấm thoát đã 40 năm trôi qua…

Nghề làm phục trang cải lương vào những lúc cao điểm rất bận rộn, mặc dù có 9-10 học trò nhưng vợ chồng NS vẫn phải thuê thêm cả chục người phụ. “Thợ chỉ đảm nhận các khâu cơ bản, còn vẽ mẫu, họa tiết, thêu, đính cườm… đều tự tay chúng tôi làm mới vừa ý, mới có thể làm toát lên cái hồn trang phục” - NS Bảo Ly tâm sự.

Một trong những kỷ niệm mà vợ chồng NS Bảo Ly nhớ nhất là vào năm 1980, Đoàn văn công TP.HCM ra mắt vở Tiếng sáo đêm trăng do NS Mỹ Châu thủ vai nữ chính. Lúc này NS Bảo Ly - Phương Hùng đảm nhận thiết kế năm bộ phục trang cho NS Mỹ Châu, trong đó có bộ áo quý phi rất cầu kỳ, mất hơn hai tháng ròng rã mới xong.

“Áo được may từ hơn 15 m vải lụa và gấm, đính hơn 10.000 hạt kim sa mắt gà nhập từ Trung Quốc. Tay áo rộng trên nửa mét, chân váy xòe tròn. Tôi phải thức trắng cả tháng trời đính cho hết số kim sa. Đêm diễn, NS Mỹ Châu bước lên sân khấu lộng lẫy như một quý phi thực sự, khán giả hò reo tán thưởng, lúc đó tôi mới cảm thấy công sức mình bỏ ra thật xứng đáng” - NS Bảo Ly xúc động kể lại.

Không chỉ may trang phục cho các NS nổi tiếng, vợ chồng NS Bảo Ly - Phương Hùng cũng được rất nhiều NS trẻ, học trò trường sân khấu tìm tới. “Hạnh phúc của người làm phục trang là khi NS mặc phục trang do mình thiết kế lên sân khấu thật đẹp, thật đúng vai diễn, được khán giả tán thưởng. Bởi vậy từ những người nổi tiếng cho đến các cô, cậu học trò, nếu họ tìm tới chúng tôi thì trang phục họ cần sẽ được điểm tô thật đẹp đẽ để vai diễn được trọn vẹn” - NS Bảo Ly chia sẻ.

Phụng bào (bên phải) từng được NSND Phùng Há mặc cách đây hơn 60 năm đang được NS Bảo Ly lưu giữ tại tư gia. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

May xong đồ diễn là đổ bệnh luôn

Làm thiết kế phục trang cải lương không hề dễ dàng, nhất là những vở tuồng lấy cốt truyện từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Đó là chưa kể mỗi giai đoạn lịch sử cũng có nhiều thay đổi về trang phục, người làm nghề đòi hỏi phải có đầu óc nhạy bén, hiểu về lịch sử. “Tôi nghiên cứu chủ yếu qua sách vở, nhất là sách lịch sử có nhiều ảnh minh họa. Trong những chuyến du lịch, tôi dành nhiều thời gian đến các bảo tàng để quan sát, chụp ảnh trang phục cổ, họa tiết hoa văn, rồi mua các loại vải thổ cẩm, hàng mỹ nghệ mang về để tranh thủ nghiền ngẫm, bổ sung tư liệu” - NS Bảo Ly cho hay.

Với đặc thù riêng của sân khấu cải lương là các vở diễn thường về đêm, nên người NS khi lên sân khấu phải rất lộng lẫy từ điểm trang đến xiêm y, đặc biệt là các vai vua chúa, cung tần phi tử. Do đó, phục trang phải kết rất nhiều cườm, kim sa, châu ngọc, lông vũ nhằm thu hút ánh nhìn của khán giả. Theo NS Phương Hùng, để hoàn thành một bộ phục trang thường phải trải qua 6-7 khâu từ vẽ mẫu, chọn chất liệu, cắt, may, vẽ họa tiết hoa văn, đính phụ kiện... Trong đó vẽ mẫu là công đoạn cần nhiều thời gian nhất, có khi chiếm đến nửa thời gian hoàn thành một bộ phục trang.

NS Bảo Ly tâm sự muốn có bộ trang phục đẹp người thợ phải có sự phối hợp giữa nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là phải giữ được tính đặc trưng, tránh bị nhầm lẫn giữa cải lương, hát Hồ Quảng hay hát bội. “Bởi vậy mỗi khi có người tìm đến nhờ làm phục trang, chúng tôi đều hỏi cặn kẽ vở diễn, nhân vật… rồi mới thực hiện để giữ cho đúng cái hồn của vở cải lương. Chẳng hạn, mão cửu long của vua Việt Nam có thêu chín con rồng, còn mão vua của Trung Hoa thì có chi tiết chín xâu chuỗi ngọc treo rủ trên đỉnh mão. Hay áo của quan văn Việt Nam thì ống tay nhỏ, có bâu cổ đứng, còn bên Trung Hoa áo của quan văn có ống tay rộng và không có bâu cổ. Làm ẩu khán giả phát hiện ra ngay” - NS Bảo Ly dẫn chứng.

Ngồi kế bên vợ, NS Phương Hùng cho biết mỗi trang phục diễn từ khi bắt đầu cho đến lúc hoàn thành phải tính bằng tháng: “Nhiều đoàn đặt phục trang cận ngày diễn quá nhưng vì tình đồng nghiệp tương trợ nhau nên vợ chồng tôi vẫn nhận lời rồi thức đêm thức hôm mày mò làm. Xong rồi bệnh luôn. Bởi mới nói không chỉ nghề này mà nghề nào cũng vậy, không có đam mê là khó có thể gắn bó lâu dài”.

Những người may áo ‘giữ hồn’ cải lương ảnh 3

Khi Huyền bắt đầu đi hat thì cô chú nghệ sỹ Bảo Ly - Phương Hùng là người đầu tiên thiết kế phục trang cho mình. Các phục trang do cô chú làm rất đẹp, công phu, tỉ mỉ.

Đặc biệt, phục trang cô chú thiết kế cho các vở tuồng cổ, kiếm hiệp thì khó có thể lẫn vào đâu được vì cô chú có kỹ thuật kết kim sa rất độc đáo, vừa đẹp vừa lạ mắt nhưng phù hợp với bối cảnh lịch sử của nhân vật. Nghệ sĩ Ngọc Huyền 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm