Những mảnh nhỏ xúc cảm ở LHP Cannes 2013

Được như thế có lẽ vì Cannes luôn tìm kiếm và tôn vinh những điều mới mẻ trong nghệ thuật thứ bảy ở mọi góc độ.

Nhìn vào danh sách các phim trong hạng mục tranh giải lẫn không tranh giải năm nay, có thể thấy Cannes 2013 in đậm dấu ấn cảm xúc mãnh liệt. Đó là những tác phẩm thể hiện những góc nhìn về các vấn đề muôn thuở của con người đặt ở những bối cảnh thời gian, không gian khác nhau: bạo lực, tình dục, tình người và số phận của mỗi cá nhân.

Những lát cắt đơn độc

Tuy không tham gia tranh giải nhưng The Great Gatsby là tác phẩm khai mạc LHP và là một trong những phim được mong đợi nhất trong năm 2013. Bộ phim hứa hẹn đem lại những trải nghiệm thú vị vì lần đầu tiên tác phẩm kinh điển của nhà văn F. Scott Fitzgerald được chuyển thể thành phim ở định dạng 3D.

Mở màn với hình ảnh vàng son của thập niên 1920 của nước Mỹ, Cannes sẽ kết thúc bằng việc quay về với những vấn nạn nhức nhối của thời hiện đại ở Nam Phi với Zulu. Bộ phim có sự tham gia của những tên tuổi nổi tiếng như Orlando Bloom, Forest Whitaker trong vai hai nhân viên cảnh sát có xuất thân khác nhau nhưng phải chung vai sát cánh đương đầu với thực trạng của xã hội.

Những mảnh nhỏ xúc cảm ở LHP Cannes 2013 ảnh 1

Poster phim Jeune & Jolie.

Nữ diễn viên Carey Mulligan thủ vai Daisy Buchanan, người tình của đại gia Gatsby, là một trong những người hiếm hoi xuất hiện trong hai phim tham dự Cannes năm nay, mà cả hai phim đều đẫm màu cổ điển. Với Inside Llewyn Davis, Carey Mulligan vào vai nữ ca sĩ Jean Berkey, một trong những phụ nữ có ảnh hưởng quan trọng đến Llewyn Davis, nghệ sĩ kiến tạo dòng nhạc folk tại New York vào những năm 1960. Bộ phim giả tiểu sử của anh em nhà Coen thể hiện một góc nhìn trớ trêu về nền âm nhạc cận đại của Mỹ hứa hẹn là ứng cử viên nặng ký của giải Cành cọ vàng.

Trở lại với bối cảnh hiện đại tại một khu vực náo nhiệt trên đất Thái, Only God Forgives của Nicolas Winding Refn là một trong những phim được mong đợi nhất tại LHP Cannes lần thứ 66. Cách đây hai năm, Nicolas W. Refn đã khiến giới điện ảnh xôn xao khi trình làng Drive tại Cannes 2011. Mạch phim chậm mà lôi cuốn, điềm đạm mà dữ dội và nội dung đậm chất kiểu anh hùng cổ điển của Drive đã được các nhà phê bình lẫn công chúng hết lòng ca ngợi. Lần này, cũng với cốt truyện đơn giản, xoay quanh mối bất hòa của một tay giang hồ và viên cảnh sát ở Bangkok, Nicolas W. Refn tiếp tục đưa người xem vào nơi thời gian trôi thật chậm rãi và mọi hành động đều có khuynh hướng kết thúc bằng sự trả giá đắt.

Cannes 2013 cũng đánh dấu sự trở lại của người cũ Roman Polanski. Bộ phim Pháp Venus in Fur của ông xuất hiện trong hạng mục tranh giải Cành cọ vàng. Tuy nhiên, đại diện nặng ký của điện ảnh Pháp chính là Jeune et Jolie (Tuổi trẻ và Sắc đẹp) đang gây xôn xao dư luận và nhận được phản ứng tích cực từ giới phê bình khi công chiếu tại LHP Cannes. Tác phẩm mang hơi hướng thể nghiệm khắc họa quá trình trưởng thành và trải nghiệm tình dục của cô gái 17 tuổi. Câu chuyện của cô được kể qua bốn phân đoạn bắt đầu và kết thúc với bốn bài hát. Cũng như Only God Forgives, chủ đề chính của Jeune & Jolie là quy luật nhân quả nhưng đặt trong những lựa chọn cực đoan của một cô gái mới lớn.

Cơ hội cho mọi người

“Tìm kiếm và tôn vinh các tác phẩm xuất sắc nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của điện ảnh thế giới” là nội dung chính trong điều lệ hoạt động LHP Cannes. Đây là lý do LHP Cannes diễn ra vào trung tuần tháng 5 và chỉ những bộ phim mới nhất, chưa được chiếu ở nước nào khác ngoài quốc gia sở tại, mới được phép tham dự Cannes. Mục tiêu của LHP Cannes là giới thiệu, tạo điều kiện cho những bộ phim vừa sản xuất được giới chuyên môn lẫn công chúng thế giới biết đến. Vì thế, bất kỳ nhà làm phim nào cũng biết rằng đưa phim đến Cannes là cách tốt nhất để quảng bá tác phẩm của mình.

Nhắc đến LHP Cannes, người ta nhắc đến sự đa dạng về nội dung lẫn nguồn gốc xuất xứ của các bộ phim trong hạng mục chính thức lẫn không chính thức. Tại Cannes, đại diện điện ảnh ở mọi quốc gia đều có cơ hội tranh giải như nhau. Điển hình là bộ phim Thái Lan Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives đoạt giải Cành cọ vàng vào năm 2010.

Không chỉ là bệ phóng cho các tài năng trẻ, LHP Cannes còn là đầu mối giao thương giữa các hãng phim lớn nhỏ trên thế giới. Marché du Film (Chợ phim) từ lâu đã là một trong những hội chợ triển lãm phim ảnh lớn nhất thế giới. Tại đây, bất kỳ ai muốn bán hay muốn mua đều được đáp ứng. Những ý tưởng kịch bản tìm thấy nhà đầu tư, các hãng phim tìm thấy nhà phân phối, những hợp đồng góp vốn trị giá hàng triệu USD được ký kết, tất cả điều đó tạo nên sự cân bằng về mặt thương mại với mặt nghệ thuật của Cannes.

Tóm lại, các tài năng trẻ đến LHP Cannes để phát triển sự nghiệp, các hãng phim đến để làm ăn và người hâm mộ được đắm mình trong cảm xúc thăng hoa của điện ảnh. Mọi người đều tìm được điều mình muốn tại thành phố ven biển nước Pháp. Đó là lý do khiến LHP Cannes luôn là điểm nóng của điện ảnh lẫn truyền thông thế giới.

Có thể thấy LHP Cannes lần thứ 66 là nơi hội tụ của những câu chuyện riêng lẻ, nhỏ bé nhưng đầy cảm xúc và khát vọng mãnh liệt. Trong đó, nhân vật chính có thể tạo nên sự khác biệt, vươn lên đỉnh vinh quang hay đổ vỡ, tan nát hoặc thậm chí là trả giá bằng chính cuộc đời của mình. Nhưng dù thế nào, chất hoang dã gần như cực đoan của những câu chuyện đã làm sáng bừng màn ảnh của Cannes.

Bên cạnh các bộ phim của Mỹ và Pháp, Cannes còn có những tác phẩm đặc sắc từ những nền điện ảnh trẻ tuổi hoặc thậm chí không ai biết đến. Điều thú vị là những phim như thế lại thường dễ đoạt giải. Đáng chú ý nhất là bộ phim Grisgris của đạo diễn Mahamat Saleh Haroun (Cộng hòa Chad) kể về chàng trai 25 tuổi bị liệt mơ ước trở thành vũ sư nhưng lại làm việc cho bọn buôn lậu xăng dầu. Bộ phim xoáy sâu vào sự bất lực của một cá nhân nhỏ bé trước sự tàn nhẫn của hệ thống xã hội, đồng thời làm sáng lên vẻ đẹp của sự nỗ lực vươn lên của một con người.

NGUYÊN PHONG (Theo Guardian, Telegraph)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm