Những ca khúc không thể quên về cuộc chiến tháng 2-1979

Sáng nay (17-2), trên trang Facebook cá nhân của mình, đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã nhắc đến một bài hát quan trọng trong cuộc đời nhạc sĩ Phạm Tuyên là Chiến đấu vì độc lập tự do. Trong đó có câu hát "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới " làm nhiều người vẫn nghĩ đó là tựa ca khúc.

Anh viết: “Có một bài hát quan trọng mà trong đêm nhạc Phạm Tuyên - Nhớ và quên đã không biên tập vào được. Hôm nay bài hát ấy cứ văng vẳng bên tai - bài hát của một dân tộc không chịu cúi đầu. Nhớ những ngày học phổ thông trung học, đi tập quân sự điên loạn chuẩn bị theo lệnh tổng động viên. Nhớ chứ sao quên được nhỉ?”.

Lời nhắc của đạo diễn Phạm Hoàng Nam nhắc nhớ đến một loạt ca khúc giai đoạn cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979.

1. Chiến đấu vì độc lập tự do - Phạm Tuyên

Trước khi viết Chiến đấu vì độc lập tự do, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đã viết: Chúng tôi là đồng đội của Lê Đinh Chinh (Lê Đinh Chinh là liệt sĩ đầu tiên ngã xuống trên biên giới phía Bắc); rồi sau đó là ca khúc: Có một đóa Hồng Chiêm (về nữ liệt sĩ Hồng Chiêm); Tiễn thầy giáo đi bộ đội  (từ chuyện có thật về thầy giáo rời bục giảng để cầm súng)…

Theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Tuyên trên nhiều trang báo thì tối 17-2-1979, nhạc sĩ đã lặng người khi nghe tin quân xâm lược Trung Quốc tràn qua biên giới. Khi đó ông đang phụ trách âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Lập tức, ông đặt bút viết rất nhanh ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do với câu mở đầu “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”.

Ngay ngày 20-2-1979 bài hát đã lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, sau bốn ngày quân xâm lược giày xéo miền Bắc Việt Nam: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương. Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng. Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca! Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương!”


2. Những đôi mắt mang hình viên đạn - Trần Tiến

Thời điểm đó nhạc sĩ Trần Tiến viết ca khúc Những đôi mắt mang hình viên đạn ngay sau khi vừa tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội. Đây là bài hát cụ thể về những đôi mắt của người mẹ già và trẻ nhỏ nơi biên giới với nét nhạc trầm hùng, dồn dập.

Đoàn quân vội đi, đi về biên giới, cũng từ biên giới về, bao người mẹ già. Đoàn quân lặng im, ngược dòng người đi, một đôi mắt bao lần tiễn biệt, một đôi mắt bao lần ước hẹn, một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa. Kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân”.

3. Chiều biên giới - Trần Chung, Lò Ngân Sủn

Chiều biên giới của nhạc sĩ Trần Chung là bản tình ca về chiến tranh biên giới lãng mạn nhất khi phổ thơ từ bài thơ của nhà thơ được mệnh danh là “cây bút miền biên cương” người dân tộc Dáy - Lò Ngân Sủn.

Thầy giáo Lò Ngân Sủn đã chứng kiến miền đất quê hương Bát Xát - Lào Cai bị quân giặc tàn phá thế nào. Trong một tối mùa đông năm 1980, Lò Ngân Sủn đã viết bài thơ này. Bài thơ đăng trên báo Nhân Dân, từ đó nhạc sĩ Trần Chung đọc thấy được đã phổ nhạc.

“Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào xanh hơn. Như chồi xanh cỏ biếc. Như rừng cây của lá. Như tình yêu đôi ta”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm