Nhớ nồi nước tắm chiều cuối năm

Không biết từ bao giờ, cứ mỗi độ tết đến, xuân về đối với rất nhiều người, được tắm từ nước nấu từ cây mùi già đã trở thành một việc không thể thiếu trong ngày cuối năm. Và nếu sinh ra và lớn lên ở một miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, hẳn bạn sẽ nhớ đến cháy lòng cái mùi thơm ngan ngát hương đồng cỏ nội, rất đỗi thanh tịnh của nồi nước tắm được nấu từ loại cây dân dã này.

Bó mùi già không thể thiếu trong giỏ mẹ đi chợ ngày cuối năm 

Ngày xưa, giống như nhiều đứa bé khác, tôi rất thích theo mẹ đi chợ, thú vị nhất là những phiên chợ ngày tết.

Bám áo mẹ chen chúc để được thử cái áo mới, được mẹ mua cho một chiếc bánh đa kê giòn tan thơm phức.

Có những món đồ mà mẹ chỉ mua trong phiên chợ cuối năm là ghé hàng trái cây chọn một quả Phật thủ, rồi ra đầu chợ mua mớ lá dong để về gói bánh và một món không thể thiếu, đấy là vài bó cây mùi đã già (Phía Nam gọi là cây ngò). Đi trong chợ, không cần hỏi cũng biết chỗ bán cây mùi già, bởi loài cây này cũng khá đặc biệt, khi cây bắt đầu ra hoa thì đã thơm rồi, cây khô có trái thì lại càng thơm, mùi thơm dịu ấm áp đến là dễ chịu. Mùi già thơm không thể lẫn với bất cứ mùi hương nào khác.

Nhớ nồi nước tắm chiều cuối năm ảnh 2
Hầu như nhà nào cũng nấu nước tắm với cây mùi già. 

Ngày đó trong phố tôi ở chiều 30 tết, các gia đình í ới mượn nhau xoong để nấu nước tắm, hầu như nhà nào cũng nấu nước tắm với cây mùi già. Mẹ tôi nói tắm nước nấu từ cây mùi sẽ xua đi, gội sạch những chuyện không may mắn đen đủi của năm cũ vàsang năm mới sẽ đem lại cho mình nhiều may mắn.

Khoảng thời gian từ năm 1965 đến đầu năm 1973, gia đình tôi từ thành phố đi sơ tán về nông thôn để tránh máy bay Mỹ ném bom. Lúc này nhà tôi không phải mua nữa, bởi ở nông thôn gần như nhà nào cũng chừa một khoảnh đất để trồng loại cây này. Khi non thì làm rau sống để ăn. Giáp tết họ nhổ cây già chia cho nhà nào không có.
Nhớ khoảng thời gian về sơ tán tại Hà Nam, ngày 30 tết mẹ bảo chị tôi ra bờ sông Châu Giang rửa sạch đất bám trong rễ cây mùi già, dặn là phải rửa thật nhẹ nhàng, không làm giập lá và rụng quả.
Bên bếp lửa hồng đun bằng gốc mía khô, nồi nước tắm không chỉ có bó mùi già như các nhà khác, mẹ tôi bao giờ cũng cho thêm vài quả bồ kết nướng cháy, một khoanh vỏ bưởi khô và 1 cành hương nhu. Chưa cần tắm, chỉ hơi nóng tỏa ra từ nồi nước bốc lên là người đã cảm thấy thơm ngát thật dễ chịu. Bên mâm cúng tất niên, thoang thoảng trong mùi hương trầm, là ngan ngát hương mùi già... Cuộc sống bây giờ người ta quen với biết bao loại mùi thơm nhân tạo như sữa tắm, nước hoa... nhưng thói quen tắm tất niên với cây mùi già,vẫn còn nhiều gia đình lưu giữ và coi đấy là hương vị không thể thiếu được trong tết cổ truyền.
Năm tháng qua đi, những đứa trẻ ngày ấy nay cũng đã già. Mấy chục năm ở phương Nam, được đúng 1 lần về quê ăn tết.
Chiều 30 trở lạnh, bà chị nhắc: “Chị nấu mùi già rồi đấy, cậu đi tắm đi rồi còn vào cúng ông bà..”. Căn bếp nhà quê vùng chiêm trũng sực nức mùi hương xưa cũ, thứ mùi hương mà bây giờchỉ nhắc đến thôi, là thấy tết cùng hình bóng mẹ với vô vàn ký ức tuổi thơ đầy hoài niệm kéo về. 
Nhẹ lắm, tết Sài Gòn
Nhẹ lắm, tết Sài Gòn
(PLO)- Nếu như ai đó nói rằng ăn tết ở Sài Gòn rất buồn thì chắc hẳn phải suy nghĩ lại nếu một lần được đón tết nơi đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm